Sau khi tập cuối của Người phán xử được công chiếu vào ngày 31 tháng 8, một làn sóng cảm xúc đã quét qua cộng đồng mạng Việt Nam : đồng tình có, phản đối có, thích thú cũng có và không thiếu bức xúc…
Nhìn chung, dòng thác cảm xúc đó có thể gói gọn trong 2 chữ "tỉnh mộng". Giữa thời buổi đàn ông thích xem phim Mĩ, các chị trung niên xem phim Ấn Độ và các bạn thanh niên xem phim Nhật, Hàn… thì sự xuất hiện của một bộ phim hình sự thật hay mang mác "Made in Việt Nam" quả thực là một giấc mơ quá đẹp. Và vì thế mà bất kể bộ phim có kết thúc thế nào, sự hụt hẫng khi phải kết thúc một giấc mộng đẹp là điều khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, thông tin xác nhận sẽ có phiên bản điện ảnh đã khiến nỗi hụt hẫng mang tên "hết phim" vơi đi một chút.
Thứ hai từ phải sang: Đạo diễn Quang Huy, người sẽ "cầm trịch" phiên bản điện ảnh
Khán giả trẻ hẳn không còn xa lạ gì với đạo diễn Quang Huy. Anh là đạo diễn của những bộ phim tâm lý dành cho tuổi trẻ như Thần Tượng, Chàng trai năm ấy. Cũng chính vì thế, việc anh làm bộ phim hình sự đầu tay, mà lại là một bộ phim có cái bóng quá lớn thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Hãy cùng xét qua những điểm cần duy trì cũng như bổ sung trong công cuộc biến đổi quan trọng này của Người phán xử.
1. Duy trì những thế mạnh đã thành "thương hiệu"
Thế mạnh đầu tiên phải kể đến chính là lời thoại. Đã từ rất lâu rồi phim Việt bị mắc căn bệnh trầm kha: thoại như sách, khô khan và sáo rỗng. Những câu thoại hằng ngày thì tràn ngập những từ ngữ của văn viết, dẫu cho người nói là tên tội phạm hay một gã choai choai ít học. Những câu thoại dùng để truyền tải thông điệp thì nhát gừng và nặng nề. Nhưng Người phán xử đã vượt qua điểm yếu kinh niên này và thậm chí biến nó thành thế mạnh của mình.
Khán giả hẳn không thể quên được ngay trong tập 1 với ánh mắt nghiêm nghị, khuôn mặt đầy bá khí, Phan Quân dặn dò hai con mình "gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những cái khác có hay không có, không quan trọng".
Có thể nói câu thoại này không chỉ làm tốt việc khắc họa nhân vật, mà còn tạo nên một sức hút đặc sắc cho cả bộ phim. Nếu bạn thấy ngờ ngợ vì câu nói này, thì xin thưa, có một câu thoại khác tương tự đã làm nên một hình tượng ông trùm kinh điển :
"Một người đàn ông không dành thời gian cho gia đình thì chẳng thể nào là đàn ông đích thực"
Sẽ thật khập khiễng nếu so sánh Phan Quân và Don Corleone (phim Bố già), nhưng cũng không thể không thừa nhận, lời thoại của Người phán xử đã đạt đến đẳng cấp "đi vào lòng người". Qua những lời thoại sâu sắc và diễn xuất nhập tâm, người xem dần bị cuốn vào câu chuyện và trở nên gắn bó với nhân vật. Và đây rõ ràng là điều cần phải phát huy khi mà phiên bản điện ảnh vốn có thời lượng giới hạn.
Phan Quân và Thế Chột: hai kẻ đối lập nhưng lại bổ khuyết cho nhau.
Nhắc đến diễn xuất, thì việc duy trì hai kẻ tử địch là Phan Quân và Thế Chột trong phiên bản điện ảnh có lẽ là không phải bàn cãi. Bên cạnh một Phan Quân lão luyện, thâm trầm như một dòng nước xoáy, thì không thể thiếu một Thế Chột quyết liệt, cương mãnh như lửa. Chính vì thế, phiên bản điện ảnh có lẽ sẽ tập trung vào những ân oán tình thù lúc trẻ của bộ đôi tử địch này. Và nếu phiên bản điện ảnh có thể đan xen giữa hai phiên bản già trẻ của cặp đôi này, thì sức hút sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Một Phan Quân cáo già của Hoàng Dũng, kể về thời trai trẻ, từng sát cánh để rồi phản bội lại Thế Chột.
Một Thế Chột đầy hận thù và bạo lực của Chu Hùng, chậm rãi hồi tưởng lại những ngày huy hoàng, khi mình còn là một kẻ trên đỉnh vinh quang.
Duy trì sức hút vốn có của cặp đôi Hoàng-Chu, củng cố thêm bằng hình tượng của họ lúc trẻ, tại sao không?
Sự kết hợp Già - Trẻ luôn rất thuận lợi cho việc xây dựng nhân vật
Với sự đi lên của điện ảnh Việt trong những năm gần đây, có thể thấy việc tìm diễn viên trẻ có khả năng đảm nhận vai Phan Quân – Thế Chột là hoàn toàn khả thi.
Và một điểm cần phải phát huy mạnh hơn: sự quyết liệt trong các cảnh hành động. Lần đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia, người ta thấy được cảnh chặt tay rất ghê rợn nhưng cũng rất "đã mắt".
Hậu trường cảnh chặt tay "như thật" ở tập 1
Với việc Bộ Văn Hóa ban hành khung tuổi giới hạn cho các bộ phim, thì chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ một phiên bản tàn bạo hơn, khốc liệt hơn của Người phán xử được gắn nhãn NC-18. Nhất là khi hành động là một yếu tố không thể thiếu nếu muốn thu hút khán giả.
2. Tạo ra sức hút mới
Như đã nhắc ở trên, phiên bản điện ảnh có thời lượng rất giới hạn nếu so với phiên bản truyền hình. Điều này khiến sức ép lên đội ngũ biên kịch là không hề nhỏ. Người phán xử là một bộ phim truyền hình với tiết tấu chậm, nhiều cảnh cao trào cài cắm ở mỗi cuối tập. Và phiên bản điện ảnh sẽ phải giải quyết thật gọn gàng, súc tích, xuyên suốt trong 90 phút.
Giả dụ như một chi tiết đắt giá khi Lê Thành đâm Thế Chột, nếu lên bản điện ảnh sẽ không có hậu đài là hơn chục tập phim, mà diễn biến của nó chỉ gói gọn trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Làm thế nào để tạo ra một tình tiết hay và một bối cảnh để nâng nó lên? Câu trả lời xin dành cho đạo diễn Quang Huy vậy.
Và mặc dù sự kiểm duyệt của Bộ Văn Hóa đã thoáng hơn, thì điện ảnh Việt Nam vẫn nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bụi đời Chợ Lớn từng bị cấm vì yếu tố bạo lực và một vài tình tiết không hợp định hướng.
Bạo lực và hành động "quá đà" sẽ khiến bộ phim khó đến với khán giả
Vậy thì làm thế nào để Người phán xử có thể thỏa mãn người xem nhưng vẫn nằm trong định mức cho phép ra rạp? Đây sẽ lại là một nan đề khác dành cho đạo diễn và biên kịch. Nhất là khi một bộ phim điện ảnh về tội phạm đã được người xem mặc định nhìn nhận là: phải có bạo lực, hành động, máu me…
Có thể nói, phiên bản Người phán xử trên truyền hình đã có quá nhiều yếu tố của một bộ phim hay. Thế nên kế thừa những yếu tố đó và làm ra một phim "chấp nhận được" nhằm thu tiền vé của fan là không khó.
Nhưng trong nghệ thuật, khát khao được sáng tạo, được làm chính mình và vượt qua người tiền nhiệm có lẽ còn lớn hơn cả bài toán doanh thu. Hy vọng đạo diễn Quang Huy sẽ kéo dài thêm giấc mộng đẹp mang tên Người phán xử của những người mê phim Việt.