Bài viết được dịch lại từ báo Der Spiegel (Đức) - nguồn gốc của cuộc điều tra được tiến hành bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Ngày 15/2 vừa qua, UEFA ban hành án cấm tham dự Champions League 2 năm, buộc Man City nộp phạt 30 triệu euro vì tội lừa đảo, phá vỡ luật Công bằng tài chính.
Nền chủ nghĩa tư bản đích thực đã xuất hiện trong thế giới bóng đá: Manchester City trả lương khủng cho cầu thủ và thu về các khoản lợi nhuận, trong khi Tập đoàn City Football kiểm soát bóng đá thế giới bằng hàng loạt những chi nhánh nhỏ.
Thành viên trong BLĐ Man City thậm chí còn sử dụng một đội bóng ở Ả-rập để trả tiền cho người đàn ông hiện đang nắm chức HLV trưởng đội tuyển Ý. Điều nghe không liên quan nhưng lại trở nên hợp lý đến bất ngờ.
Vào buổi chiều ngày thứ 7, tháng 10/2018, Manchester City có màn đọ sức với Burnley, đội bóng thuộc tầm trung của Premier League. Với sự đầu tư khổng lồ từ các ông chủ, họ rõ ràng không được phép hòa Burnley, huống chi là thua.
Sức mạnh của Man City trước đối thủ yếu hơn được thể hiện một cách rõ ràng. Sau hơn 50 phút, họ dẫn 3-0 Burnley. Nhưng đáng tiếc trận đấu hôm đó lại kết thúc không theo kịch bản hoàn hảo như các CĐV mong chờ. Kevin de Bruyne dính chấn thương nặng, dự kiến ngồi ngoài 2 tháng.
Pep Guardiola ví Kevin de Bruyne là “cầu thủ tuyệt vời nhất ông từng gặp trên đời”. De Bruyne, theo Pep, “có thể làm mọi thứ”. Trở lại thời điểm tháng 2 năm đó, khi Man City đang thể hiện bộ mặt vô cùng ấn tượng ở giải quốc nội, tờ The Sun có phân tích tầm ảnh hưởng của De Bruyne với Man City như sau: “Một mình De Bruyne, với số bàn thắng tiền vệ này góp dấu giày, đã đem về 20 điểm cho City”.
De Bruyne là thủ lĩnh đích thực, người có khả năng kiểm soát mọi thứ trên sân. Năm 2015, tiền vệ người Bỉ giúp Wolfsburg vô địch Cúp Quốc gia Đức. Đó là thời điểm vừa vui vừa buồn với Wolfsburg vì họ hiểu rằng sau mùa giải năm đó, ngôi sao sáng nhất sẽ dứt áo ra đi. Trong vòng nhiều tháng trời, những tin đồn về điểm đến mới của De Bruyne liên tục xuất hiện. Theo tài liệu của Football Leaks, Man City là đội sốt sắng nhất, sẵn sàng đưa De Bruyne về Etihad "bằng bất cứ giá nào".
Tháng 8/2015, nửa xanh thành Manchester thắng cả 3 trận mở màn, ghi 8 bàn và giữ sạch lưới. "Một khởi đầu hoàn hảo, cầu thủ ai cũng đang có phong độ tốt", Ferran Soriano, CEO của Man City có lời khen với cấp dưới, chia sẻ niềm vui thông qua luồng email mật của đội. Nhưng cũng theo vị CEO này, thế vẫn chưa đủ. "Chúng ta sẽ đầu tư thêm 50 triệu bảng để đội chơi tốt hơn nữa".
Số tiền 50 triệu bảng đó là dành cho một ngôi sao của Wolfsburg. Chỉ có điều ông Soriano đang gặp một chút khó khăn khi nói chuyện với đối tác bên kia. “Họ không muốn nhả người, chê 50 triệu là quá ít. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hết sức để gây sức ép lên họ, thực hiện thành công thương vụ này mà… không phải chiều theo bất cứ yêu cầu nào của họ”.
Khi Man City tuyên bố muốn mua cầu thủ bất kể giá nào thì ngay cả một nhà sản xuất ô tô thu về 200 tỉ euro mỗi năm cũng phải ngả mũ. Thế nên cuối cùng, Wolfsburg chấp nhận con số 75 triệu bảng. Mất De Bruyne, “bầy sói” tụt dốc không phanh ở đấu trường quốc nội. Tiền vệ người Bỉ thì vẫn thăng hoa từ lúc mới chuyển đến Etihad.
Thành công bằng bất cứ giá nào, đó là phương châm làm việc của BLĐ Manchester City. Ngay cả Bayern Munich, đội bóng lớn nhất nước Đức cũng chẳng thể đưa ra lời đề nghị tốt hơn Man City để mua Bruyne. Cay đắng hơn nữa, Hùm Xám còn thua Man City trong thương vụ Leroy Sane.
Khi ngôi sao trẻ đến từ xứ Essen, Đức chuyển tới Manchester, BLĐ Man City đưa ra một lời hứa bùi tai: “Nếu cậu nhận lương không đến 24,5 triệu bảng trong 3 năm đầu tiên thì chúng tôi sẽ đền thêm một khoản chênh lệch”. Nói cách khác, Sane, một cầu thủ mới 20 tuổi, đã nhận mức lương mà ngay cả những đồng nghiệp có kinh nghiệm thi đấu hơn anh cũng phải thèm muốn. Bayern đương nhiên không có cửa trong thương vụ mồi chài cầu thủ này.
Man City được hưởng lợi vì BLĐ đội bóng biết cách đẩy hoặc lùi ngày những bản hợp đồng tài trợ từ Abu Dhabi. Bằng cách đó, họ xem nhẹ Luật công bằng tài chính (FFP), thoát khỏi những án phạt cực nặng từ UEFA. Đằng sau Man City là đại gia tộc quyền hành nhất UAE, những người coi khoản đầu tư kếch xù vào bóng đá đơn giản như mua một chiếc thẻ điện thoại.
Nhưng thực tế cũng không thể đổ hết trách nhiệm làm phân hóa giàu nghèo cho các ông chủ giàu có được. Số tiền Ngoại hạng Anh nhận về từ việc bán bản quyền phát sóng giải đấu đã thay đổi hoàn toàn bóng đá châu Âu. Năm ngoái, BTC Ngoại hạng Anh đưa cho Man City 170 triệu euro, lớn hơn 75% số tiền Bayern nhận được từ Bundesliga. Theo Football Leaks, số tiền Man City nhận được từ BTC Ngoại hạng Anh đủ để trả mức lương 11 triệu euro cho Ilkay Gundogan, 18 triệu euro cho Sergio Aguero. Ở Anh, cầu thủ Man City với mức đãi ngộ hào phóng như thế đúng là nhóm người sung sướng, hạnh phúc nhất rồi.
Có một sự thật khiến nhiều người bất ngờ về phong cách tiêu tiền của Man City. Họ “đốt” nhiều thật, nhưng cũng nhận lại những khoản lợi nhuận lớn chẳng kém. Một văn bản nội bộ Man City được biên soạn năm 2012 ghi rõ điều này.
“Công nghiệp bóng đá là ngành rất ‘phân mảnh’. Chúng ta, CLB bóng đá, là ‘mảnh’ nhận được ít lợi nhuận nhất trong vòng giá trị. Chúng ta phải mua bản quyền hình ảnh của cầu thủ rồi lại trả lương cho họ. Những cầu thủ giỏi thì lại nhận lương cao hơn so với phần còn lại. Các hiệp hội bóng đá, công ty truyền thông, các nhãn hàng bán lẻ cùng các cầu thủ và người đại diện mới là nhóm kiếm nhiều lợi nhuận”.
Để chắc chắn rằng Man City có được một phần kha khá trong miếng bánh, BLĐ đội bóng xây dựng một cấu trúc chưa từng có trong thế giới bóng đá: Một đế chế toàn cầu. Sở hữu một đội bóng thôi vẫn chưa đủ. Thay vào đó, một mạng lưới bán lẻ trên toàn thế giới mới là “con gà đẻ trứng vàng” - Man City biết được điều này sớm hơn hết thảy, từ năm 2009.
Cũng năm đó ông Roberto Mancini chính thức đồng ý trở thành HLV của Man City, ký tên vào bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Nhưng vị chiến lược gia người Ý ngoài làm cho Man City còn đóng vai trò cố vấn cho 2 đội bóng, Al Jazira Sports và Cultural Club tại giải VĐQG Ả Rập Saudi. Sheikh Mansour là người đứng sau 2 đội bóng này. Những con số trong hợp đồng Mancini ký có thể khiến người xem phải sửng sốt.
Al Jazira hứa trả cho Mancini, người hiện đang giữ chức HLV trưởng ĐTQG Ý, số tiền cao hơn lương tại Manchester City. Có nghĩa là với vai trò “HLV online”, ông Mancini nhận 1,75 triệu bảng/năm từ đội bóng Ả-rập. Ở Man City với vai trò “HLV full-time”, ông Mancini nhận 1,45 triệu bảng/năm.
“Một phần tiền lương của chúng ta sẽ do phía Al Jazira chi trả”, thành viên trong BLĐ Man City viết vào tháng 9/2011 rồi gửi cho các đồng nghiệp. “Chúng ta sẽ sử dụng ADUG như một trạm trung chuyển. Gửi tiền vào đó rồi nhờ ADUG gửi tiền cho phía Al Jazira, đương nhiên với một bài hướng dẫn cụ thể nên làm như thế nào”. ADUG là tên viết tắt của Abu Dhabi United Group, công ty chủ quản Manchester City. Người đứng đầu của ADUG chính là Sheikh Mansour.
Mọi thứ như thế đã rõ như ban ngày. Một phần tiền lương của Roberto Mancini được Abu Dhabi trả thông qua Al Jazira. Việc ông Mancini làm cố vấn cho đội bóng này thực chất chỉ là bù nhìn. Vào năm 2011, một phần tiền lương của ông Mancini đã đi từ Manchester tới Al Jazira, sau đó lại đi vào một công ty khá kém tiếng ở Mauritius (quốc gia bé nhỏ ở châu Phi) có tên Sparkle Glow Holdings. Cả Al Jazira lẫn HLV Mancini đều từ chối trả lời những câu hỏi của EIC về điều này. Phía Man City thì lại bài ca quen thuộc: “Đó là hành động bôi nhọ hình ảnh của CLB”.
Đến đây đã đủ khẳng định thành công của Manchester City được gây dựng từ hàng tá những lần phạm luật trắng trợn, cố tình che giấu những khoản chi tiêu và bí mật “tuồn” tiền vào trong CLB.
Từng là một đội bóng địa phương, Man City giờ vươn tầm trở thành nhãn hàng nổi tiếng toàn cầu thuộc Tập đoàn City Football (CFG). Giống như bạn bỏ cùng một khoản tiền giá cắt cổ để uống những cốc cà phê giống hệt nhau của Starbucks từ Singapore đến Seattle (Mỹ), các chi nhánh của Man City dường như xuất hiện ở mọi nơi. Trong đó cơ sở ở thành phố Manchester, thành phố New York và thành phố Melbourne được coi là 3 lá cờ đầu quảng bá hình ảnh cho Hãng hàng không Etihad và Abu Dhabi.
Chưa hết, Man City còn sở hữu cổ phần ở các đội bóng thi đấu ở Uruguay, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Họ thậm chí còn ký thỏa thuận hợp tác phát triển bóng đá trẻ với một số CLB ở Scandinavia, châu Phi.
Trong một bài thuyết trình nội bộ năm 2016 có nội dung về chiến lược phát triển một đội bóng thuộc vùng Torque, Uruguay, nhân viên Man City có viết rõ: “Uruguay là một địa điểm hấp dẫn để đầu tư vào bóng đá. Đất nước này tập trung nhiều cầu thủ vô cùng chất lượng nhưng các CLB lại có ngân sách hạn chế”.
Nói cách khác: Tập đoàn City Football muốn đưa về những “viên ngọc thô”, những tài năng triển vọng với mức giá hời. Phần tổng kết của bài thuyết trình đó chỉ rõ Torque là địa điểm được cân nhắc hàng đầu, chỉ cần một lượng đầu tư nhỏ là Man City có thể đưa về những ngôi sao trẻ phục vụ cho tương lai. Hơn hết, điểm cộng lớn nhất khi đầu tư vào đây là: “Chúng ta không cần trả thuế khi bán những cầu thủ này”.
Thành viên của BLĐ Man City cũng có nhắc đến kế hoạch đầu tư vào đội bóng Gironi ở Tây Ban Nha. “Điều tối quan trọng là phải để những sản phẩm trưởng thành từ lò đào tạo của chúng ta có cơ hội thi đấu ở môi trường có tính cạnh tranh”, trích bài tổng kết. Bài viết này cũng chỉ ra một hiện thực khiến người khác phải giật mình, là đội trẻ Man City quá mạnh so với phần còn lại ở Anh. Họ cần những đối thủ xứng tầm hơn.
“CFG cần tìm ra những sân chơi cho các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu”. Giải pháp chính là Gironi.
Những đội bóng như Gironi được coi là “công ty con” của Manchester City, đóng vai trò rèn luyện các mầm non trẻ đến khi chúng thực hiện những bài kiểm tra kỹ năng. Những công ty con này sẽ có mặt ở khắp thế giới, cung cấp cho Man City những tài năng vượt qua bài kiểm tra với số điểm cao nhất. Khi đó, Man City sẽ có toàn quyền kiểm soát sự nghiệp sau này của chúng.
Nghe có vẻ dễ nhưng trên thế giới hiện không có nhiều đội bóng có thể làm giống Manchester City. Sheikh Mansour đã đầu tư ít nhất 2 tỉ Euro, sau 10 năm mới thu về những đồng lãi đầu tiên. Tiếc là thành công trên lĩnh vực kinh tế của họ chứa đầy những vi phạm về nguyên tắc. Trong mùa giải năm ngoái các ông chủ Ả-rập thu về khoản lợi nhuận 10 triệu bảng, con số quá thấp so với lượng tiền họ đã đầu tư, đặc biệt là khi ông Sheikh Mansour vẫn mong muốn đưa thêm những ngôi sao đắt giá về Etihad.
Về mặt thể thao, kế hoạch phát triển của họ gặt hái được rất nhiều thành công. Ngay trong năm đầu tiên về với CFG, Girona đã cán đích ở vị trí giữa BXH La Liga, Torque ở Uruguay lên hạng. Đội bóng ở Melbourne thì vừa vô địch danh hiệu đầu tiên sau 3 năm chờ đợi.
Sheikh Mansour mua lại Man City vào năm 2008 với số tiền 100 triệu Bảng. Đến năm 2015, ông trùm truyền thông Trung Quốc, Li Ruigang đầu tư thêm 265 triệu bảng vào CFG bằng một công ty đăng ký trụ sở ở đảo Cayman. Con số tuy gấp đôi tiền Sheikh Mansour bỏ ra năm 2008 nhưng chỉ giúp Li Ruigang có được 15% cổ phần. Từ đó suy ra giá trị của Man City tăng nhanh đến như thế nào.
Chủ tịch Man City, ông Khaldoon Al Mubarak từng mô tả sự hiện diện của Sheikh Mansour trong làng túc cầu như sau: “Ông ấy là một doanh nhân vĩ đại, người có niềm tin cháy bỏng vào việc tạo ra thứ giá trị đỉnh cao nhất của bóng đá mà thế giới chưa từng được chứng kiến”. Suy cho cùng, Sheikh Mansour không những đảo lộn cả thành Manchester mà còn khiến thế giới ngập trong tiền, buộc bóng đá phải tiến đến toàn cầu hóa. Tập đoàn City Football vì thế, chính là hiện hữu toàn diện nhất cho nền chủ nghĩa tư bản trong bộ môn thể thao vua.