Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc”

Mr. H, Theo Helino 18:12 22/12/2019

Thời gian trôi qua, những địa điểm gắn với những câu chuyện đẹp trong Mắt Biếc đã thay đổi đi nhiều và gây không ít tiếc nuối cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Những ngày qua, có lẽ chủ đề được dân tình khắp nơi quan tâm hàng đầu chính là phim Mắt Biếc. Thực tế tại các cụm rạp và từ phản hồi của khán giả sau khi xem đã bảo chứng rằng đây xứng đáng là một trong những tác phẩm đáng mong chờ nhất trong năm của điện ảnh Việt.

Mắt Biếc đã thực sự dẫn dắt cảm xúc của người xem một cách trọn vẹn nhất, với đầy đủ các cung bậc từ hạnh phúc đến tiếc nhớ khôn nguôi. Không những thế, khi thưởng thức Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ, điều ít nhiều mà mỗi người sẽ cảm nhận được đó chính là những giá trị hoài niệm, những ký ức ngày thơ ấu của mình.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc” - Ảnh 1.

Để có thể tạo ra những giá trị xúc cảm tuyệt vời như thế, chắc chắn không thể không kể đến nguyên tác là tập truyện dài Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chính từ những dòng văn giàu niềm nhớ về tuổi thơ đẹp đẽ của nhà văn đã truyền cảm hứng và là tiền đề để đạo diễn Victor Vũ dệt nên những thước phim không thể ấn tượng hơn!

Và sẽ không là sự dư thừa nếu chúng ta hiểu được những điều đặc biệt về ngôi làng Đo Đo, về trường Nữ hay những cảnh làng quê đẹp đến diệu kì xuất hiện trong phim hay truyện dài Mắt Biếc, qua những dòng chia sẻ chân thực và đong đầy chất tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc” - Ảnh 2.

Cụ thể, trong tạp văn "Sương khói quê nhà", Nguyễn Nhật Ánh đã có những trải lòng về xuất xứ và tình cảm của ông dành cho Mắt Biếc. Ông đã làm rõ hình ảnh của ngôi làng Đo Đo, nơi gắn bó với ông chỉ trong 8 năm nhưng lại luôn hằn sâu và hiển hiện từng kỉ niệm rất rõ nét trong tâm trí ông: "Đo Đo là một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong quãng thời gian đầu đời vô tư lự. Năm tôi lên tám, gia đình tôi dời về Cẩm Lũ, sau đó dọn ra huyện lỵ Hà Lam. Như vậy, tôi gắn bó thực sự với làng Đo Đo chỉ khoảng tám năm.

Tám năm, một thời gian không dài, tôi lại ở độ tuổi còn quá nhỏ, nhưng không hiểu sao rất lâu về sau này tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm ở ngôi làng đơn sơ đó. Tôi nhớ ngôi chợ đêm lấp lánh ánh đèn, nhớ những đoàn xiếc lưu diễn thỉnh thoảng vẫn đến làng tôi và làm bọn trẻ con chúng tôi khiếp vía với những con trăn lớn quấn quanh cổ bọn người bán dạo.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc” - Ảnh 3.

Tôi nhớ những cái giếng trên con đường cuối chợ ba tôi vẫn dẫn tôi đi tắm vào những đêm trăng sáng trên đường làng. Những hình ảnh thơ mộng ấy sau này đã đi vào trang sách của tôi như những phản quang tuyệt vời của kỷ niệm."

Theo nhà văn, Mắt Biếc không chỉ là tác phẩm tái hiện nhiều kỷ niệm nhất về làng Đo Đo mà nó còn khiến ông bồi hồi xúc động nhớ về người bà, về những trò chơi với cô hay anh chị họ mỗi khi đọc lại: "Tác phẩm "Mắt biếc" có lẽ là tác phẩm tái hiện nhiều nhất những kỷ niệm của tôi về Đo Đo. Bao giờ đọc lại tác phẩm này tôi cũng rưng rưng nhớ đến hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của bà tôi, những trò chơi tuổi thơ giữa tôi, cô tôi và các anh chị con bác tôi.

Ngoài Đo Đo, rất nhiều chi tiết trong truyện được lấy từ những nơi chốn khác tôi từng sống qua. Ngôi trường huyện hai nhân vật Ngạn và Hà Lan theo học dĩ nhiên là trường Tiểu La bây giờ. Tôi nhớ thời tôi đi học, trường Tiểu La nom rất đồ sộ, sân chơi rộng mênh mông với những hàng dương liễu tha thướt dọc bờ rào.

Gần đây về lại, đi ngang qua trường cũ, tôi ngạc nhiên thấy ngôi trường bé hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Khu rừng sim trữ tình trong truyện là rừng sim ở Hà-Lam-trong, mà theo bạn bè tôi kể lại thì bây giờ khu rừng nhiều kỷ niệm học trò ấy đã không còn nữa."

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc” - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn cho biết thêm về những thay đổi ở thời điểm hiện tại của trường Nữ trong Mắt Biếc: "Thành phố Tam Kỳ cũng xuất hiện trong truyện, như không thể khác, khi Ngạn và Hà Lan học xong cấp 2 ở trường huyện và khăn gói vào thành phố. Trường Nữ tôi mô tả trong truyện đúng như những gì tôi còn nhớ về ngôi trường thơ mộng này, đã khiến nhiều độc giả lứa tuổi tôi bây giờ đọc lại vẫn còn bâng khuâng tiếc nhớ. Ngôi trường này bây giờ đã đổi tên thành trường Trần Cao Vân và không còn dành riêng cho nữ sinh như trước đây."

Tác giả đã không khỏi tiếc nuối khi trường Nữ giờ không còn nữa: "làm gì còn có cảnh "trường Nữ giờ tan học là một kỳ quan đối với bọn con trai chúng tôi/ mãi về sau này, tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh thơ mộng của những tà áo trắng lững lờ trôi ra khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù/ dòng sông ảo ảnh đó đã một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời" (Mắt biếc)."

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếc nuối với sự thay đổi của làng Đo Đo, trường Nữ, con đường sim trong “Mắt Biếc” - Ảnh 5.