Nhạc chế tràn lan và trách nhiệm của nghệ sĩ

Hoàng Vân, Theo Đại Đoàn Kết 07:18 13/10/2022

Không ít người tỏ ra lo ngại vì số lượng sản phẩm nhạc chế xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Việc những ca từ lệch chuẩn được biến tấu tạo ra nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm hồn trẻ thơ.

Nhạc chế vô bổ… xuất hiện tràn lan

Nhạc chế tràn lan và trách nhiệm của nghệ sĩ - Ảnh 1.

Lê Dương Bảo Lâm chế lời ca khúc "Doraemon" khiến công chúng vô cùng bức xúc

Nhạc chế vốn đã xuất hiện từ lâu nhưng thời gian gần đây nổi lên như một hiện tượng vì lời bài hát ca khúc “Doraemon” của Lê Dương Bảo Lâm. Sự việc nhạc chế của Lê Dương Bảo Lâm nhận nhiều phản ứng trái chiều vì ca từ không phù hợp với tâm hồn trẻ thơ. Thậm chí ca khúc còn bị đánh giá là gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm “lệch chuẩn” những giá trị mà âm nhạc đang tìm kiếm.

Trong bài hát nhạc chế “Doraemon” có đoạn: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu, còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì một năm sau Nobito chào đời”.

Nội dung trong lời bài hát được cho là “vô nghĩa”, phản cảm, phá nát câu chuyện gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người đang nổi tiếng và tiếp tục được truyền tay, thu hút lượt xem “khủng” trên mạng xã hội.

Nhạc chế tràn lan và trách nhiệm của nghệ sĩ - Ảnh 2.

Một thời, nhạc chế liên tục lọt Top thịnh hành YouTube

Thực tế, không chỉ đến ca khúc “Doraemon”, nhạc chế mới phổ biến. Trước đó, nhiều MV nhạc chế khác cũng đạt lượng view mơ ước, bởi ca từ vui nhộn, dễ thuộc, dễ nhớ. Một thời, các ca khúc nhạc chế “chiếm lĩnh” bảng xếp hạng YouTube. Các ca khúc Những Chị Đại Học Đường của Hậu Hoàng, Sau Sáu Rưỡi của Trung Ruồi và Để Mị Nói Cho Mà Nghe (phiên bản chế của BB Trần) nhanh chóng được lan truyền với “tốc độ ánh sáng”.

Ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, không ít sản phẩm nhạc chế “chễm chệ” trên Top thịnh hành. Cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, việc biến tướng ca từ trở nên đáng lo ngại hơn vì những sản phẩm nhạc chế dày đặc những ngôn từ phản cảm, những hình ảnh mất thẩm mỹ.

Lo ngại trước tình trạng trẻ nhỏ nhiễm ngôn từ “bẩn” từ các ca khúc, mẹ bé So trong Thương Ngày Nắng Về, chị Nguyễn Thị Cảnh (Hà Nội) tiết lộ việc không cho con tiếp cận mạng xã hội sớm vì sợ con nghe thấy các ca khúc nhạc chế.

“Ở nhà, tôi hạn chế cho cháu tiếp xúc với mạng xã hội, nhất là việc nghe các bài hát chế thì dường như là không có vì tôi thấy những bài hát chế thường có ca từ không phù hợp thậm chí là nhố nhăng”, chị nói.

Theo khảo sát của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, không chỉ có chị Cảnh, đa số phụ huynh đều bày tỏ lo ngại khi nhạc chế ngang nhiên bước lên sóng truyền hình, kéo theo sự “lệch chuẩn” đi ngược với những định hướng cơ bản, đó là tính thẩm mỹ, nghệ thuật và tính nhân văn trong âm nhạc.

Nghệ sĩ và trách nhiệm với âm nhạc

Nhạc chế tràn lan và trách nhiệm của nghệ sĩ - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Nhiều ca khúc nhạc chế hiện giờ có nội dung độc hại, ca từ vớ vẩn, nhảm nhí, không có giá trị giải trí lành mạnh và ảnh hưởng xấu đến đầu óc, suy nghĩ trẻ nhỏ” (Ảnh: FBNV)

Bất bình trước tình trạng nhạc chế xuất hiện tràn lan, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định: “Nhạc chế vui, mang lại sự bất ngờ và tiếng cười, nhưng đôi khi, đó là tiếng cười dễ dãi và xàm”.

Anh cho rằng, khán giả thích nhạc chế thường là những người trẻ… Đặc biệt, họ là những người có nhiều thời gian để xem nên các sản phẩm nhạc chế dễ dàng có lượt xem cao, lọt Top trending. Còn những người có chuyên môn và gu thưởng thức âm nhạc không ca tụng thể loại nhạc này.

Nhạc chế tràn lan và trách nhiệm của nghệ sĩ - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Trần Quang Duy đề cao vai trò của người nhạc sĩ sáng tác ca khúc và thông điệp bài hát muốn truyền tải tới công chúng thông qua ca khúc đó.

Lý giải về lý do nhạc chế “ăn khách”, nhạc sĩ Trần Quang Duy cho hay, chính sự bắt tai, vui vẻ mà sản phẩm chế từ nguyên văn bài hát có lời lẽ không phù hợp được nghe nhiều hơn cả bài hát chính gốc mang ý nghĩa tích cực. Với anh, đây là sự thiệt thòi với những người làm nghề chân chính.

“Nhiều bạn khi nhận được lượt xem lớn và tiền từ YouTube, TikTok, họ đã nghĩ mình giỏi. Nhưng tôi nghĩ khán giả hiện giờ có sự đào thải. Chỉ một thời gian trào lưu sẽ bị đào thải và thay thế bằng những hiện tượng khác”, anh nói.

Nhạc sĩ Quang Duy chia sẻ: “Việc sử dụng giai điệu đã quen thuộc của 1 ca khúc cũ và khoác lên ca khúc đó 1 dòng ca từ mới nếu nó có tính thẩm mỹ về ca từ thì cũng coi như là phổ lời 2 cho ca khúc. Tuỳ mục đích sử dụng mà nó gây những tác động khác nhau tới xã hội và công chúng (bao gồm cả giới trẻ lẫn người không còn trẻ)”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online về trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc bảo vệ ca khúc của chính mình, tránh trường hợp đưa ra sử dụng bữa bãi, chế tác ngôn từ không phù hợp, nhạc sĩ Quang Duy đề cao vai trò của người nhạc sĩ sáng tác và thông điệp mà các bài hát muốn truyền tải tới công chúng.

“Khi ca khúc của họ bị xâm phạm (chế lời bậy - sử dụng với mục đích không tốt) khi đó họ có thể nhờ tới sự can thiệp từ Cục sở hữu trí tuệ hay Cục bảo vệ bản quyền tác giả.... hoặc nhờ sự hỗ trợ từ cơ quan có thẩm quyền”, nhạc sĩ Quang Duy bày tỏ.

Nhạc sĩ Quang Duy cho biết, nếu tự bản thân nhạc sĩ thả lỏng tính sở hữu và sự quản lý với chính ca khúc của mình thì không ai can thiệp được vì đó là chất xám của họ. Còn nếu họ lợi dụng chính sản phẩm của họ với mục đích khác bằng việc chế lời... cơ bản nó sẽ làm người nghe quên luôn bản gốc như thế nào. Và khi đó bài gốc của họ sẽ bị lãng quên, thay vào đó người nghe sẽ nhớ tới thông điệp truyền tải trong lời mới đã được viết cho ca khúc cũ.