Đường đến Chernobyl
Một người đàn ông mặc áo len và cặp kính gọng sừng lớn ngồi trong bếp lắng nghe giọng nói của chính mình phát ra từ máy nghe băng cassette.
Sau khi ghi lại 5 băng ghi âm chứa thông tin về Chernobyl, Legasov ra ngoài để giấu chúng khỏi con mắt cảnh giác của các đặc vụ Cơ quan Tình báo Liên Xô KGB. Đặt cuộn băng vào hệ thống thông gió của ngôi nhà, Legasov trở về nhà cho mèo ăn, hút thuốc và rồi… treo cổ tự tử.
Đó là cảnh mở đầu bộ phim “Chernobyl” của HBO kể lại câu chuyện khủng khiếp của thảm họa hạt nhân năm 1986 và Valery Legasov - nhà hóa học vô cơ nổi tiếng của Liên Xô và đóng vai trò quan trọng trong đội phản ứng của Chernobyl và sau đó điều tra nguyên nhân của nó.
Valery Legasov năm 1983.
Chính Legasov đã khăng khăng đòi sơ tán người dân khỏi thị trấn Pripyat lân cận và những quyết định của ông đã giúp hạn chế phần nào tác động của thảm họa đe dọa châu Âu.
Legasov cũng là người đưa ra một báo cáo suốt 5 giờ đồng hồ về nguyên nhân của thảm họa Chernobyl tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ở thành phố Vienna miền Bắc nước Áo – đây là một báo cáo trung thực và chi tiết làm dịu cộng đồng quốc tế nhưng khiến các đồng nghiệp Liên Xô giận dữ.
Nhưng làm thế nào mà một nhà hóa học vô cơ và chuyên gia hóa học phóng xạ phải đối phó với thảm họa hạt nhân? Và điều gì đã khiến Valery Legasov tự kết liễu đời mình?
Sinh năm 1936 tại Tula (cách Moskva 173km về phía nam), Valery Legasov đã chọn sự nghiệp từ rất sớm. Một sinh viên xuất sắc và một nhà lãnh đạo bẩm sinh, Legasov có thể chọn bất kỳ trường đại học nào nhờ điểm số cao nhất của mình ở trường, nhưng ông lại để hết tâm trí vào Viện Hóa học và Công nghệ Mendeleev Moskva, nơi đào tạo các thế hệ chuyên gia cho ngành năng lượng hạt nhân và năng lượng.
Sau khi hoàn thành luận án xuất sắc, Valery Legasov nhận được lời đề nghị đào tạo tiếp đến tiến sĩ tại Viện Năng lượng nguyên tử Kurchatov (hay Viện Kurchatov), nhưng ông không chấp nhận lời đề nghị ngay lập tức mà lại háo hức đến Nhà máy hóa chất Siberia ở Tomsk (còn gọi là Seversk) để nghiên cứu phát triển plutonium để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Sau 2 năm ở nhà máy, cuối cùng Legasov cũng gia nhập Viện Kurchatov. Legasov được trao bằng tiến sĩ hóa học ở tuổi 36 và đến 45 tuổi trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS).
Ở đó, Legasov đã xây dựng tên tuổi của mình trở thành một trong những nhà khoa học nổi bật nhất trong lĩnh vực hóa học vô cơ - ngành hóa học nghiên cứu việc tổng hợp và ứng xử của các hợp chất vô cơ và hữu cơ kim loại.
Công tác phản ứng cứu nạn tại Chernobyl.
Đối với công việc trong lĩnh vực này (đáng chú ý nhất là hiệu ứng Bartlett-Legasov), Valery Legasov đã nhận được nhiều giải thưởng nhà nước. Mặc dù lĩnh vực đặc biệt quan trọng, nhưng chuyên ngành của Valery không liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân.
Gần như là tình cờ, Legasov được điều động vào một ủy ban nhà nước ứng phó với thảm họa Chernobyl vào ngày 26-4-1986. Con gái Inga Legasova của ông nhớ lại: “Cha tôi không có ý định ở tại thành phố Chernobyl. Chuyên môn của ông là hóa học vật lý và làm việc về chất nổ.
Ngày 26-4 là ngày thứ bảy. Và ông đang tham dự một cuộc họp của Đoàn chủ tịch RAS với học giả (Anatoly) Alexandrov (người là chủ tịch của RAS tại thời điểm đó). Anatoly nhận được một cuộc gọi thông qua vertushka – tên gọi của một đường dây điện thoại nhà nước bí mật.
Legasov là một nhà khoa học cần thiết phải tham gia ủy ban nhà nước (đối phó với thảm họa hạt nhân) trong khi tất cả các cấp phó của Alexandrov từ Viện Kurchatov đều không thể có được đặc ân đó. Thế là một chiếc máy bay của nhà nước Xô Viết đã chờ sẵn. Vì vậy, cha tôi đã đi đến sân bay Vnukovo và đến Chernobyl cùng ngày”.
Có thể có một lý do khác để chọn Legasov - trước khi thảm họa xảy ra, ông đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp bảo mật mới trong việc ngăn chặn những thảm họa lớn và đã chỉ ra những vấn đề của lò phản ứng RBMK-1000 cũng như những rủi ro khi vận hành lò phản ứng hạt nhân đồng thời đề nghị bảo vệ chúng bằng tấm khiên bảo vệ - nhưng đề xuất đã bị đồng nghiệp từ chối thẳng thừng!
Giống như tình hình đất nước năm 1941, thậm chí tồi tệ hơn
Khi đến nơi, Valery Legasov đắm mình vào công việc ứng phó khẩn cấp: ông khăng khăng đòi sơ tán dân số Pripyat gần đó (xảy ra vào ngày 27-4-1986) và nỗ lực làm việc để giảm thiểu hậu quả của vụ nổ lò phản ứng.
Một cảnh trong bộ phim “Chernobyl” của HBO.
Vào sáng ngày 26-4-1986 khi Legasov đến nơi, đám cháy đã được dập tắt nhưng một lượng lớn các nguyên tố phóng xạ đã bơm thẳng vào bầu khí quyển và những gì còn lại của lò phản ứng là mối đe dọa nghiêm trọng.
“Sự không chuẩn bị là như thế, rối loạn, sợ hãi là như thế. Giống như tình hình đất nước năm 1941, nhưng thậm chí còn tồi tệ hơn”, về sau Legosov nhớ lại. Legasov làm việc mà không nghỉ ngơi, thường không chú ý đến xạ lượng kế - loại thiết bị đo liều hấp thụ của bức xạ ion hóa bên ngoài.
Con gái ông nhớ lại: “Cha tôi là nhà khoa học duy nhất làm việc tại hiện trường nên chắc chắn hiểu khá rõ những gì đang làm và bản thân phơi nhiễm phóng xạ đến mức độ nào”. Legasov bay đến Chernobyl một vài lần một ngày, và ông quyết định đổ boron carbide với số lượng lớn từ máy bay trực thăng để nó hoạt động như một chất hấp thụ neutron và ngăn chặn bất kỳ phản ứng dây chuyền mới.
Trên thực tế boron carbide đã được sử dụng để chế tạo vỏ xe tăng và ngoài ra vật liệu mới còn có thể chặn được nhiều hiểm họa khác đối với con người - như tia tử ngoại từ mặt trời, chất phóng xạ.
Sau đó, dolomite cũng được thêm vào để hoạt động như một bộ tản nhiệt và nguồn carbon dioxide để dập tắt đám cháy. Chì cũng được sử dụng như một chất hấp thụ bức xạ, cũng như cát và đất sét – những thứ mà người ta hy vọng sẽ ngăn chặn sự giải phóng các hạt.
Tổng lượng vật liệu đổ vào lò phản ứng nặng khoảng 5.000 tấn, bao gồm khoảng 40 tấn hợp chất boron, 2.400 tấn chì, 1.800 tấn cát và đất sét, và 600 tấn dolomite, cũng như các chất lỏng sodium phosphate và polymer (Bu93). Sau đó là đến các bước khác để ngăn chặn chất phóng xạ nóng chảy tiếp cận với nước trong hệ thống làm mát thấp hơn, vì vậy một đường hầm được xây dựng để ngăn phóng xạ tiếp cận với nước ngầm.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vài tuần sau thảm họa ở Ukraine, tháng 5-1986.
Mặc dù một người chỉ được phép dành tối đa 2 tuần tại địa điểm nguy hiểm nhưng Legasov đã dành lưu lại 4 tháng (!) và ông đã phơi nhiễm phóng xạ đến mức 100 REM (Đơn vị đo liều hiệu ứng sinh học) - tức gấp 4 lần mức tối đa cho phép là 25 REM.
Ủy ban Điều phối hạt nhân Mỹ (NRC) quy định ngưỡng nhiễm phóng xạ hàng năm đối với người làm trong lĩnh vực hạt nhân là 5 REM. Ngưỡng này có thể tăng tới 25 REM trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, 25 REM chưa gây ra nguy hiểm cho người. Vào ngày 5-5, Valery Legasov có dấu hiệu cho thấy bị bệnh phóng xạ (tổn thương da và rụng tóc) và đến ngày 15-5, chứng ho và mất ngủ bắt đầu bùng phát.
Báo cáo Vienna
Tháng 8-1986, Valery Legasov được mời phát biểu tại IAEA ở Vienna, trình bày một báo cáo cho các đồng nghiệp nước ngoài về thảm họa và lý do tại sao nó xảy ra. Ban đầu, chính người đứng đầu nhà nước Liên Xô Mikhail Gorbachev là người nên làm việc đó, nhưng nhà lãnh đạo quyết định đó phải là Legasov - một nhà khoa học từng làm việc tại hiện trường.
Inga Legasova nhớ lại: “Một đội ngũ chuyên gia cùng góp sức lập báo cáo. Cha tôi thường mang tài liệu về nhà. Đôi khi các nhà khoa học và chuyên gia sẽ dành một vài ngày tại nhà của chúng tôi. Cha tôi kiểm tra các con số nhiều lần. Ông ấy muốn đảm bảo tất cả các thông tin là hoàn toàn đúng sự thật. Ông đã đi đến kết luận rằng vụ nổ là kết quả của một số yếu tố, bao gồm lỗ hổng xây dựng lò phản ứng và yếu tố con người - nhân viên không biết về sai sót và các thử nghiệm mà họ đã thực hiện có thể đã gây ra vụ nổ.
Báo cáo kéo dài 5 giờ ở Vienna đã giúp trấn an cộng đồng quốc tế và giúp cho Legasov nhận được lời khen ngợi của nước ngoài, nhưng chính quyền và một số nhà khoa học ở quê nhà nghĩ rằng báo cáo tiết lộ thông tin mật.
Inga Legasova cho biết: “Cha tôi đã nhìn thấy mục tiêu chính của mình không phải là biện minh cho Liên Xô và che giấu một số thông tin nhất định, mà ngược lại, để giáo dục cộng đồng thế giới về những việc cần làm trong những tình huống khẩn cấp như thế.
Họ đã cung cấp thông tin được cho phép và báo cáo là trung thực. Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở dữ liệu bí mật. Báo cáo của IAEA đã tạo ra một tác động lớn và cha tôi ngay lập tức trở nên rất nổi tiếng”. Valery Legasov được vinh danh là nhân vật của năm ở châu Âu và được đưa vào danh sách 10 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Điều này khiến một số đồng nghiệp của Valery Legasov ghen tị.
Những ngày cuối cùng
Hai năm tiếp theo là quãng thời gian cực kỳ khó khăn cho Valery Legasov, cả về tinh thần lẫn thể chất. Legasov cảm thấy được ý nghĩ xấu từ các đồng nghiệp của mình đồng thời còn bị trầm cảm vì thiếu sáng kiến hiệu quả để ngăn chặn nhiều thảm họa như Chernobyl trong tương lai.
Cuối cùng, Mikhail Gorbachev đã gạch tên Legasov ra khỏi danh sách những người được trao giải thưởng cho công tác phản ứng tại Chernobyl.
Inga Legasova lập luận: “Vì một số lý do, nhiều người tin rằng cha tôi đã thất vọng vì sự việc ông đã không nhận được phần thưởng. Nhưng sự thật không phải như thế bởi vì ông không phải là người tham vọng. Ông là một người yêu nước và đau buồn cho những gì đã xảy ra, đối với đất nước, đối với những người bị đau đớn… Sự đồng cảm của ông đã bị xáo trộn và dường như, nó đã gặm nhấm ông từ bên trong. Hơn nữa, bệnh tật do nhiễm phóng xạ đã khiến Legasov đau đớn hơn. Sau đó, dần dần Legasov ngừng ăn, ngừng ngủ, ông biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, sẽ đau đớn thế nào. Có lẽ, Legasov đã không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ tôi. Ông hâm mộ bà ấy”.
Mãi đến 8 năm sau khi tự sát vào năm 1996, Legasov mới nhận được một danh hiệu danh dự Anh hùng Liên bang Nga vì “lòng can đảm và chủ nghĩa anh hùng” thể hiện trong cuộc điều tra về thảm họa do tổng thống đầu tiên nước Nga lúc đó là Boris Yeltsin trao tặng.
(Tổng hợp)