Những người trẻ tuổi đã làm việc chăm chỉ trong cả một năm và rất háo hức cũng như hạnh phúc khi được trở về nhà trong dịp Tết Nguyên đán. Niềm vui là gia đình đoàn tụ, được nghỉ ngơi dài ngày nhưng các khoản chi tiêu lại là thứ phải tính toán kỹ càng.
Có người trẻ mới bắt đầu đi làm, không biết "của ăn của để" là gì, chỉ đến khi Tết đến cần chi tiêu thì mới tá hỏa vì không đủ tiền. Cũng có người vừa trải qua làn sóng sa thải, công việc và cuộc sống bộn bề nhưng về quê dịp Tết vẫn cần chi tiêu. Cũng có những cặp vợ chồng mới cưới đang gánh khoản vay mua ô tô và thế chấp mua nhà. Một số người cho biết việc về quê ăn Tết là vui vẻ nhưng khi nghĩ đến cần tiêu hết một tháng lương, thậm chí là tiền thưởng cuối năm, họ cảm thấy khá căng thẳng.
Những người trẻ đang làm việc ở các thành phố lớn tổng kết các chi phí chính khi về quê ăn Tết sẽ bao gồm: hiếu kính cha mẹ, quà biếu thăm họ hàng - bạn bè, quà cho đối tác, mua đồ năm mới và lì xì.
Đối với Phúc Mai, người kết hôn được 3 năm tính toán, phong bao lì xì là 10 triệu cho bố mẹ hai bên. Thêm họ hàng, con cháu, con của sếp, con của đồng nghiệp thì chi phí phải tới 15 triệu. "Về quê thường có những người họ hàng không quen biết lắm. Một người dắt theo mấy đứa con. Tôi vẫn nhớ lúc mới kết hôn, với tư cách là dâu mới có hơn 10 đứa trẻ đến và tôi đã tiêu hết 1 triệu chỉ trong 1 giờ đồng hồ".
Phúc Mai thẳng thắn nói rằng từ quan điểm kinh tế gia đình thì về quê ăn Tết không phải là một niềm vui hoàn toàn. "Trước Tết Nguyên đán, chúng ta cần sớm trích lập ngân quỹ. Ví dụ dành ra từ 40 - 50 triệu ngay từ trong năm cho dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn phải có quỹ khẩn cấp để đề phòng trường hợp khẩn cấp".
Nghe tin được nghỉ về quê ăn Tết là vui, nhưng khi nghĩ đến cần tiêu hết một tháng lương, thậm chí là tiền thưởng cuối năm thì lại cảm thấy khá căng thẳng (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, việc dần trở thành trụ cột thu nhập của gia đình và áp lực chi tiêu mua sắm Tết, quan hệ đối nhân xử thế đương nhiên sẽ đè nặng lên vai người trẻ. "Luôn là những người trẻ tuổi tiêu tiền. Khi chúng tôi còn nhỏ, bố mẹ chúng tôi bận rộn mua đồ cho năm mới cũng là lúc họ còn trẻ tuổi".
Trên các nền tảng xã hội nhiều thanh niên mới đi làm than thở rằng họ đang phải vật lộn với số tiền trong phong bao lì xì mỗi dịp Tết đến. Thanh An (quê ở Hòa Bình) là người vừa mới tốt nghiệp và đi làm được nửa năm hiện cho biết mức lương của mình rất thấp nhưng lại trót hứa với mẹ sẽ tặng bà ngoại phong bao lì xì trị giá 5 triệu vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
"Tôi đang suy nghĩ xem có nên đưa cho bố mẹ mỗi người 5 triệu nữa hay không, nhưng sau khi đưa hết cho họ thì tôi không còn tiền nữa. Tặng bố mẹ phong bao lì xì trong năm đầu tiên đi làm sẽ khiến bố mẹ rất vui. Đó là một lễ nghĩa, nhưng nó cũng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân".
Hải Trần (22 tuổi) cũng đang phải đối mặt với sự lo lắng tương tự. "Tôi tìm rất nhiều bài đăng trên Internet để xem mọi người đã tặng bao nhiêu bao tiền lì xì cho cha mẹ của họ. Tôi đã tham khảo một số cư dân mạng hiện đang làm việc tại các thành phố lớn và cuối cùng rút ra kết luận: Nên nhiều hơn 10% tiền lương hàng tháng. Giống như bạn trích tiền lương để gửi tiết kiệm vậy. Hãy ngưng 1 tháng gửi vào ngân hàng và dành số tiền đó biếu tặng bố mẹ".
Còn Hà Phương (30 tuổi) thì phải đối mặt với nhiều vướng mắc hơn. Vì phải lì xì cho nhiều con em họ hàng. Tiền lì xì đầu năm mà hai vợ chồng Phương tiêu hết 25 triệu. "Trong đó bao gồm tiền biếu bố mẹ hai bên, các con cháu trong gia đình hai bên. Chúng tôi mừng tuổi cho mỗi đứa 100 nghìn vậy mà trong mắt họ hàng vẫn là keo kiệt".
Tục lệ lì xì đầu năm mang nhiều ý nghĩa may mắn, rước lộc nhưng vô tình cũng là một gánh nặng tài chính đối với nhiều người trẻ (Ảnh minh họa)
Ngoài bao lì xì thì tặng quà gì cũng khiến nhiều bạn trẻ đau đầu. Đặc biệt là những món quà cho bố mẹ dịp Tết hoặc quá đắt hoặc vô dụng, nhiều người vắt óc suy nghĩ xem nên làm thế nào để có thể vừa hữu ích vừa hợp lý.
"Về quê ăn Tết tôi đã tặng mẹ những sản phẩm chăm sóc sức khỏe răng miệng cũng như đồng hồ, máy mát xa, loa thông minh. Tôi nghĩ chúng rất thiết thực. Nhưng mẹ tôi nghĩ rằng sản phẩm chăm sóc sức khỏe không thể nhớ uống cái nào, đồng hồ thì không hợp nên mẹ không đeo, máy mát xa không biết dùng nên bỏ mặc, loa thông minh cũng không dùng rồi bám đầy bụi bặm", Trang Nguyễn chia sẻ.
Còn Hương Vũ là người mới bắt đầu đi làm, vướng mắc của cô trong việc tặng quà nằm ở chỗ làm thế nào để tìm được những món quà cho bố mẹ có giá trị và công dụng như nhau. "Nhưng mua các sản phẩm khác nhau thì khó tính giá cả. Tôi từng mua quần áo rồi, giá quần áo nam và nữ khác nhau. Tôi phải gửi những thứ lặt vặt khác để cân bằng giá trị".
Thu Hoài (sinh năm 1990) đã làm việc ở thành phố Hà Nội nhiều năm, mỗi lần vào dịp Tết Nguyên đán cô đều biếu bố mẹ 5 triệu trong phong bao lì xì, đồng thời mua một số quần áo và nhu yếu phẩm hàng ngày. Hoài cho rằng bản thân chưa bao giờ gặp rắc rối vì những điều này và bí quyết là "không đặt kỳ vọng quá cao vào bản thân". Thu Hoài giải thích rằng cha mẹ không thực sự quan tâm đến tiền bạc. Tặng bao lì xì và quà trong dịp Tết chỉ là một cách để thể hiện lòng hiếu thảo.
Thu Hoài cũng nhắn nhủ những bạn trẻ đang gặp khó khăn về tài chính rằng quà tặng gia đình nên được xếp vào loại "tài khoản tình cảm" hơn là "tài khoản kinh tế". Tài khoản tình cảm là không quan tâm đến số lượng tiền và không thể so sánh, bởi vì mỗi cảm xúc gửi gắm trong đó là duy nhất. Trong khi "tài khoản kinh tế" chỉ nhấn mạnh giá trị của đồng tiền, dễ so sánh với người khác. "Vì vậy, dù là con cái hay cha mẹ, quà tặng nên được coi là một biểu hiện của tình cảm".
(Ảnh minh họa)
Thư Trần (28 tuổi ở Tp HCM) cũng đồng ý với vấn đề này, cô cho rằng ý nghĩa đằng sau món quà biếu tặng mới là điều quan trọng nhất. "Tôi đã mua một chiếc khăn quàng cổ cho mẹ, và nói rằng mình đã chọn ở rất nhiều cửa hàng mới cảm thấy hài lòng. Chất liệu này rất tốt. Tôi biết mẹ sẽ bị ho vào mùa đông. Chiếc khăn này có thể cản gió, giữ ấm và bảo vệ sức khỏe... Tóm lại, hãy chắc chắn rằng chính bản thân bạn phải hài lòng với món quà đó trước khi tặng người thân".
Viết thiệp cũng là kỹ năng độc đáo của Thư Trần. Mỗi dịp Tết, cô đều tự tay viết thiệp chúc mừng, bày tỏ tình cảm rồi để vào trong món quà tặng. "Mẹ tôi cất những tấm thiệp chúc mừng tôi gửi trong những chiếc hộp đặc biệt, thỉnh thoảng lấy ra đọc lại từng tấm một". Qua chuyện này, Thu cảm thấy tặng quà chân thành sẽ tốt hơn là gửi bao lì xì nhiều tiền bạc. Bởi vì quà là thứ mà cha mẹ sẽ giữ bên cạnh họ mãi mãi. Nó là một công cụ để duy trì cảm xúc và cũng có thể được sử dụng làm đề tài trong các cuộc trò chuyện trong dịp Tết. Còn phong bì lì xì sẽ không làm được điều đó.
Bài viết ghi lại từ chia sẻ của nhân vật.