Nhà báo Thu Hà: "Con vào lớp 1, những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những bố mẹ lười”

Tào Nga, Theo Helino 15:14 29/07/2019
Chia sẻ

Quá nhiều cha mẹ kè kè ngồi bên cạnh con hàng đêm từ khi bé mới 4, 5 tuổi để rèn từng nét bút, nhẩm từng con số kỳ vọng con viết chữ đẹp, giải toán giỏi.

Đợt này lại ồn ào tranh luận việc cho con học trước khi con vào lớp 1.

Có bài rất hot viết rằng vì không cho con học trước nên bố mẹ bị đánh gục, đánh vật, bị ân hận, con thì như con chim bị trúng đạn, rồi điểm kém, rồi tự ti, mặc cảm, suýt lưu ban…

Không hẳn! Và hãy nhìn hàng ngàn bé học trước, không phải tất cả đều đang học rất giỏi, đều có thái độ học tập tốt, đều say mê học đâu ạ.

Nhà báo Thu Hà: Con vào lớp 1, những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những bố mẹ lười” - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà.

Tôi là 1 giáo viên tiểu học chính hiệu, và cũng là phụ huynh của 2 bé đã từng học lớp 1, tôi nói rằng dạy viết chữ và giải toán cho trẻ con dễ ợt! Những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những ông bố bà mẹ lười. Tôi nói thật!

Vì sao? Vì chữ đã có chữ mẫu, nét nào cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, bút đi tới đâu thì cong, tới đâu thì hất... Có mẫu hết, cứ nhắm mắt mà đi theo, khỏi nghĩ!

Rồi toán lớp 1 cũng đơn giản lắm, cứ 2 + 2 = 4, cũng khỏi nghĩ!

Nhà báo Thu Hà: Con vào lớp 1, những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những bố mẹ lười” - Ảnh 2.

Một hiệu trưởng trường tiểu học nói với tôi: "Kinh phí của nhà nước thì thấp, tôi muốn dạy các em kỹ năng sống, dạy làm việc nhóm, dạy làm người... tất cả những thứ tốt đẹp đó đều cần giáo viên giỏi và nhiều chi phí. Chỉ có dạy chữ là rẻ nhất trong các loại dạy!".

Nhìn ra thị trường sẽ thấy ngay, để cho con bạn biết viết và thậm chí viết đẹp, biết cộng trừ nhân chia, bạn chỉ cần bỏ ra 200 tới 500 ngàn/tháng cho con đi học thêm vài tháng là con thạo ngay. Nhưng với kỹ năng khác, như tự chăm sóc bản thân, hay rèn tính tự tin chẳng hạn, học phí sẽ tốn gấp cả chục lần!

Vậy mà tôi thấy quá nhiều cha mẹ kè kè ngồi bên cạnh con hàng đêm từ khi bé mới 4, 5 tuổi để rèn từng nét bút, nhẩm từng con số. Rồi mẹ la con khóc, ông bà quát, cả nhà như có chiến tranh. Những thứ đó cô giáo lớp 1 chắc chắn sẽ dạy chính xác hơn bạn.

Nhiều cô giáo lớp 1 đã than phiền rằng thà dạy một bé chưa biết gì hết, còn hơn dạy một bé biết viết rồi, nhưng đã trót quen cách cầm bút, cách trình bày, cách viết không đúng ý cô.

Còn bây giờ tôi nói về tâm lý lứa tuổi.

Đi học là một cuộc cách mạng, là bước ngoặt lớn trong đời bé, đòi hỏi ba mẹ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện.

Ở nhà nhất mẹ nhì con, giờ nhà nào cũng chỉ có từ 1 tới 2 con, trong lớp sẽ toàn các vua và nữ hoàng chơi với nhau. Con sẽ phải tương tác với một xã hội mà ở đó không còn có yêu thương vô điều kiện như ở nhà. Đừng thấy con mình đi học về viết đẹp, biết đọc là vội mừng, nhiều bé ra chơi toàn đứng một mình, nhiều bé khóc vì "không có ai chơi với con", "đi học con toàn bị ăn hiếp", "đi học không có vui gì hết"!

Nguy hiểm nhất ở lớp 1, không phải là chưa biết viết, biết đọc, mà là không Kết Nối được với xung quanh, không biết cách Bộc Lộ cảm xúc, không biết Tương Tác, không biết Giao Tiếp, không biết Sống Cùng người khác". Mà tất cả những điều này đều cần dày công!

Mục đích học tập của lớp 1 là gì? Là con bạn biết đọc và biết viết, hay con ham học tập tìm tòi và sáng tạo? Để ý sẽ thấy, cuối lớp 1 hầu như bé nào cũng biết đọc biết viết. Nhưng có bao nhiêu nhà bố mẹ phải mỗi đêm kè kè bên bàn, la mắng, dùng roi, dùng hình phạt, hoặc dùng các phần thưởng để nhử con học? Sểnh mắt 1 cái là con viết nhầm, tính sai, quên làm bài tập? Bao nhiêu bé thực sự có động cơ học tập, biết học tập là việc của chính mình, chứ không phải là học cho cha mẹ?

Cơ chế giáo dục phổ thông của nước mình đặc biệt so với nhiều nước tiên tiến khác, là giáo viên không được tự ý điều chỉnh lịch giảng dạy! Tức là tuần đầu tiên vào lớp 1, mặc kệ những bạn đã đọc thông viết thạo, hay bạn chưa biết 1 nét nào, thì lớp 1 của cả nước đều bắt đầu học một bài giống nhau, với thời lượng tương đương nhau. Tuần đầu tiên là cứ học nét cong, nét thẳng, nét hất chán chê, rồi sau đó thì ê a vài chữ cái.

Bạn lớn bằng này rồi, bạn đã biết cư xử cho đẹp lòng sếp rồi, mà giờ bắt bạn ngồi họp ngày 8 tiếng, sếp cứ ra rả nói những điều bạn đã biết, bạn còn muốn nổi điên huống chi các cô cậu 6 tuổi, quá trình hưng phấn mạnh gấp nhiều lần quá trình ức chế, ở nhà đã đọc ro ro, tính nhoay nhoáy, giờ cứ ngồi đợi cô dạy nét cong nét hất, ngồi vẽ chữ to đùng 4 ly đúng như giáo án của Bộ Giáo dục đề ra... Những bạn đã học trước rồi vào lớp thường rất nghịch phá, bướng bỉnh. Và hệ quả lại thường bị cô giáo la mắng phạt.

Vậy là, ngay những bước chân đầu tiên tới trường, bắt đầu một hành trình dài và quan trọng suốt đời là học hành, thì toàn thấy bị "hành", chả thấy "học" được cái gì mới mẻ, thú vị và hấp dẫn!

Nhà báo Thu Hà: Con vào lớp 1, những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những bố mẹ lười” - Ảnh 3.

Tôi đã thử, và đã thấy. Cả Xu và Sim hoàn toàn không học trước chữ nào, không học trước ngày nào! Vào lớp 1, cả Xu và Sim đều là học sinh dốt nhất trong toàn khối 1 của trường.

Nói thế không có nghĩa là tôi bỏ mặc con chơi với tivi suốt 6 năm rồi tới lớp 1 thì quẳng tọt vào lớp cho cô giáo. Tôi dạy con những thứ cần thiết để giúp cho việc dạy của cô. Tôi dạy con cầm bút bằng cách tập vẽ, tập tô màu. Tôi tập cho con tập trung, trật tự bằng cách cho chơi xếp hình, ghép hình, bằng các trò chơi kéo dài 40 phút, 1 tiếng ở nhà. Tôi tập cho con tự chăm sóc bản thân, tự chải đầu, cột tóc, tự rửa mặt, biết đi vệ sinh. Tôi tập cho con cách thưa gửi, trình bày với cô giáo sao cho hiệu quả.

Nhà báo Thu Hà: Con vào lớp 1, những ông bố bà mẹ chỉ chăm chăm cho con luyện chữ đẹp, giải toán giỏi, là những bố mẹ lười” - Ảnh 4.

Nhà báo Thu Hà: Trẻ con lớn lên bằng quá trình thử và sai, không làm sai thì biết thế nào là đúng?

Tôi nói trước với con từ ở nhà, rằng mới vào lớp 1 con sẽ viết và đọc chậm hơn các bạn đấy. Tôi cũng nói trước với cô lớp 1 như thế. Đừng đợi cô giáo đi tìm mình mắng vốn vì sốc, vì thất vọng. Nhớ hồi đó, cô của Sim thì vui vẻ không ý kiến gì, cô của Xu thì cằn nhằn, cũng giục tôi cho bé đi học thêm. Tôi chỉ nhã nhặn cảm ơn thôi! Đâu cứ nhất thiết phải đối đầu và gây thêm mâu thuẫn với cô giáo của con mình?

Mục đích học tập UNESCO gồm nhiều thứ lắm: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học tập để làm người". Vậy hãy để bài tập viết, tập đọc cho cô giáo lo. Hãy dạy những kỹ năng rất quan trọng khác đang bị nhà trường bỏ trống, như thể thao, nghệ thuật, giao tiếp, cư xử, hiểu và định giá đúng bản thân... Hãy dành thật nhiều năng lượng, thời gian và tiền của bạn để mà bù đắp vào đó.

Đừng đua chen việc con hàng xóm biết đọc biết viết trước làm gì, nhắc lại câu hôm trước, "Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến".

Đường học còn rất dài, còn suốt cả cuộc đời. Hãy để bé đặt bước chân khởi đầu vào lớp 1 bằng cảm xúc của sống trung thực, háo hức với những thử thách mới mẻ, thấy mình tiến bộ mỗi ngày so với bản thân mình hôm qua.

Đừng đẩy bé vào những giờ học cực hình, phải ngồi "khoanh tay mắt nhìn lên bảng nghe cô giáo giảng" những điều cũ kỹ mình đã lén học trước từ năm ngoái.

Vài nét về tác giả:

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, là tác giả của cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết", mới đây nhất là cuốn "Buông tay để con bay".

Chị là mẹ của hai cô con gái Xu, Sim vô cùng đáng yêu, cá tính. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày