Thời gian gần đây, làng giải trí xuất hiện nhiều hơn những ca khúc có tựa đề hay ca từ trong bài khá nhạy cảm gây xôn xao, bàn tán, điển hình như: "Như lời đồn", "Như cái lò", "Thu Dẩm"... Trước những ý kiến trái chiều từ phía người hâm mộ nói chung và các nghệ sĩ có chuyên môn trong nghề nói riêng, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn quan điểm của anh về vấn đề này.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
Trước ý kiến "Người có ăn có học không ai thích ca khúc Như lời đồn, những ca khúc như vậy ảnh hưởng tới sự trong sáng của Tiếng Việt", nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ: "Ở một khía cạnh của một người có trăn trở, tôi cũng ủng hộ những người dám bày tỏ thái độ của mình, nhất là trong giai đoạn mà âm nhạc nhân danh giải trí mà phần nhiều nhảm nhí đã hiện hữu ngập tràn không gian sống.
Một mặt, tôi luôn tìm lời khen và cổ vũ dành cho mọi nhạc sĩ trẻ khi có cơ hội. Nhưng một mặt, tôi hy vọng rằng họ có sự trưởng thành qua năm tháng để nhận ra mọi lời khen của người khác không bao giờ tốt hơn việc người sáng tác tự hiểu biết về con đường mình đi, vị trí của mình và cảm thấy tôn trọng chính bản thân mình trước khi nhận được yêu mến của khán giả. Có những người trẻ đầy năng lượng và sự sảng khoái trên vạch xuất phát, nhưng sau này dần chủ quan bởi bị bao vây trong hào quang thị trường, và rồi lạc lối. Mới đầu, tôi có thoáng tiếc, và rồi cũng không còn tiếc".
Bên cạnh những ý kiến phản bác kịch liệt tựa đề, không ít người cũng cho rằng nhạc sĩ hiện nay đặt tựa theo cách nghĩ của họ còn liên tưởng hay không là ở suy nghĩ khán giả, nếu cứ cấm đoán thì người nghệ sĩ trẻ sẽ mất đi sức sáng tạo. Về phía nhạc sĩ Đỗ Bảo, anh cho biết mình không đồng tình với quan điểm này bởi nếu nghệ sĩ cứ mượn danh nghĩa sáng tạo hay cá tính để làm điều bậy bạ gì cũng được thì âm nhạc mới nhí nhố và bậy bạ như hiện nay.
"Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể là bài hát "Như lời đồn", với cái tên có thể được viết ra để khiêu khích ấy, dù là giả định, tôi cũng không thấy có cơ sở gì đủ thuyết phục để cấm cả. Tôi chưa nghe lời bài hát, nhưng nếu có chăng thì qua đây nghệ sĩ và khán giả cũng có thêm một kinh nghiệm để biết tự sàng lọc cho mình những gì mình thích và những gì nên thấy để hạn chế" - nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
MV Như Lời Đồn - Bảo Anh
Nói về việc thời gian gần đây, có nhiều trường hợp nghệ sĩ Underground đưa cái ngông của mình vào trong ca từ bài hát, đôi khi có phần suồng sã, thô tục, nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng thẳng thắn: "Một xã hội với mức dân trí ở đó chấp nhận các bạn trẻ ngông, suồng sã, thô tục thì các bạn ấy cùng những tác phẩm như thế mới tồn tại. Tựu trung lại, tôi cho rằng nhiều người trẻ bây giờ họ đang bế tắc, lạc lối trong đời sống. Cũng không loại trừ, họ đã học theo thói ngông nghênh chửi bới từ cả những người lớn có vị thế trên mạng xã hội, họ bị truyền thông cho thấy rằng gây scandal là cách nổi tiếng nhanh, hay nếu có nhiều fan "cảm tử" thì mọi phê phán nhằm vào họ cũng vô nghĩa".
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho biết trong cảm nhận của anh, âm nhạc hiện nay có vẻ phát triển quá đà dành cho bộ phận giới trẻ, mà trong đó có không ít "trẻ trâu". Do đó, những bài hát bây giờ không còn mấy liên quan gì đến nền tảng xã hội chung nữa.
Tác giả "Bức thư tình đầu tiên" cũng khẳng định thêm đây là thời buổi Internet tự do nên ai ai cũng là một nhà xuất bản nên việc đa dạng sản phẩm âm nhạc là việc bình thường. Anh cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc đưa những bài hát tới gần hơn với khán giả một cách có chọn lọc.
"Một bài hát hoặc một sản phẩm ra đời với nhãn nghệ thuật, đi kèm cùng tên những nghệ sĩ đã được công chúng biết đến, thì truyền thông là lớp người đầu tiên tiếp cận, họ nên tiếp cận một cách có nghề, đúng mực, nên tránh làm hỏng sản phẩm và nghệ sĩ đó.
Nếu truyền thông có thể đưa mọi sản phẩm và nghệ sĩ về gần đúng hoặc đúng vị trí của nó, thì đó đã là cả một cuộc cách mạng rồi. Họ nên chia sẻ trách nhiệm và trăn trở đó với văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, một cách sâu đậm hơn", anh nói.