Busan là một thành phố nổi tiếng lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, nơi khai sinh ra những tên tuổi lớn như Samsung hay LG. Thế nhưng không có bất kỳ công ty nào trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc đặt trụ sở chính tại đây.
Thậm chí thành phố 3,3 triệu dân này đang dần bị bỏ lại phía sau bởi người trẻ dần bỏ đi lên thủ đô Seoul lập nghiệp. Trong khoảng 1995-2023, khoảng 600.000 người đã rời bỏ thành phố này.
Theo Sở thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS), Busan đang trở thành thành phố có nguy cơ "tuyệt chủng" trong bối cảnh nền kinh tế chuyển mình từ công nghiệp lên công nghệ cao khiến nền kinh tế địa phương nơi đây không còn bền vững.
Trong hầu hết thế kỷ 20, Busan là trung tâm công nghiệp thịnh vượng nhờ mảng đóng tàu và ngành sản xuất công nghiệp truyền thống. Thế nhưng tỷ lệ sinh thấp, giới trẻ bỏ lên thủ đô Seoul lập nghiệp cùng sự dịch chuyển của nền kinh tế lên công nghệ cao đã làm thay đổi tất cả kể từ thập niên 1990.
Ngay cả chính cư dân bản địa cũng chẳng còn mặn mà với quê hương.
"Không chỉ bố mẹ tôi mà bố mẹ của tất cả mọi người đều muốn con cái họ chuyển đến Seoul. Bản thân tôi cũng muốn điều đó và chẳng hề hối tiếc khi rời bỏ quê hương", cô EH Seo sinh ra và lớn lên tại Busan thẳng thắn thừa nhận.
"Làn sóng di cư của những người trẻ tuổi đang ngày càng lớn hơn. Mỗi lần tôi quay trở lại, tôi có thể thấy thành phố này đang mất dần sức sống", cô Seo cho biết sau khi đã chuyển lên Seoul sinh sống.
Lụi tàn
Thành phố Busan đã bùng nổ từ nửa sau thế kỷ 19 nhờ giao thương với Nhật Bản. Cảng biển nằm ở phía đông Hàn Quốc này đã trở thành trung tâm cho các nhà công nghiệp Nhật Bản thành lập nhà máy, sản xuất hàng giá rẻ từ cao su cho đến gỗ.
Bước sang thập niên 1960-1970, Busan được hưởng lợi lớn từ chiến lược phát triển kinh tế quốc gia khi chính phủ Hàn Quốc xây dựng một hành lang công nghiệp giữa Busan và Seoul, với cảng Busan đóng vai trò là trung tâm thương mại chính cho nền kinh tế hướng đến xuất khẩu đang bùng nổ.
Thế nhưng mọi chuyện đã chấm dứt vào thập niên 1990 khi Hàn Quốc vươn mình khỏi mảng sản xuất hàng giá rẻ, chuyển sang dịch vụ, công nghệ tiên tiến trong chuỗi cung ứng.
Trong khi nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng được thúc đẩy bởi việc xuất khẩu các mặt hàng tinh vi hơn, ví dụ như các nhà máy chế tạo chất bán dẫn của Samsung Electronics ở ngoại ô Seoul, thì các nhà máy chuyên sản xuất hàng giá rẻ ở Busan dần trở nên thừa thãi.
Thậm chí sự trỗi dậy của hàng giá rẻ Trung Quốc khiến các nhà máy tại Busan chẳng thể cạnh tranh nổi.
Hậu quả là các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và giới trẻ dần di cư lên thủ đô Seoul. Cảng biển Incheon ở bờ biển phía Tây gần Seoul hơn, thuận tiện hơn cho việc giao dịch với Trung Quốc, đã thay thế Busan trở thành trung tâm xuất khẩu hàng đầu của đất nước.
"Chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau", phó thị trưởng Busan Lee Jun Seung cho biết.
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu Lee Sang Ho của KEIS cho biết sự tập trung hóa vào Seoul và Incheon, đồng thời tối đa hóa hiệu quả nhằm cạnh tranh với Nhật Bản và Trung Quốc đã đẩy các khu vực khác của Hàn Quốc vào một "dây chuyền suy thoái" khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang.
"Hầu hết các thành phố lớn bên ngoài khu vực trung tâm phát triển trong nước đều đang trải qua hiện tượng tương tự". Các khu vực nông thôn có dân số ít là những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng, tiếp theo là các thành phố vừa và nhỏ, và bây giờ nó đang ảnh hưởng đến các khu vực đô thị như Busan", ông Lee Sang Ho cảnh báo.
Theo ông Lee Sang Ho, dù rất nhiều thanh niên Busan vẫn có thể tìm được việc làm sản xuất tại các trung tâm công nghiệp khác ở phía đông nam, thì phụ nữ có nhiều khả năng phải đến Seoul để tìm việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.
Di cư
Bên cạnh yếu tố vĩ mô thì việc giảm tỷ lệ sinh, giới trẻ rời đi và mất nhân khẩu đang khiến Busan khó lòng lấy lại vị thế như xưa.
Nền kinh tế Hàn Quốc khiến giới trẻ giờ đây phải cạnh tranh khốc liệt để có được công việc lương cao, đi kèm với đó là chi phí đắt đỏ khiến họ từ chối kết hôn hay sinh con.
Hiện Hàn Quốc đang có tỷ lệ sinh, tức số con bình quân mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh trong suốt quãng đời, chỉ ở mức 0,72 bé/phụ nữ, thuộc hàng thấp nhất thế giới năm 2023.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết tỷ lệ sinh 2,1 bé/phụ nữ mới đủ để đảm bảo duy trì cấu trúc dân số.
"Dân số Busan sẽ giảm 33,57% trong khoảng 2020-2050. Mặc dù dân số Seoul cũng sẽ giảm nhưng ở Busan, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh hơn", người đứng đầu Kim Se Huyn của Trung tâm đánh giá tác động dân số tại Viện phát triển Busan cho biết.
Tờ Financial Times (FT) cho hay mô hình kinh tế tập trung của Hàn Quốc không còn đem lại mức tăng trưởng GDP cần thiết để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của đất nước.
Bởi vậy, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 từ 2,3% xuống còn 1,6-1,7%.
Thống đốc ngân hàng trung ương Rhee Chang Yong thậm chí đề nghị các biện pháp quyết liệt như giới hạn tuyển sinh đại học tại Seoul để khuyến khích mọi người trở về tỉnh lẻ.
Bất chấp điều đó, người đứng đầu nhóm vận động địa phương, bà Yang Mi Sook cho hay vẫn có hàng nghìn người rời bỏ Busan mỗi tháng khi nền kinh tế Hàn Quốc dịch chuyển sang phía Tây.
"Thật đáng buồn. Chính phủ Hàn Quốc nền thừa nhận đất nước đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Xét cho cùng, nếu không còn cư dân nào nữa thì cũng chẳng cần các chính trị gia nữa", bà Yang nói.
*Nguồn: FT