Ấy là vì bánh mochi có ý nghĩa văn hoá cực kì sâu sắc và quan trọng đối với người dân xứ Phù Tang. Không chỉ mang tính quan trọng "chung chung" như một món ăn chỉ đơn giản là có từ lâu về trước, mà là mỗi một mặt, một ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người Nhật đều có dính dáng ít nhiều với loại bánh này.
Ngày xưa, nếu dư dả gạo sẽ làm mochi.
Người Nhật có triết lí Mottainai, nghĩa là triết lí không lãng phí. Nếu đi ăn với người Nhật và bỏ thừa, bạn sẽ nghe họ thốt lên "mottainai", có nghĩa là "phí thế!". Đây là triết lí gắn liền với người Nhật trong các khía cạnh từ ẩm thực đến sinh hoạt, tuy nhiên hiếm ai biết nó cũng bắt nguồn từ một câu chuyện liên quan đến chiếc bánh mochi.
Chuyện xưa kể lại, có một gia đình quý tộc vì quá dư dả lúa gạo mà sử dụng gạo thừa làm thành loại bột dai dai (là bánh mochi ngày nay). Tuy nhiên thay vì ăn chúng, họ đã sử dụng bánh gạo để làm mục tiêu tập bắn cung. Điều này làm thiên nhiên và các đấng linh thiên tức giận, vì họ không tôn trọng hạt gạo, vậy nên những chiếc bánh mochi bị lấy làm bia bắn đã biến thành những chú chim màu trắng và bay lên trời. Kể từ ngày hôm đó, đồng lúa của gia đình này không còn trổ bông nữa, khiến cả gia tộc suy tàn.
Vào năm mới, trên mâm cỗ Tết của người Nhật hầu như luôn có một chiếc mochi gọi là Kagami mochi. Xét về ý nghĩa và giá trị văn hoá, kagami mochi cũng giống như bánh chưng, bánh tét của người Việt Nam vậy. Kagami mochi có hình dạng như người tuyết, với chiếc bánh mochi tròn và to ở dưới, chính giữa đặt chiếc mochi bé hơn, trên cùng sẽ có một quả quýt daidai. Trong đó, hai chiếc mochi tượng trưng cho cân bằng âm dương, trong khi quả quýt daidai tượng trưng cho gia tộc, gia đình.
Kagami mochi ở Nhật mang ý nghĩa linh thiêng hơn chỉ là một món bánh cúng, bởi vì họ tin rằng vào dịp tết, thần may mắn Toshigami sẽ ghé thăm và nhập vào chiếc bánh mochi này.
Ý nghĩa chiếc bánh mochi cũng được thể hiện qua các truyền thuyết ấu thơ của người Nhật.
Ở Nhật, mochi, thỏ và Mặt trăng có mối quan hệ mật thiết. Tsuki no Usagi (Thỏ cung trăng) là cụm từ được nhiều người biết đến ở Nhật Bản, nhờ vào một câu chuyện trong tập hợp những giai thoại xa xưa gọi là Konjaku Monogatari, bao gồm những sự tích từ thời Heian.
Chuyện kể về một chú thỏ tốt bụng hi sinh thân mình để cứu một cụ già. Cụ già này hoá ra là thần, cảm động trước tấm lòng chú thỏ nên đã khắc hình của chú lên mặt trăng. Cũng có phiên bản kể lại rằng ông đã đưa chú thỏ lên cung trăng sống cùng mình, kể từ đó, gia đình thỏ vào trung thu hằng năm đều cùng nhau giã bánh giày (bánh mochi). Những chiếc mochi này có tên là tsukimi mochi, có hình dạng viên tròn như mặt trăng, thường được bày trên mâm cỗ cúng trung thu của người Nhật.
Làm bánh mochi trong lễ hội ở một đền Nhật Bản.
Đối với người Nhật, mochi không chỉ là thức ăn, nó là nguồn cội của inadama (稲魂), dịch sát nghĩa là "linh hồn sống trong hạt gạo". Là một quốc gia có văn hoá lúa nước, người Nhật xem gạo gần như thần thánh và mang trong lòng kính trọng tột bật với loại thực phẩm này. Họ tin rằng inadama trong bánh mochi có thể mang lại sinh lực và sức sống cho những ai ăn nó một cách trân trọng. Chính vì vậy mà mochi trở thành món bánh trong các dịp quan trọng của người Nhật, cho dù có đang là mùa nào đi chăng nữa.