Nhiều ngày qua, bất chấp cảnh báo của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng về sự thiếu căn cứ khoa học và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của trào lưu uống nước cốt chanh buổi sáng khi bụng đói để thải độc và chữa bệnh, dường như trào lưu này vẫn tiếp tục "bùng nổ", thậm chí còn lan truyền rộng hơn trên mạng xã hội.
Rất nhiều video, hình ảnh, bình luận chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hướng dẫn mọi người cách uống nước cốt chanh, uống thật nhiều, uống liều cao với niềm tin có thể "tiêu tan" mọi loại bệnh.
Dòng chia sẻ trên mạng xã hội của người phụ nữ ở Hà Nội khiến nhiều người xôn xao
Không chỉ thải độc tố, giảm cân, hết đau dạ dày, trào ngược mà còn hết gan nhiễm mỡ, không còn viêm nhiễm phụ khoa… Thậm chí có người còn cho biết: đã mãn kinh 3 năm "bất ngờ có kinh trở lại" nhờ uống nước cốt chanh liều cao.
Mới đây, tài khoản N.T.N đã chia sẻ tình trạng sức khoẻ của bản thân sau một thời gian uống "chanh liều cao" theo trào lưu trên mạng khiến nhiều người xôn xao. Theo đó, chị N. đã phải nhập viện cấp cứu vì đau bụng cấp.
Chia sẻ thêm với Vietnamnet, chị N.H.N (33 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) tự nhận mình là nạn nhân của "chanh liều cao". Hơn một tháng trước, chị thấy bạn học cũ chia sẻ về sử dụng nước cốt chanh trị nhiều bệnh lý từ đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, thải độc kèm theo những bằng chứng về hiệu quả của loại đồ uống này. Đồng nghiệp cùng công ty cũng khoe sử dụng từ cả năm nay và cho con dùng theo, rất tốt.
Tiền sử, chị N. không bị đau dạ dày hay các bệnh đường ruột, chỉ số khối cơ thể vừa phải, không cần giảm cân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị thường xuyên liên hoan, tiệc tùng nên nghĩ rằng uống nước chanh thải độc và bắt đầu thử với niềm tin sẽ tốt.
"Ban đầu, tôi uống một quả và tăng dần lên đến 6 quả. Những ngày đầu uống, tôi bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng. Tôi vào cộng đồng hỏi mọi người, ai cũng động viên kiên trì. Biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa là cơ thể đang thải độc nên tôi càng cố uống", chị N. nói.
Người phụ nữ trẻ kể bản thân như bị "thao túng tâm lý" nên vẫn nâng liều lượng lên từng ngày dù thấy cơ thể bất ổn.
Những chia sẻ của chị N. đã khiến cư dân mạng xôn xao bàn tán.
Ảnh minh hoạ
Được biết, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học uy tín nào chứng minh việc uống nước cốt chanh liều cao có khả năng "tiêu tan" mọi loại bệnh như: thải độc tố, giảm cân, chữa đau dạ dày, trào ngược, gan nhiễm mỡ, viêm nhiễm phụ khoa... Những tác dụng này chưa được kiểm chứng và phần lớn chỉ là những lời đồn thổi, truyền miệng không có cơ sở.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, việc uống nước chanh - đặc biệt là nước cốt chanh nguyên chất - mỗi sáng đang trở thành xu hướng phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng quảng bá chăm sóc sức khỏe.
"Tuy nhiên, các lợi ích như "giải độc gan", "đốt mỡ" hay "kiềm hóa máu" chưa bao giờ được khoa học xác nhận", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng còn nêu hàng loạt rủi ro khi uống nước cốt chanh. Đầu tiên đó là khiến men răng bị ăn mòn. Axit citric hòa tan men răng, dẫn đến ê buốt, vàng răng và sâu răng. Nguy cơ cao khi uống nguyên chất, không dùng ống hút, hoặc uống trước khi đánh răng.
Thứ hai là có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Đặc biệt với người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày. Uống khi bụng đói dễ gây ợ nóng, buồn nôn.
Thứ ba là ảnh hưởng thận, đặc biệt người bệnh thận cần hạn chế kali, có thể gặp vấn đề nếu uống quá nhiều. Một số nghiên cứu còn nghi ngờ về ảnh hưởng đến pH nước tiểu.
Bên cạnh đó, uống nước cốt chanh hằng ngày có thể gây đau nửa đầu (Migraine) do tyramine trong chanh; gây loét miệng, tăng nhạy cảm ánh nắng (nếu dùng ngoài da) do tính axit và các hợp chất nhạy cảm ánh sáng.
Đặc biệt, nước cốt chanh có thể gây tương tác thuốc, do axit citric và limonene có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc như warfarin (chống đông máu), statin (giảm mỡ máu), itraconazole (thuốc chống nấm),…
Trước đó, chia sẻ trên báo Sức khoẻ Đời sống, BS Phạm Văn Giao, Bệnh viện K khuyến cáo, "Uống quá nhiều nước chanh không phải là chìa khóa để chữa bách bệnh, mà có thể mang lại nhiều hậu quả khôn lường nếu không cẩn thận. Nếu bạn muốn tận dụng lợi ích của chanh, hãy uống một lượng vừa phải và không nên uống khi dạ dày trống rỗng".
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về sự thiếu căn cứ khoa học và những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của việc uống nước cốt chanh nhiều khi bụng rỗng, trực tiếp là gây tổn thương men răng, tăng trào ngược acid dạ dày - thực quản, làm trầm trọng thêm các vết loét dạ dày, thậm chí chảy máu dạ dày… Đối với các trường hợp có bệnh lý mạn tính, việc không đến bệnh viện khám và điều trị mà chỉ ở nhà uống nước cốt chanh sẽ gây trì hoãn việc điều trị đúng đắn, có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.