Tại khu tái thiết Đông Mã ở quận Vương Thành, Hồ Nam, Trung Quốc, một tòa nhà 3 tầng được sơn lên dòng chữ "Ngôi nhà này đang xảy ra tranh chấp, đừng thuê hay mua nó" trở thành chủ đề bàn tán của người dân xung quanh. Theo 163, ngôi nhà trên vốn là của một ông chú tên Diêu Nghị. Tuy nhiên sau khi người này qua đời, ngôi nhà đã được Phương Mẫn, cháu gái của ông, thừa kế. Còn dòng chữ loang lổ trên được anh rể của Phương Mẫn là Dương Truyền Âm viết.
Anh chị em xích mích vì căn nhà thừa kế
Theo 163, nhiều năm về trước, ngôi nhà cũ của chú Diêu bị phá bỏ vì nằm trong khu vực cần phải giải toả. Sau đó, người đàn ông này được nhận một khoản đền bù lớn trị giá khoảng 720.000 NDT (hơn 2,5 tỷ đồng) và dùng số tiền đó để xây một tòa nhà 3 tầng. Không ngờ, vài năm sau khi xây nhà, chú Diêu lại lâm bệnh nặng.
Chia sẻ lại sự việc lúc đó, Phương Mẫn cho biết chú Diêu vì không có vợ con nên đã gọi 3 anh chị em Phương Mẫn đến để thực hiện 1 thoả thuận. Ông biết thời gian của mình không còn nhiều nên nói rằng nếu ai trong 3 người cháu sẵn lòng chăm sóc ông khi ốm đau thì sau này, ông sẽ để lại tài sản là ngôi nhà của mình cho người đó. Thỏa thuận này được thực hiện dưới sự chứng kiến của cán bộ thôn.
Khi đó, anh cả của Phương Mẫn đang đi làm xa nhà nên không thể về quê chăm sóc chú mình. Về phần Phương Mẫn, nhà của cô chỉ cách nhà chú Diên 300m, thuận tiện cho việc chăm sóc người chú hơn người chị Phương Đan. Do đó, dưới sự chứng kiến của cán bộ thôn, Phương Mẫn đã ký thỏa thuận chăm sóc chú của mình trong những năm tháng cuối đời. Người anh cả xa nhà và người bị Phương Dân cũng đồng tình với điều này. Thoả thuận nói trên có giá trị tương tự như một bản di chúc. Điều có cũng có nghĩa là sau khi chú Diêu qua đời, ngôi nhà của ông sẽ thuộc về Phương Mẫn.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đám tang của chú Diêu, người chị Phương Đan bất ngờ đến gặp Phương Mẫn và yêu cầu cô phải chia đều tài sản mà chú mình để lại. Phương Mẫn cảm thấy yêu cầu của chị mình rất vô lý nên đã từ chối. Thấy vậy, anh rể của cô là Dương Truyền Âm rất tức giận. Người này đã đến và viết sơn lên tường nhà chú Diêu nhằm căn cản em vợ “chiếm đoạt” tài sản này.
Nhận thấy tình hình căng thẳng, Phương Mẫn đã nhờ phóng viên địa phương đến hòa giải. Không ngờ sự việc sau đó lại chuyển biến theo hướng không ai ngờ tới.
Sự thật được phơi bày
Theo đó, trước mặt phóng viên, Phương Mẫn cho biết cô là người thừa kế hợp pháp căn nhà nói trên và đưa ra bản thỏa thuận năm xưa để làm chứng. Trong khi đó, người chị Phương Đan lại khẳng định em gái mình đang nói dối. Đáng ngạc nhiên nhất là khi 2 bên đang xảy ra cãi vã, hàng xóm xung quanh lại đứng về phía người chị và cho rằng ngôi nhà mà chú Diêu để lại nên được chia đều cho cả 2 chị em.
Vậy trong câu chuyện này ai đúng, ai sai?
Khi được phóng viên hỏi, vợ chồng Phương Đan không giấu giếm mà cho biết vốn dĩ họ không muốn mọi việc lại trở nên căng thẳng như vậy. Tuy nhiên, khi quyền sở hữu căn nhà vẫn chưa được quyết định thì cô em Phương Mẫn bỗng rao bán căn nhà nói trên nên họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc viết sơn lên đó. Chia sẻ về việc tố cáo em gái đang nói dối, người phụ nữ này cho biết khi chú cô nhập viện, người chăm sóc ông tận tình nhất không phải Phương Mẫn mà chính là vợ chồng cô.
Hoá ra dù ở khá xa tuy nhiên vợ chồng Phương Đan vẫn thường xuyên ghé thăm và chăm sóc chú Diêu. Trong những ngày bệnh tình của chú chuyển nặng, chồng của cô còn ngày đêm túc trực trước cửa phòng mổ. Sau khi chú qua đời, vợ chồng Phương Đan và em gái Phương Mẫn cũng đã cùng nhau tổ chức một đám tang cho ông. Bà con lối xóm đều nhìn thấy được tấm lòng của họ.
Tuy nhiên, sau tang lễ vài ngày, Phương Mẫn chỉ trả 20% tiền tổ chức tang lễ, số tiền còn lại đều do vợ chồng Phương Đan lo liệu. Giờ đây, Phương Mẫn còn lấy luôn cả căn nhà chú Diêu để lại. Họ cho rằng em gái đã phủ nhận hoàn toàn sự quan tâm của họ với người chú đã mất nên vô cùng tức giận.
Để tìm ra sự thật, phóng viên đã gọi điện cho cán bộ thôn để tìm hiểu thêm về sự việc. Khi biết chị em Phương Đan, Phương Mẫn đang xảy ra mâu thuẫn về việc phân chia tài sản, các cán bộ địa phương đều rất bất lực, nói: “Họ làm thế là đúng.”
Họ cho biết trong quá trình ký thoả thuận chăm sóc năm xưa, cả Phương Đan và Phương Mẫn đều bày tỏ rằng họ có thể chăm sóc chú của mình trong những năm cuối đời. Tuy nhiên vào thời điểm đó, thủ tục ký kết thỏa thuận trên khá phức tạp, nếu 2 người cùng ký tên thì phải làm thêm một bản thoả thuận nữa. Do đó sau khi hỏi qua ý kiến của 2 chị em họ Phương, các cán bộ chỉ viết tên em gái Phương Mẫn vào thoả thuận nói trên.
Các cán bộ thôn cũng cho biết vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa 2 chị em họ rất tốt. Cả hai đều nói rằng việc viết tên ai vào bản thỏa thuận trên không quan trọng vì sau khi qua đời, căn nhà mà chú Diêu để lại sẽ được chia đều. Không ngờ, Phương Mẫn sau đó lại thay đổi, muốn độc chiếm tài sản cho riêng mình nên dùng bản thỏa thuận trên như một bằng chứng có lợi cho mình.
Phương Mẫn thấy sự thật cô che giấu đã bị phơi bày thì bắt đầu bào chữa cho mình: “Tôi đã bỏ ra 20% tiền lo tang lễ cho chú Diêu, 80% còn lại tôi vay anh chị và sẽ trả lại cho họ. Tôi không phủ nhận việc chị tôi đã chăm sóc chú tôi, nhưng chắc chắn chị ấy không chăm sóc chú nhiều như tôi.”
Tuy nhiên điều này đã bị một người bạn của chú Diêu phản đối. Người này cho biết Phương Mẫn đã đến thăm chú Diêu mỗi ngày và chăm sóc ông ấy rất tốt. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự đóng góp của vợ chồng chị gái Phương Đan, họ cũng xứng đáng được chia tài sản này. Lúc này, Phương Mẫn không còn cách nào khác đành phải đồng ý chia sẻ một phần tài sản thừa kế cho chị gái mình.
Quyết định cuối cùng
Cứ ngỡ sự việc đến đây đã được giải quyết xong, nào ngờ ngay sau đó, chị dâu của họ cũng có mặt tại hiện trường hòa giải và yêu cầu được hưởng một phần tài sản thừa kế của người chú. Yêu cầu vô lý của người phụ nữ này khiến tất cả những người có mặt ở đó đều ngạc nhiên. Từ khi chú Diêu lâm bệnh, vợ chồng nhà này chưa từng xuất hiện. Vậy mà khi nghe tin tài sản được phân chia, người chị dâu này lại không biết xấu hổ mà tìm đến tranh giành.
Để tránh sự việc trở nên tồi tệ hơn, Phương Mẫn sau 1 đêm suy nghĩ đã đồng ý chia 20% tài sản cho chị gái Phương Đan còn bản thân sẽ giữ 80% còn lại. Tuy nhiên, quyết định này của cô bị anh rể Dương Truyền Âm phản đối kịch liệt và cho biết vợ chồng anh muốn nhận 1/3 tài sản nói trên. Lúc này, chị dâu nhà họ Phương cũng cho biết vợ chồng cô có thể trả toàn bộ tiền tổ chức tang lễ cho chú Dương và họ cũng muốn nhận ⅓ tài sản mà người chú này để lại.
Phương Mẫn không đồng ý với yêu cầu của các anh chị mình nên họ lại tiếp tục xảy ra tranh cãi. Cuối cùng, được sự thuyết phục của phóng viên và cán bộ thôn, Phương Mẫn đã nhượng bộ và giao 1/3 tài sản cho chị gái mình. Về phần vợ chồng anh cả, cô cũng có thể đưa cho họ 40.000 NDT (hơn 140 triệu đồng).
Vợ chồng Phương Đan rất hài lòng với cách chia này. Tuy nhiên, chị dâu của họ lại cho rằng phần của mình quá ít nên nhất quyết yêu cầu em chồng phải đưa cho mình 80.000 NDT (280 triệu đồng). Để giải quyết vấn đề này, Phương Mẫn quyết định gọi điện cho anh trai cô để trao đổi. May mắn thay, người anh này hoàn toàn đồng ý với quyết định của cô nên mâu thuẫn của anh em nhà họ cuối cùng cũng được giải quyết.
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc. Phóng viên cho rằng trong xã hội ngày càng phát triển, giá trị tài sản thừa kế thường là đất đai, nhà cửa,... thường tăng theo thời gian. Do đó, đôi khi một số người chỉ vì lòng tham, sự ích kỷ của bản thân mà trở mặt với người thân, tìm mọi cách để tranh giành phần nhiều tài sản về mình.
Đối với những vụ việc tranh chấp di sản thừa kế, tình cảm đôi bên đã sứt mẻ nên để hóa giải là điều rất khó khăn. Để tránh diễn ra tình trạng tranh chấp di sản thừa kế thì người có tài sản cần lập di chúc một cách rõ ràng, cụ thể. Việc này vừa thể hiện được ý nguyện của người để lại tài sản, vừa góp phần ngăn chặn có hiệu quả được tình trạng tranh di sản thừa kế giữa những người thân với nhau.
Theo 163.com