Khu vực châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt trong những ngày qua, tuy nhiên, một vòm nhiệt tăng cường ở Địa Trung Hải trong thời gian tới sẽ còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, gây ra nhiệt độ cực cao hơn trên khắp nửa phía nam của châu Âu trong những ngày tiếp theo.
Theo trang tin severeweather.eu, đợt nắng nóng khủng khiếp nhất của mùa hè năm 2023 vẫn tiếp tục và dự kiến còn đẩy mức nhiệt lên cao hơn nữa, đạt ngưỡng gần 45°C ở các nước phía nam châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ba Lan.
Khách du lịch tham quan Đấu trường La Mã ở Rome bất chấp các cảnh báo của các nhà chức trách về đợt nắng nóng kỷ lục ở Italia suốt 2 tuần qua (Ảnh: Reuters)
Ngoài các khu vực ở châu Âu, đợt nắng nóng cũng bao trùm một phần nước Mỹ ở phía tây và nam, nơi dự kiến đạt nhiệt độ kỷ lục vào cuối tuần này. Vòm nhiệt bao trùm ở miền tây nước Mỹ đã đẩy nhiệt độ ở sa mạc Thung lũng Chết của California lên đến 53°C hôm 16/7 - một trong những nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trên trái đất trong 90 năm qua. Đây là một minh chứng rõ ràng về mối nguy hiểm của sự nóng lên toàn cầu.
Các khuyến cáo về nhiệt độ cực cao đã được ban hành cho hơn 100 triệu người ở Mỹ thông qua Dịch vụ thời tiết quốc gia, dự báo các điều kiện đặc biệt nguy hiểm ở các bang Arizona, California, Nevada và Texas.
Anh Thái An, người đang có chuyến du lịch vòng quanh châu Âu vào đỉnh điểm đợt sóng nhiệt này. Tại điểm dừng chân ở Madrid, Tây Ban Nha, anh An cho biết: "Nhiệt độ báo trong lều khí tượng cao nhất hôm qua ở thành phố Cuanca, Tây Ban Nha là 39°C. Thủ đô Madrid cũng có mức nhiệt tương đương, hôm 18/7 nhiệt độ ban ngày khoảng 40°C. Tuy nhiên các địa điểm ngoài trời như bến xe bus hoặc cửa hàng đạt nhiệt độ cao nhất 42-43°C vào khoảng 4-6 giờ chiều".
So sánh giữa cảm giác nắng gắt do sóng nhiệt ở châu Âu với cái nắng hè ở Việt Nam, anh Thái An nói: "Thực tế nắng rát tương tự như miền Trung. Tuy nhiên, do độ ẩm thấp khoảng 40% nên không có cảm giác oi bí nhưng rất rát. Ví dụ hôm qua tôi có tới thăm khu bảo tồn La Ciudad Encantanda ở Cuenca, nắng gắt tới nỗi vùng da cổ của tôi trở nên bỏng đỏ và bong da rất rát. Nói chung nắng nóng có thể so sánh tương đương với những ngày nóng nhất ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam".
Nhiệt độ ngoài trời tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đạt ngưỡng 43°C. (Ảnh: Thái An)
Đợt nắng nóng kỷ lục đã buộc Hy Lạp phải đóng cửa địa điểm du lịch nổi tiếng thành cổ Acropolis hôm 14/7 nhằm bảo vệ du khách. Nhiệt độ ngoài trời tại thủ đô Athens lên tới 40°C. Quốc gia này đang chuẩn bị cho việc ứng phó nếu nền nhiệt tăng lên 44°C.
Trước khi đóng cửa khu du lịch, các tình nguyện viên tại Hội chữ thập đỏ Hy Lạp đã được triển khai để phát nước đóng chai cho những khách du lịch xếp hàng dài và phải can thiệp hàng chục ca cấp cứu cho những du khách có biểu hiện kiệt sức hoặc khó thở.
Du khách vật lộn với cái nóng trên đỉnh thành cổ Acropolis ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, nắng nóng cũng làm ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch ở Italia. Thủ đô Rome dự kiến sẽ chứng kiến nhiệt độ đạt mức cao nhất là 43°C vào ngày 18/7.
Hội Chữ thập đỏ Italia cảnh báo người dân "không nhận thức được mối nguy hiểm mà hiện tượng khí hậu này có thể gây ra đối với sức khỏe". Theo Al Jazeera, tổ chức này đã tiến hành một chiến dịch nâng cao nhận thức về cách ứng phó với sóng nhiệt và điều hành một đường dây nóng để hỗ trợ những người bị cô lập về mặt xã hội.
Khách du lịch ở Rome uống nước từ đài phun nước công cộng trong đợt nắng nóng bất thường. (Ảnh: Getty)
Chị Nguyễn Nhật Anh, du học sinh Việt Nam tại Venice, Italia không giấu nổi sự mệt mỏi khi phải chống chọi qua cái nóng hun đốt: “Vấn đề gây khó chịu nhất cho tôi trong các đợt nóng trong hè là khó ngủ. Tôi thường nằm trằn trọc đến 2-3 giờ sáng cho đến khi nhiệt độ dịu xuống và quá mệt mỏi mới ngủ được. Cái nóng cộng với việc thiếu ngủ cũng khiến tôi khó tập trung hơn trong công việc. Có thể vì lẽ đó mà dân châu Âu hay nghỉ hè dài".
Ở các nước châu Âu, do đặc thù khí hậu xứ lạnh gần như quanh năm, phần lớn người dân không có văn hoá sử dụng điều hoà nhiệt độ như ở châu Á. Chị Nhật Anh cho biết: “Chỗ tôi sống gần như không có điều hoà ở nhà riêng, mọi người chủ yếu dùng quạt. Nếu nóng quá thì họ chỉ ra công viên đi dạo và tắm nắng hoặc bơi tại các hồ nước sâu để giảm sự nóng bức. Vì vậy, hàng năm chính phủ đều cảnh báo người dân không uống bia rượu khi bơi ở hồ, vì năm nào cũng có người chết đuối”.
Còn ở Madrid, Tây Ban Nha, anh Thái An cho biết, người dân ở đây vốn quen với khí hậu nóng nên không có thay đổi gì đặc biệt trên đường phố. Tuy nhiên, người ta có xu hướng uống nhiều bia, tụ tập trong quán xá có điều hòa hoặc quán ngoài trời có dàn phun sương hơn. Người châu Âu cũng có sở thích tắm nắng nhuộm da rám nên họ ăn mặc mát mẻ hết sức có thể. Lượng người đổ về các đài phun nước và công viên cũng tăng lên rất nhiều.
Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy ở xã Louchats, khi cháy rừng tiếp tục lan rộng ở tỉnh Gironde, miền tây nam nước Pháp. (Ảnh: Reuters)
Các nhà chức trách các nước đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ cháy rừng cao hơn, đặc biệt là ở những khu vực dự kiến có gió mạnh. Hiện tượng cháy rừng ở châu Âu hoành hành trước đợt nắng nóng thứ hai trong hai tuần qua được dự đoán sẽ khiến nhiệt độ trung bình lên tới 48°C – mức cao kỷ lục so với mọi năm. Chính quyền các nước Italia, Pháp và Tây Ban Nha cũng đưa ra cảnh báo sức khỏe liên quan đến nắng nóng cho người dân.
Anh Tuấn Dũng, đang sinh sống và làm việc tại thành phố Zaragoza, Tây Ban Nha cho biết: “Chỗ tôi năm nay đặc biệt được cảnh báo về cháy rừng. Nắng nóng kéo dài kèm theo không mưa dẫn đến khả năng bắt lửa trong rừng rất cao, nhất là khi mùa hè có nhiều người hay vào rừng cắm trại”.
Chia sẻ về một trải nghiệm “tai nạn” gây ra bởi thời tiết cực đoan, anh Dũng nói: “Có những ngày nóng kỷ lục khiến xe của hội chúng tôi đi chơi bị cháy điều hoà do quá tải nhiệt và xe không được thiết kế và sản xuất cho môi trường nhiệt đới. Lần đó đi chơi về thì ai cũng phải nghỉ thêm mấy ngày mới có thể hồi sức”.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết lục địa này sẽ đối mặt với đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè năm nay với nền nhiệt tăng lên 48°C ở một số nơi. Khu vực được dự báo có nền nhiệt tăng cao nhất là trên các đảo Sicily và Sardinia dự kiến khoảng 48°C - đây có thể là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Kỷ lục hiện tại của Châu Âu là 48,8C°C được ghi nhận ở đảo Sicily vào tháng 8/2021.
Theo ESA, một vùng xoáy nghịch có tên “Cerberus” đang di chuyển từ Bắc Phi về phía Nam châu Âu và dự báo sẽ mang đến sóng nhiệt cao kỷ lục cho khu vực, tác động trực tiếp đến hàng triệu người vào thời điểm mùa hè bước vào giai đoạn nắng nóng nhất.
“Nền nhiệt đang tăng lên trên khắp châu Âu trong tuần này và nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài. Đợt nắng nóng kỷ lục chỉ mới bắt đầu”, ESA cho biết trong một tuyên bố.
Cũng theo ESA, các đợt nắng nóng kỷ lục đang được khuếch đại bởi hiện tượng El Nino. Đây là hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5°C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.
“Năm nay tôi có nghe nói đến hiện tượng El Nino, có lẽ nó đóng góp cho hiện tượng nóng kỷ lục này. Tuy nhiên, các mùa hè gần đây có dấu hiệu nóng lên thấy rõ, và các mùa đông cũng ít dần tuyết đi”, anh Tuấn Dũng chia sẻ.
El Nino là một trong những hiện tượng thời tiết bất thường gây thảm họa cho con người. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng/Dịch vụ thời tiết quốc gia)
Bộ Y tế Italia hôm 17/7 đã ban hành cảnh báo thời tiết đỏ đối với 20/27 thành phố của nước này, báo hiệu mối đe dọa sức khỏe có thể xảy ra đối với bất kỳ ai tiếp xúc với sức nóng. Con số dự kiến sẽ tăng lên 23 thành phố vào ngày 19/7.
Cơ quan y tế công cộng của Pháp cảnh báo đợt nắng nóng kéo dài hiện nay có thể khiến nhiều người phải nhập viện hoặc tử vong. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết đợt nắng nóng và mưa cực đoan dự kiến sẽ kéo dài sang tháng 8.
Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Ở nhiều nơi trên thế giới, hôm nay 17/7 được dự đoán là ngày nóng nhất từng được ghi nhận”.
Theo Reuters , vào năm ngoái, ước tính có tới 61.000 người đã chết ở châu Âu trong các đợt nắng nóng. Điều này được lo ngại sẽ lặp lại và còn tăng mạnh hơn trong mùa hè năm nay.
Robert Vautard, nhà khoa học khí hậu và giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, cho biết: “Lo lắng của tôi thực sự là sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của những người dễ bị tổn thương sống ở những khu dân cư không đủ đảm bảo để chống đỡ với nhiệt độ cao như vậy. Điều này có thể dẫn đến nhiều ca tử vong”.