Vừa nhận chiếc bánh mì từ bà nội, hai chị em Lô Thị Huyền (học sinh lớp 2, trường TH Tà Cạ) chia đôi để ăn trưa. Huyền không tranh giành mà nhường cho em trai phần nhiều hơn. Ngôi nhà đã bị lũ tàn phá, bố mẹ nghèo khó gắng gượng bới bùn bòn mót tài sản còn sót lại. Chị em Huyền ngây thơ lang thang chơi bên bờ suối Huồi Giảng.
Bà Lữ Thị Khun (73 tuổi, trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ ) từ ngôi nhà trên núi cao đi xuống bờ suối Huồi Giảng để nhận bánh mì, đồ uống cứu trợ từ lực lượng chức năng và đoàn từ thiện . "Ngôi nhà bị sạt lở 3 lần nên không thể ở, ông bà phải dựng túp lều ở tạm. Ông năm nay cũng 80 tuổi rồi nên sinh hoạt khó khăn", bà nói. |
Cậu bé người Khơ Mú ngấu nghiến chiếc bánh gai từ đoàn từ thiện. Em hồn nhiên với bữa trưa của mình. |
Em Vi Mạnh Hùng (20 tuổi, bản Hòa Sơn) ăn cơm hộp được chính quyền địa phương phát. Bố mất, mẹ lấy người khác để Hùng một mình tự bươn chải. Cũng như nhiều hộ dân khác, ngôi nhà nhỏ của Hùng cũng bị lũ tàn phá. |
Ông Vi Văn Chánh (69 tuổi, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) ăn bánh chưng trước ngôi nhà của mình. Ánh mắt buồn rầu của lão nông vẫn luôn hướng về ngôi nhà của con trai. Sau lũ quét, ngôi nhà bị cuốn đi hoàn toàn, chỉ còn nền nhà lấp đầy đất đá. Ông cho hay, phải ăn mới có sức khỏe, gây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. |
Bố mẹ lo khắc phục hậu quả sau lũ, cậu bé lớp 3 tự đi nhận đồ cứu trợ. |
Nhà cửa tan hoang, anh Lô Văn Bảy ăn bánh ngọt cầm hơi sau một buổi sáng quần quật cào bùn. Người dân Hòa Sơn đang rơi vào cảnh éo le sau lũ, cần lắm những tấm lòng thiện nguyện của cộng đồng. |
Bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ) là khu vực chịu thiệt hại nặng nhất do trận lũ gây ra. Bộ đội biên phòng mở đường vào nơi cô lập, chia cắt, thu dọn giúp người dân. |
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trận lũ quét qua gây thiệt hại nặng về nhà cửa, tài sản. Lớp bùn quá dày, nhiều đất đá, cây cối nên phải mất khoảng 10 ngày mới khắc phục xong. |