Những ông chủ giàu có của Man City không chỉ hiện diện ở SVĐ, hình ảnh của họ còn lừng lững trên thương trường chính trị quốc tế. Kiểm soát mọi thứ là ưu tiên hàng đầu của nhóm người này. Bằng thứ quyền uy vô địch, họ có được chữ ký của thiên tài Pep Guardiola hẳn một năm trước khi vị chiến lược gia này chính thức cập bến Etihad.
Pep không thích đứng yên một chỗ, và dường như cũng không kiểm soát được xúc cảm bản thân. Ngoài được pitch, ông chạy lung tung, la hét yêu cầu các cầu thủ chơi theo ý đồ của mình. Bóng bay vào lưới, Pep lúc ăn mừng“điên dại”, lúc rơm rớm nước mắt. Nhưng thật kỳ lạ, khi đứng trước Sheikh Mansour, Pep như biến thành con người khác.
Trong bộ phim tài liệu “All or Nothing” - Tất cả hoặc không có gì, sản phẩm mà các nhà làm phim phải mất một năm để thực hiện, Pep Guardiola để lộ khía cạnh “ngoan ngoãn”, không một chút bướng bỉnh trong cuộc trò chuyện với ông chủ. Người xem không nghe được đoạn hội thoại đó, chỉ biết rằng cả Pep và Sheikh Mansour đều gật gù, cười tươi như hoa.
“All or Nothing”, bộ phim tài liệu do Amazon sản xuất, giới thiệu chuyến đi tới Abu Dhabi của dàn sao Manchester City. Đây thực chất là một sản phẩm để đánh bóng thương hiệu, ghi lại cảnh các cầu thủ mặc áo xanh xả stress sau những trận đấu căng thẳng. Ông Khaldoon Al Mubarak, cánh tay phải của Sheikh Mansour, nở nụ cười lịch thiệp bên cạnh tay chơi guitar của nhóm nhạc Oasis, Noel Gallagher, cũng là 1 fan cuồng của Man City.
Vị chủ tịch này, theo các CĐV của Man City, là người ăn nói nhỏ nhẹ, không quá đao to búa lớn. Phong cách của ông rất được lòng fan hâm mộ, chỉ cần nhìn phản ứng của họ trên các thể loại MXH là biết. “Thật là một ông chủ tuyệt vời”, “vị chủ tịch tốt nhất thế giới”, “quý ngài thông minh, khiêm tốn”, “Man City thật may mắn khi có được ông Khaldoon”...
Nhưng người đàn ông này thực chất mang lại điều gì cho Man City? Ông đóng vai trò quan trọng thế nào trong bộ máy của Abu Dhabi, đế chế đang muốn đưa nửa xanh Manchester xưng bá thế giới? Điều hành một đội bóng lớn ở Premier League theo phong cách “bù nhìn”, dưới trướng Sheikh Mansour như thế nào nhỉ?
Ông Khaldoon Al Mubarak.
Để biết được câu chuyện đằng sau, các bạn đừng nên xem “All or Nothing”. Hãy tập trung vào những gì Football Leaks đăng tải, những hình ảnh chân thật không bị chỉnh sửa.
Vào tháng 8/2010, hai năm sau khi Sheikh Mansour mua lại Manchester City, ông mới có lần đầu tiên đến Etihad xem một trận bóng đá. Vị tỉ phú đầy quyền uy, ngài “sheikh” nở nụ cười tươi vẫy tay chào đám đông CĐV cuồng nhiệt, hào hứng khi lần đầu tiên được nhìn thấy vị cứu tinh xuất hiện trên khán đài.
Khung cảnh tuyệt đẹp đó, lại khiến dàn cấp dưới của Sheikh Mansour và cả Khaldoon Al Mubarak trong khu vực VIP của Etihad tỏ ra vô cùng lo lắng.
Rất may trong ngày hôm đó, Man City chơi tuyệt vời trước Liverpool, giành chiến thắng 3-0. Chuyến thăm kết thúc trong đại thành công, nhưng cũng là lần cuối Sheikh xuất hiện trước các CĐV trong hơn 10 năm sở hữu CLB.
Sheikh Mansour chẳng cần giấu việc ông không trực tiếp đứng ra cai quản Manchester City. Ngay cả Khaldoon Al Mubarak đôi khi cũng chẳng cần quá quan tâm đến những công việc thường ngày như chiến thuật của đội hay báo cáo tài chính. Sau cùng, họ cũng đứng đầu một công ty tên Mubadala và Cơ quan điều hành công vụ (EAA) ở Abu Dhabi.
Mubadala là công ty nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư hàng tỉ tiền dầu mỏ của vương quốc, hay nói cách khác, chính là mỏ tiền không bao giờ cạn của Man City. EAA trong khi đó là một nhánh thuộc chính phủ, chuyên đưa ra những chỉ đạo quốc tế cho Abu Dhabi.
Manchester City vì thế là một “chiến lược quyền lực mềm mỏng” của đại gia tộc Al Nahyan, theo lời Giáo sư Christopher Davidson, người có nhiều năm nghiên cứu chính trị Trung Đông tại Đại Học Durham. Ông coi quyết định đầu tư núi tiền vào Man City của Sheikh Mansour không xuất phát từ tình yêu bóng đá mà mang yếu tố chính trị. Đầu tư vào Man City, cầm trịch Ngoại hạng Anh là cách Sheikh Mansour lựa chọn để cải thiện mối quan hệ giữa Abu Dhabi và phương Tây.
Giáo sư Davidson cũng nhắc đến vị chủ tịch Khaldoon Al Mubarak, gọi ông là “thủ tướng thực thụ của Abu Dhabi”. Vậy tại sao Khaldoon lại phải đảm nhận việc quản lý sở thích của Sheikh Mansour (Man City), đặc biệt là khi Mansour đứng dưới Mohammed bin Zayed theo thứ bậc hoàng thân ở Abu Dhabi nhỉ?
Câu trả lời do chính ông Davidson đưa ra như sau: “Thực tế những người chịu trách nhiệm quản lý Man City hầu hết là tay chân của thái tử chứ chẳng phải Sheikh Mansour”.
Thái tử Mohammed bin Zayed ngoài vai trò trong hoàng thân còn nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang của UAE. Trong cuộc chiến xảy ra ở Yemen năm 2017, khi quân đội UAE đang chiến đấu chống lại dân quân Houthi và nhóm Anh em Hồi giáo tự xưng, tờ AP đăng tải câu chuyện về các nhà tù bí mật do UAE điều hành. Quân của Mohammed bin Zayed bị gắn mác tàn bạo, tra tấn tù nhân như cơm bữa. Ngay lập tức họ phủ nhận các cáo buộc này.
Những ai dám hé ra nửa lời tiêu cực về gia tộc Al Nahyan đều bị bắt giữ. Abu Dhabi không phải là quốc gia Trung Đông duy nhất tham dự vào thế giới bóng đá trong những năm gần đây. Đối thủ của họ trên chính trường, Qatar, chủ nhà của World Cup tiếp theo, cũng đã chi gần 2 tỷ euro giúp PSG chuyển mình thành “đại gia” ở châu Âu.
Nhưng sự giàu có của Abu Dhabi (nhất trong các vương quốc ở UAE) biến Man City trở thành một thế lực khủng khiếp hơn nhiều. Thái tử Mohammed bin Zayed cũng vừa liên minh với người đồng cấp ở Ả-rập Saudi để khuếch trương thanh thế.
Nhưng một người như Mohammed bin Zayed cần có tai mắt ở Man City, thay ông đưa ra những chỉ thị, trở thành cầu nối giữa chính trị và bóng đá. Nhân vật này là Simon Pearce, Giám đốc điều hành của CLB, mối liên kết quan trọng nhất giữa Abu Dhabi và Manchester. Ông Pearce thuộc tuýp người ở ẩn, ít người biết đến. Nhưng trong nội bộ của Man City, ông có trong tay uy quyền lớn. Hình ảnh của ông Pearce được ví von là sự kết hợp giữa sợ hãi và tôn trọng. Simon Pearce cũng là người nắm quyền điều hành công vụ của công ty Mubarak ở Abu Dhabi.
Giám đốc điều hành của Man City, ông Simon Pearce.
Ông Pearce nhận lệnh từ các sheikh rồi chỉ đạo cấp dưới làm theo. Nói cách khác, ông Simon Pearce là người truyền đạt mong muốn, những cuộc cải cách, thay đổi của ông chủ.
Ví dụ khi Man City thực hiện thỏa thuận giả mạo với một nhà môi giới marketing, ông Pearce đóng vai trò đại diện để nói lên yêu cầu của các ông chủ. Nhưng trên thực tế, Simon Pearce sau tất cả, phải xin phép Khaldoon Al Mubarak trước khi thực hiện chuyển khoản hàng triệu euro. Nhưng việc này cũng không khó lắm. Mỗi khi Simon Pearce email Khaldoon hay Sheikd Mansour báo chuyển tiền ông đều nhận được một câu trả lời ngắn gọn: "Ok, triển khai đi”.
Trước khi gia nhập thế giới bóng đá, Simon Pearce làm việc cho Burson-Marsteller, công ty PR chuyên về giải quyết vấn đề và kiểm soát bản quyền hình ảnh cho các khách hàng sở hữu tầm ảnh hưởng cực lớn, cỡ siêu sao, minh tinh màn bạc. Trong nhiều năm, công ty này thành công đến mức họ bị chính cộng đồng mỉa mai với khẩu hiệu: "Đến ác quỷ cần làm hình ảnh cũng chỉ cần gọi điện cho Burson-Marsteller".
Pearce đúng ra là một nhà tư vấn, phát triển hình ảnh khách hàng. Ông thuộc tuýp cẩn thận đong đếm đến từng li từng tí các rủi ro, khác hẳn với vẻ bề ngoài. Một người luôn chuẩn bị cho mọi thứ, không bị bất ngờ bởi bất cứ điều gì. Nhưng thật hài hước, ông Pearce lại rất dị ứng với các câu hỏi từ các tổ chức nhân quyền.
Tháng 8/2013, Nicholas McGeehan gửi yêu cầu cung cấp tài liệu trên cơ sở Đạo luật Tự do Thông tin của Vương quốc Anh (đạo luật cho phép công dân có quyền xem xét các tài liệu được công bố). Cụ thể, tài liệu McGeehan hứng thú là hợp đồng giữa thành phố Manchester và Man City, liên quan đến địa điểm mà đội đã xây dựng khu liên hợp thể thao Etihad Campus.
Pearce thông báo cho các thành viên khác trong BLĐ rằng ông đã xem xét kỹ tài liệu và phát hiện ra một lỗ hổng có thể trở thành lý do để HWR khởi kiện đội bóng. Không có cách nào để ngăn chặn tài liệu tẩu tán nhưng ông vẫn tỏ ra tương đối bình thản. "Tên McGeehan đó sẽ có được tài liệu vào ngày 1/9," Simon Pearce viết email cho cấp dưới. Chuyên gia giải quyết khủng hoảng của Man City đặt lịch cho McGeehan đến lấy chậm hơn dự tính 2 tuần. Trong khoảng thời gian đó, ông sẽ tìm mọi cách "làm nhụt chí”, “gây khó dễ” cho đối phương.
Rồi sau đó EIC lại đến sờ gáy Manchester City. Các quan chức ở CLB vẫn ngậm hột thị, chỉ đạo cho một phát ngôn viên lấy lý do cũ rích: "Các người đang nỗ lực gây tổn hại danh tiếng của CLB".
BLĐ Man City có vẻ như thích phô diễn tài năng ở phía sau cánh gà sân khấu. Cách làm việc kín đáo của họ bí ẩn như những tổ chức điệp viên trong phim. Khi gặp xung đột với các liên đoàn bóng đá, họ sử dụng đối ngoại riêng biệt hoặc bằng “sức ép từ nội bộ”.
Việc tuyển mộ Pep Guardiola cũng là một nhiệm vụ bí mật. Lúc đó, BLĐ Man City xác nhận Pep là HLV giỏi nhất thế giới, là mảnh ghép cuối cùng, tòa nhà mang tính chốt hạ dự án xây dựng thanh thế của Abu Dhabi tại Ngoại hạng Anh. Cựu chiến lược gia của Barca, Bayern được coi là hình mẫu cho sự xuất sắc trong cả lĩnh vực thể thao lẫn kinh doanh.
Pep đặt bút ký vào bản hợp đồng với Manchester City ngày 10/10/2015. Ông nhận mức lương, đãi ngộ mà ai cũng thèm muốn. Trong mùa đầu tiên, Pep nhận 13,5 triệu bảng tiền lương. Khoản này sẽ tăng lên 16,75 triệu vào năm thứ 2.
Nhưng người ta chỉ tập trung vào số tiền kếch xù Pep nhận được khi trở thành HLV của Man City mà quên đi một số chi tiết rất đáng ngờ của bản hợp đồng này. Thương vụ chuyển nhượng diễn ra trong bối cảnh chỉ còn 2 tháng nữa là mùa giải mới của Bayern Munich bắt đầu. Cả Manchester City và HLV đều không đưa thêm bất kỳ thông tin gì về cách họ đến với nhau trong thời điểm nhạy cảm như vậy.
Vài tuần sau, một nhà báo của tờ Mirror tiết lộ rằng Giám đốc thể thao của Man City, Txiki Begiristain đã gặp Guardiola ở Barcelona. Anh này suy đoán rằng 1 thỏa thuận đang được thực hiện giữa Pep và City.
Tất nhiên, điều này không chính xác: "Hợp đồng đã được ký rồi! Tôi sẽ gọi cho ông ấy và nói với ông ấy rằng chúng ta muốn gỡ nó xuống", phát ngôn viên của Man City, ông Simon Heggie viết email thông báo với các thành viên khác. Sau đó, ông viết thêm một email báo lại là bài đã được gỡ xuống. "Tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với các phương tiện truyền thông khác để bảo họ lờ đi vụ này”.
Họ muốn chờ ngày lành tháng tốt để công bố HLV mới thì phải?
Nhắc lại một chút về mục tiêu của Man City và các ông chủ. Kiểm soát là tối thượng. Khi các quan chức của Man City biết rằng đội của họ và các sheikh rơi vào tầm ngắm, họ đã nhanh chóng tìm cách kiểm soát báo chí ở xứ sở sương mù. Báo chí ở Anh, một quốc gia tự hào là nguồn gốc của luật pháp và dân chủ hiện đại, không nói gì ngoài những điều tốt đẹp về các quan chức hàng đầu của UAE.
Để chắc chắn rằng đội bóng không bị nghi ngờ thêm một lần nào nữa, các chuyên gia truyền thông ở Manchester cân nhắc mọi rủi ro tiềm ẩn của từng bước đi. Ví dụ điển hình là khi chọn các nhà tài trợ. Họ cũng cân nhắc kỹ lưỡng thế nào gọi là quá đà trong công cuộc tạo doanh thu giả.
Đầu năm 2014, BLĐ Man City thảo luận về một bản hợp đồng tiềm năng với công ty xây dựng có trụ sở tại Dubai, Arabtec. Vào thời điểm đó, công ty được lãnh đạo bởi Hasan Ismaik, chủ sở hữu gây tranh cãi của đội bóng đá 1860 Munchen, đội 2 của Bayern Munich. Manchester ra lệnh tổng hợp 1 báo cáo về rủi ro cho bản hợp đồng. Thời điểm lúc đó được đánh giá tương đối nhạy cảm vì The Guardian vừa viết về các tính trạng khắc nghiệt của người lao động nhập cư ở Abu Dhabi.
"Arabtec có liên quan đến câu chuyện The Guardian đang nhắc đến", bản phân tích rủi ro ghi rõ. Các công nhân của Arabtec quyết định đình công vào tháng 5/2013, họ thậm chí còn bị đàn áp bởi bạo lực và trục xuất. Năm 2009, tờ BBC còn lật lên vụ Arabtec đối xử tệ với nhân viên.
Kết luận của báo cáo rủi ro rất rõ ràng: "Sự hợp tác với Arabtec tiềm ẩn nguy cơ đáng kể phá hỏng hình ảnh và vị thế của CLB và ông chủ”. Một hợp đồng như vậy, báo cáo lưu ý, “có thể dẫn đến các vấn đề với CĐV và báo chí”, đôi khi còn khiến CLB nhận phản ứng tiêu cực từ các nhà tài trợ khác.
Vicky Kloss, phát ngôn viên của Man City gửi email đến BLĐ. Nội dung email đó là lời cảnh báo về bản hợp đồng tài trợ với Arabtec. "Tôi nghĩ ký hợp đồng với họ là rủi ro lớn nhất chúng ta phải đối mặt kể từ năm 2008 đến nay. Nicholas McGeehan sẽ giống như trúng giải độc đắc mất thôi”.
BLĐ Man City đã bỏ qua những lo ngại như vậy và quyết định lấy tiền của Arabtec: 7 triệu bảng mỗi năm. Nhưng BLĐ cũng đưa ra quyết định rất thông minh. Họ chỉ ký hợp đồng quảng cáo ở những khu vực đặc biệt với công ty xây dựng này. Cụ thể, mối liên hệ giữa Manchester City và Arabtec sẽ chỉ xuất hiện ở Ả Rập, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 5/2014, Ferran Soriano, Hasan Ismaik và Khaldoon Al Mubarak cùng nhau cầm 1 chiếc áo Manchester màu xanh da trời với chữ "Arabtec" trước camera, công bố thỏa thuận trị giá nhiều triệu bảng Anh. Thông cáo báo chí của họ nghe rất thân thiện và hài hòa: Vẻ hào nhoáng được tạo nên từ Abu Dhabi được kiểm soát cẩn thận bởi các chuyên gia PR”.
Đương nhiên khi bị tra hỏi, Công ty Ả Rập trên cũng không hé nửa lời với EIC.
Còn tiếp...