Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung thu

Nhật Thuỳ/ VTC News, Theo VTC News 09:37 17/09/2024
Chia sẻ

Vui Tết Trung thu hàng năm nhưng liệu bạn có biết Tết Trung thu bắt nguồn từ đâu, ý nghĩa của ngày này thế nào?

Tết Trung thu là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng ở nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, diễn ra vào rằm tháng 8 Âm lịch, dược coi là ngày rằm mà mặt trăng tròn và sáng nhất.

Tết Trung thu có từ bao giờ?

Theo các nhà khảo cổ học, cảnh người dân vui lễ hội trăng rằm mùa thu đã xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ có niên đại khoảng 2.500 năm trước. Văn bia chùa Đọi năm 1121 cho thấy từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh, ngày lễ này được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.

Tết Trung thu của người Việt Nam có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp. Thời điểm này khí trời mát mẻ, nhà nông hoàn thành việc thu hoạch vụ mùa nên tổ chức vui chơi, ăn mừng và cầu nguyện cho mùa sau mưa gió thuận hoà, mùa màng bội thu.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung thu- Ảnh 1.

Bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung thu? (Ảnh: Đắc Huy)

Dân gian Việt Nam lý giải nguồn gốc Tết Trung thu bằng câu chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa. Một tiều phu tên Cuội một hôm vào rừng đốn củi đã may mắn phát hiện cây đa quý có tác dụng cải tử hoàn sinh, liền bứng mang về trồng ở góc vườn. Nhờ cây thuốc thần này, Cuội đã giúp nhiều người sống lại.

Một hôm lúc Cuội có việc vắng nhà, vợ anh bị kẻ xấu giết hại. Nhờ cây thuốc thần, Cuội cứu sống vợ mình. Tuy nhiên sau khi  được cải tử hoàn sinh, đầu óc chị không còn như trước, hay bị quên, lẫn. Một hôm, người vợ đãng trí, quên lời dặn của chồng, dùng nước bẩn tưới cây đa quý, khiến cây tự bật gốc và bay lên trời. Vừa lúc đó, Cuội trở về, hốt hoảng chạy đến níu chặt cây nhưng không giữ được, bị cây lôi theo bay lên tận cung trăng.

Từ đó, những đêm trăng rằm, mọi người nhìn lên mặt trăng sẽ thấy vệt đen giống hình cây đa cổ thụ có người ngồi dưới gốc, đó chính  chú Cuội. Tết Trung thu gắn vứi trăng rằm, mọi người phá cỗ trông trăng, hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa càng quen thuộc, gắn bó và trở thành một biểu tượng.

Với người Trung Quốc, nguồn gốc Tết Trung thu liên quan đến câu chuyện Hậu Nghệ và Hằng Nga. Hậu Nghệ là một cung thủ tài giỏi và có sức mạnh tuyệt luân, bắn rụng 9 trong tổng số 10 mặt trời đang thiêu đốt nhân gian, giúp con người thoát khỏi cảnh hạn hán khắc nghiệt. Để thưởng cho công lao của Hậu Nghệ, Ngọc hoàng ban cho anh một viên tiên đan, khi uống vào sẽ trở thành bất tử. Vợ anh - Hằng Nga đã uống viên tiên đan này và bay lên cung trăng.

Từ đó, Hậu Nghệ thường nhìn lên mặt trăng để nhớ đến nàng. Buồn và nhớ vợ nên mỗi năm vào ngày trăng tròn nhất, anh bày lễ cúng để tưởng nhớ Hằng Nga. Mọi người cũng thắp đèn lồng và thưởng trăng, nhắc nhở về câu chuyện của họ.

Rằm Trung thu với người Trung Quốc còn gắn với chuyện Đường Huyền Tông và Quý phi Dương Ngọc Hoàn. Trong lần chạy loạn An Lộc Sơn, vị vua này bị triều thần và binh lính ép xử tử Quý phi, người mà họ cho là nguồn gốc của loạn lạc. Dù rất yêu nàng, vua vẫn buộc phải nghe theo, sau đó thương xót, nhớ nhung da diết. Dân gian kể rằng, xúc động trước tình cảm này, các nàng tiên quyết định đưa vua lên trời gặp lại Quý phi vào đêm trăng sáng nhất của mùa thu. Sau khi trở về trần gian, vua lấy ngày rằm tháng Tám để tưởng nhớ ái phi của mình.

Cũng có câu chuyện kể rằng Đường Huyền Tông lên cung trăng chỉ để du ngoạn. Vì muốn ghi nhớ cuộc vui đó, khi trở về, ông ra lệnh lấy ngày rằm tháng 8 để tổ chức lễ hội vui chơi, uống rượu, rước đèn và ngắm trăng, khiến việc vui Tết Trung thu trở thành phong tục.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Trung thu- Ảnh 2.

Mâm cỗ ngày Tết Trung thu đầy đủ, rực rỡ màu sắc. (Ảnh: Vân Hà Hoàng)

Ý nghĩa của Tết Trung thu

Tết Trung thu mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đối với trẻ em mà cả với mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Tôn vinh và nhớ ơn tổ tiên : Tết Trung Thu cũng là dịp để người Việt Nam nhớ về nguồn cội, tôn trọng và giữ gìn các giá trị truyền thống. Các hoạt động như dâng bánh trung thu, tổ chức lễ cúng, thả đèn hoa đăng đều mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn sâu sắc. Đây cũng là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn, nhớ về tổ tiên và cầu mong sự an lành, phồn hòa.

Gia đình đoàn viên : Một trong những ý nghĩa lớn nhất của Tết Trung thu gia đình sum họp, cùng nhau thưởng thức bánh và ngắm trăng. Đây là thời gian để mọi thành viên từ ông bà, cha mẹ đến con cháu cùng ngồi lại bên nhau sau những ngày tháng bận rộn. Các hoạt động như làm đèn lồng, làm bánh trung thu, và tổ chức hội trại giúp gắn kết gia đình, giúp tình cảm thêm vững bền và sâu sắc.

Sự quan tâm đối với thiếu nhi

Tết Trung Thu ở Việt Nam thường được biết đến là Tết Thiếu nhi, là dịp thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ em. Các em được nhận những món quà như đèn lồng, mặt nạ, đồ chơi, được tham gia các hoạt động vui chơi như rước đèn lồng, múa lân, ca hát... Ngoài tác dụng giải trí, những hoạt động này còn giúp trẻ em hiểu và yêu mến hơn các giá trị văn hóa dân tộc.

Cầu mong mùa màng bội thu

Với người nông dân, Tết Trung thu cũng là dịp cầu mong cho mùa màng thuận lợi, bội thu. Họ cúng lễ  thần linh và tổ chức các hoạt động cầu nguyện cho đất nước thanh bình, thịnh vượng. Các phong tục như làm bánh trung thu, thưởng thức cốm và các loại trái cây mùa thu cũng tượng trưng cho sự trân trọng và tri ân đối với thiên nhiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày