Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh

VTC News, Theo VTC News 09:41 08/03/2024
Chia sẻ

Bên ngoài sân đấu bóng chuyền, Nguyễn Thu Hoài được biết đến là một cô sinh viên ngành kinh tế có bảng điểm cực "chất" và còn có nghề tay trái là đi dạy học.

"Ngày 8/3, tôi vẫn tập luyện bình thường. Năm nào cũng vậy. Năm nay còn mệt hơn vì giải vô địch quốc gia cận kề", hoa khôi bóng chuyền Nguyễn Thu Hoài tâm sự.

Tìm ra được khoảng thời gian thảnh thơi trong ngày vốn chẳng dễ dàng gì trong lịch tập luyện chiếm gần hết ngày. Khi tạm bỏ được quả bóng, cô nàng 25 tuổi lại bận bịu trên giảng đường. Thu Hoài đang là sinh viên năm thứ 3 đại học, lại vừa làm quản lý, vừa dạy học ở các lớp tiếng Anh do cô khởi sự.

Đối với cô gái tự nhận theo "chủ nghĩa hoàn hảo", chăm chỉ mọi lúc, tận dụng mọi cơ hội có thể với những kế hoạch chi tiết hướng tới tương lai là điều bắt buộc.

"Ngày 8/3, tôi không mong ước gì nhiều. Tôi chỉ hy vọng bản thân có nhiều sức khoẻ, luôn nỗ lực trong công việc và cuộc sống để có thể biến những ước mơ của mình thành hiện thực" , Thu Hoài chia sẻ.

Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Nguyễn Thu Hoài là một trong những vận động viên bóng chuyền được quan tâm nhiều nhất.

Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh - Ảnh 2.

- Bài đăng gần nhất trên Facebook của Thu Hoài là về việc lớp học tiếng Anh bị ảnh hưởng do lịch tập luyện và thi đấu. Có vẻ bạn dành khá nhiều tâm huyết cho công việc "tay trái" khi rời xa quả bóng.

Đây là kế hoạch mà tôi ấp ủ từ lâu. Tôi muốn tập tành kinh doanh để tạo ra được giá trị nào đó dù nhỏ cho cộng đồng. Tôi nhận thấy lĩnh vực giáo dục, cụ thể là mở các lớp tiếng Anh cho các huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp, hay mở rộng ra là những người đi làm có nhu cầu cải thiện ngoại ngữ… là công việc phù hợp với mình.

Tôi coi đây là dịch vụ hữu ích và phần nào đó góp sức nâng tầm thể thao Việt Nam. Các HLV, VĐV chúng ta có nhiều lợi thế hơn khi tự tin giao tiếp hơn với các đồng nghiệp người nước ngoài. Trong tương lai, khi các vận động viên giải nghệ, tiếng Anh cũng có thể giúp họ có nhiều cơ hội tìm thêm việc làm.

- Thu Hoài cũng đang là sinh viên đại học. Dân mạng từng trầm trồ với bảng điểm "siêu khủng" của bạn. Làm thế nào một cô gái tuổi 25 bận rộn với 2 công việc thuộc 2 lĩnh vực khác hẳn nhau mà vẫn đảm bảo được việc học, hơn thế còn giỏi nữa?

Khi không có giải đấu, tôi cố gắng đi học đầy đủ vì lịch học cũng trùng với những ngày tôi được nghỉ. Khi vướng lịch thi đấu, tôi nhờ các bạn ở lớp quay lại video và tranh thủ thời gian để học bù. Tôi cảm thấy khá may mắn khi sở hữu bảng điểm cao như thế.

Tôi đạt được thành tích đó có lẽ là nhờ chăm chỉ, sự ham thích đối với việc học. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tận tâm của các thầy cô ở Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tất nhiên, đó cũng là sự đánh đổi. Tôi không có nhiều thời gian đi chơi với bạn bè như mọi người, hầu như chỉ tập trung cho việc học và học. Mục tiêu của tôi là tốt nghiệp bằng giỏi trở lên.

Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh - Ảnh 3.

Thu Hoài từng nhận học bổng với điểm GPA 3,87 (trên thang điểm 4).

- Tại sao Thu Hoài lại chọn ngành học liên quan đến kinh tế?

Bố mẹ tôi làm nghề buôn bán nên có lẽ máu kinh doanh cũng ngấm theo. Ngoài ra, tôi cũng ưa trải nghiệm nên muốn học gì đó khác thể thao, khi bản thân dành cả thanh xuân cho việc tập luyện và thi đấu cường độ cao rồi.

- Làm nhiều công việc cùng lúc như vậy, Thu Hoài gặp phải khó khăn gì để sắp xếp mọi việc cho chu toàn?

Đôi khi nhiều việc cùng lúc khiến tôi cảm thấy không có thời gian để chăm chút cho bản thân. Tuy nhiên, tôi không gặp khó khăn vì tôi đã quen với việc vừa tập luyện, thi đấu và vừa học với tần suất cao. Vậy nên tôi hình thành những thói quen để giúp cho bản thân không bị quá tải khi làm nhiều việc một lúc như vậy.

Khi đội có lịch tập huấn và thi đấu thì tôi luôn tuân thủ kỷ luật của tập thể và gác lại việc đến trường. Lúc đó, tôi phải sắp xếp thời gian để tự học trực tuyến. Khi nào các giải đấu kết thúc, tôi quay trở lại trường để học tập, tất nhiên là kèm theo sự đồng ý của ban huấn luyện.

Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh - Ảnh 4.

Thu Hoài bận rộn với 2 công việc thuộc 2 lĩnh vực không liên quan đến nhau, đồng thời vẫn phải dành thời gian cho việc học. (Ảnh: Hải Nguyễn)

- Thu Hoài từng có dự định đi du học nước ngoài nhưng không thể thực hiện.

Đại học Essex của Anh muốn trao học bổng cho tôi. Khi đó, hợp đồng của tôi với câu lạc bộ chủ quản vẫn còn thời hạn. Tôi phải tôn trọng công việc của mình. Việc đi du học ở thời điểm đó là không thể.

Nếu có cơ hội lần nữa và điều kiện cho phép, tôi sẽ đi du học bất kể là ngắn hạn hay dài hạn. Chưa có cơ hội nào làm tôi thấy tiếc như lần bỏ lỡ đó.

Nguyễn Thu Hoài: Hoa khôi bóng chuyền học kinh tế, mê dạy tiếng Anh - Ảnh 5.

- Bên cạnh tên trên Facebook của Thu Hoài có chữ "Perfectionist". Bạn là người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo?

Đúng, tôi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo mặc dù biết trên đời không có gì là hoàn hảo. Nhưng tôi lấy đó là những chuẩn mực để mình luôn cố gắng trong mọi việc.

Việc gì cũng có mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt là tôi luôn làm mọi việc một cách chu toàn nhất. Nhưng mặt xấu là sẽ có nhiều những điều không theo ý mình, không đạt được đến ngưỡng mình mong đợi. Điều đó dễ làm tôi thất vọng và không được vui vẻ.

Ca dao tục ngữ có câu “Thất bại là mẹ thành công” nhưng tôi vẫn sợ thất bại. Những lần thất bại khiến tôi cảm thấy nghi hoặc về năng lực của bản thân. Nhưng sau đó, tôi có thể ngộ ra nhiều thứ. Thất bại cũng hay, nếu không có thất bại thì mình sẽ không thể trưởng thành.

Tôi nghĩ không ai muốn bị chê và ai cũng thích được khen. Khi được khen, tôi lấy đó làm động lực để đi tiếp. Còn với những lời phê bình tôi sẽ học cách đối diện, nhìn lại những thiếu sót của bản thân và hoàn thiện bản thân mình.

- Đối với một "perfectionist", bạn làm cách nào để có thể hoàn hảo mọi thứ khi vừa là một cô sinh viên, vừa quản lý một lớp học trong khi nghề nghiệp mà mọi người biết tới về Thu Hoài vẫn là một vận động viên bóng chuyền?

Như tôi đã chia sẻ, tôi dành nhiều thời gian và tâm lực nhất cho việc tập luyện và thi đấu. Còn về việc học đại học và quản lý các lớp học tiếng Anh thì tôi coi là một, như là học đi đôi với hành vậy. Vì tôi đang học ngành Quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, tôi cũng có Co-founder (người đồng sáng lập) hỗ trợ việc mở lớp nên tôi vẫn có cơ hội để làm tốt mọi thứ như một ‘perfectionist’.

- Thu Hoài từng viết lên Facebook là "Em không thể học được nữa, lấy chồng được không?" Vậy việc học khó hơn hay đánh bóng chuyền khó hơn?

Đó chỉ là câu đùa vui gần những ngày thi cử thôi, chứ tôi thấy việc học hay việc đánh bóng chuyền không khó. Bây giờ, tôi thấy việc khó nhất là lấy chồng.

Tôi nghĩ tuổi của mình không phải là sớm để lấy chồng nữa. Mọi người hay trêu là tôi được tuổi rồi. Mặc dù tôi có nhiều kế hoạch cho sự nghiệp nhưng tôi sẽ lập gia đình ở tuổi này nếu gặp đúng người, cùng quan điểm sống và cùng chí hướng.

- Bên cạnh sự nghiệp bóng chuyền, việc theo học ngành kinh tế giúp Thu Hoài có nhiều lựa chọn trong tương lai. Học xong, bạn sẽ tiếp tục theo nghiệp bóng chuyền hay chuẩn bị cho hướng đi khác?

Tôi rất biết ơn khi trở thành một VĐV bóng chuyền chuyên nghiệp và sống độc lập từ khi mới 13 tuổi. Đó là một sự lựa chọn đúng đắn khi bóng chuyền rèn giũa tôi để tôi có được như ngày hôm nay. Tôi có danh tiếng và kinh tế nhờ bóng chuyền, nhưng để tôi gắn bó xuyên suốt với bóng chuyền thì tôi chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, một khi còn là VĐV thì tôi sẽ luôn cháy hết mình trên sân, cống hiến mọi thứ cho thể thao nước nhà.

Con đường mà tôi muốn đi chưa hẳn là rõ, nhưng ít nhất tôi nhìn thấy những cơ hội xung quanh mình. Tôi chỉ mong có thể nắm bắt được thời cơ và làm tốt nhất có thể.

Tất nhiên thi đấu bóng chuyền vẫn là ưu tiên của tôi, không gì có thể thay thế sự ưu tiên này trong thời điểm hiện tại.

- Xin cảm ơn Thu Hoài về cuộc trò chuyện này.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày