Thời gian qua, bất chấp giá vàng biến động mạnh, liên tục cán các mốc kỷ lục mới, nhu cầu đầu tư và mua vàng của người dân vẫn có xu hướng tăng mạnh. Thậm chí, mặt hàng vàng nhẫn đã trong tình trạng "cháy hàng" tại nhiều cửa hàng do lượng cầu tăng đột biến.
Trước biến động này, cùng khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá thế giới, NHNN liên tục đưa ra các đề xuất, giải pháp để quản lý thị trường. Ngoài đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, mới đây, NHNN đã chính thức thông báo về việc tiến hành đấu thầu vàng miếng vào thứ hai tới, tức ngày 22/4, để tăng cung cho thị trường.
Việc giá vàng biến động mạnh như vậy chỉ trong vòng 1 tuần qua, cùng với sự can thiệp mạnh mẽ từ cấp chính quyền, nhiều người mua/đầu tư vàng đối mặt nguy cơ rủi ro cao, thậm chí lỗ tới cả triệu đồng chỉ trong 1 phiên.
Điển hình với chị Nguyễn Minh Thu (38 tuổi, Q. Đống Đa, Hà Nội), do mua đuổi vàng vào đợt tăng đỉnh vài ngày trước khoảng 78 triệu đồng/lượng vàng nhẫn, với 10 chỉ vàng nhẫn mua vào.
Tính đến hôm nay chị đã lỗ khoảng 3 triệu đồng, chị Thu bày tỏ nỗi lo lắng: "Sau tin đấu thầu, giá vàng đã hạ xuống cả triệu đồng so với lúc đỉnh, do cũng ham lãi cộng với xu hướng đám đông nên tôi cũng ham gom thêm cả vàng nhẫn lẫn vàng miếng. Nghe đâu, giá vàng có thể về gần với giá thế giới sau đấu thầu, như vậy tôi sẽ lỗ nặng. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ trong tương lai dài, giá vàng vẫn sẽ tăng cao".
Chị Huyền (bìa phải) quyết định đi bán bớt lượng vàng đang nắm giữ. Ảnh: Minh Anh
Đầu tư/mua vàng hơn 15 năm qua, chị Lê Thanh Huyền (45 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) nhanh chóng bán bớt vàng sau khi nhớ lại thời điểm vàng được đấu thầu vào 11 năm trước: "Đầu tư vàng đã lâu, là một trong những kênh đầu tư tôi ưu tiên hàng đầu nên tôi khá lo rằng giá vàng sẽ hạ mạnh sau khi đấu thầu. Do đó tôi quyết định bán bớt vài lượng vàng để hạn chế rủi ro".
Được biết, năm 2013, NHNN từng sử dụng giải pháp này với hàng chục phiên, Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Trải qua những lần tăng giảm chóng mặt với biên độ cao tới cả triệu đồng, giá vàng hiện đang giao dịch ổn định tại ngưỡng cao sau thông tin đấu thầu của NHNN.
Hiện tại, giá vàng SJC giao dịch tại 81,8 - 83,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Vàng nhẫn có mức giá tại 75,36 – 77,06 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng thế giới cũng có diễn biến tương tự với 2.389 USD/ounce, tương đương 73,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC và vàng nhẫn lần lượt 10,7 triệu, 4 triệu đồng.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại
Nguồn: Kitco
Trước tâm lý lo lắng này của khách hàng, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trở nên "yên ắng" hơn, chỉ một số người có nhu cầu tới mua thêm vài chỉ vàng, còn một bộ phận khác tới bán vàng.
Chị Trần Kim Oanh (53 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) chủ một tiệm vàng ở phố Trường Chinh (Hà Nội) chia sẻ: "Thời gian qua, vàng tăng nóng nên cũng không tránh được rủi ro chính sách can thiệp, nhưng với thông tin đấu thầu vàng khiến tôi khá lo giá vàng sẽ xuống thấp, điều này ảnh hưởng ít/nhiều đến việc kinh doanh của tôi, bởi lượng khách tuần này đã giảm đáng kể, mỗi ngày chỉ khoảng chục khách tới mua vàng nhẫn hoặc trang sức".
Tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024", TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, nguyên nhân chính cho sự chênh lệch giá quá cao đến từ việc vàng SJC độc quyển về xuất khẩu và không xuất, nhập khẩu vàng thời gian qua đã khiến giá vàng trong nước tăng cao so với thế giới.
Do vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc đấu thầu vàng chỉ mang yếu tố giải quyết vấn đề ngắn hạn, còn trong trường hợp giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng thì giá vàng trong nước cũng sẽ quay đầu tăng trở lại.
Trao đổi với báo PNVN, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM cho biết thêm, NHNN có thể xem xét không cấp xuất nhập vàng để hạ nhiệt cho vàng bởi vàng không phải mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, ngoài ra, điều này còn giúp hạn chế được nạn buôn lậu vàng. Nhưng giải pháp này còn tồn tại một số hạn chế, bởi không có chính sách nào là tối ưu.