Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh lên tiếng

Trang Đỗ, Theo Thời Đại 10:13 25/03/2017

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội của nhiều cư dân mạng, ngày hôm qua, người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh đã lên tiếng phản pháo và giải thích cho hành động của mình.

Ngay sau khi vụ tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh xảy ra, nhiều người dùng mạng đã liên tục chia sẻ hình ảnh một người phụ nữ Hồi giáo, tay cầm điện thoại rảo bước đi trên cầu Westminster, nơi rất nhiều nạn nhân vụ khủng bố đang nằm chờ giúp đỡ.

Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh lên tiếng - Ảnh 1.

Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đã phải nhận rất nhiều lời chỉ trích từ người dùng mạng.

Chưa cần biết thực hư câu chuyện, nhiều người đã vội vàng lên tiếng chỉ trích cô vì cho rằng đây là thái độ thờ ơ trước những người bị nạn, thậm chí họ còn dùng những từ ngữ xúc phạm để lăng mạ người phụ nữ này.

Một người dùng có tài khoản Twitter là Texas Lone Star với gần 44.000 lượt theo dõi đã đăng tải bức ảnh cùng lời chỉ trích: "Người phụ nữ Hồi giáo chẳng hề bận tâm đến cuộc tấn công khủng bố, thản nhiên bước qua người đàn ông đang hấp hối trong khi đang sử dụng điện thoại". Chia sẻ này đã nhận được rất nhiều lượt like và hơn 2.000 lượt tweet lại.

Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh lên tiếng - Ảnh 2.

Người phụ nữ này sau đó đã phải lên tiếng phản pháo.

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội của nhiều cư dân mạng, ngày hôm qua, người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đã phải lên tiếng phản pháo và giải thích cho hành động của mình. 

"Tôi bị sốc và hoàn toàn mất tinh thần khi thấy bức ảnh đó được lan truyền trên mạng", Dailymail dẫn lời cô gái hôm qua nói với Tell MAMA, tổ chức ủng hộ nạn nhân của nạn bài Hồi giáo.

Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh lên tiếng - Ảnh 3.

Cô gái sợ hãi và đang gọi điện cho gia đình để thông báo tình hình.

"Gửi đến những cá nhân đã suy diễn và bình luận về suy nghĩ của tôi trong khoảnh khắc đáng sợ đó, tôi muốn nói rằng không chỉ hoảng sợ khi phải chứng kiến cảnh tượng sau vụ tấn công khủng bố mà giờ đây tôi còn phải đối mặt với sự choáng váng khi bức ảnh của tôi bị lan truyền chóng mặt khắp mạng xã hội bởi những người ghét bỏ và bài Hồi giáo.

Suy nghĩ của tôi khi đó hoàn toàn chỉ là đau buồn, sợ hãi và lo lắng.

Điều mà bức ảnh đó không nói lên được chính là khoảnh khắc tôi cố gắng tìm hiểu sự việc để giúp đỡ người khác, dù rằng khi đó đã có rất nhiều người đổ dồn về phía các nạn nhân. Sau đó, tôi đã quyết định gọi điện cho gia đình để thông báo rằng tôi vẫn ổn. Khi đang trên đường đi làm về, tôi đã giúp một cụ bà đến ga Waterloo".

Nhiếp ảnh gia Jamie Lorriman, người chụp bức ảnh, đã lên tiếng cho biết cô gái thực sự "hoảng sợ" và "sợ hãi" vào thời điểm đó. Trước phát biểu này của nhiếp ảnh gia, cô gái trong bức ảnh đã gửi lời cảm ơn tới ông bởi đã đứng lên bảo vệ và minh oan cho cô trước phản ứng của dư luận.

"Xin chia buồn tới tất cả nạn nhân và các thân nhân của họ", cô gái nói thêm.

Trước đó, vào chiều 22/3, Khalid Masood, người đã cải sang đạo Hồi, lái xe ô tô lao vào hàng chục người trên cầu Westminster, London, trước khi cầm dao đâm chết một cảnh sát ngoài nhà quốc hội. Vụ tấn công đã khiến 5 người chết, bao gồm cả tên khủng bố và hàng chục người bị thương.

Người phụ nữ Hồi giáo trong bức ảnh đi cạnh nạn nhân khủng bố Anh lên tiếng - Ảnh 4.

Kẻ khủng bố được xác định là Khalid Masood, người đã cải sang đạo Hồi.