Chủ đề mà nhiều mẹ bỉm sữa thích trò chuyện nhất chính là các vấn đề liên quan tới con cái. Có lẽ với nhiều bậc cha mẹ, đây là cách mà họ thể hiện sự quan tâm của mình đối với con. Tuy nhiên, nếu người mẹ cứ lấy con mình ra làm chủ đề để trò chuyện với người khác, về lâu dài sẽ dẫn tới một số tình huống không mấy vui vẻ.
Nếu là một người mẹ khôn ngoan, họ sẽ không bao giờ đề cập 3 điều dưới đây:
Cách đây vài ngày, anh Trần (Trung Quốc) về quê dự tiệc sinh nhật lần thứ 90 của bà mình, trên bàn ăn đã xảy ra một cảnh tượng vô cùng xấu hổ.
Trong bữa ăn, chị họ anh nhắc đến kết quả thi thử của con trai, liên tục khen ngợi con trai đã làm bài thi tốt và đứng top 10 của lớp.
Nghe chị họ nói, họ hàng và bạn bè đều gật đầu tán dương đứa cháu có tiềm năng vào một trường đại học danh giá. Thấy có người quan tâm, cô bắt đầu nói không ngừng về con trai mình. Đúng lúc này, đứa con trai đột ngột đứng dậy, nói với mẹ với vẻ mặt không hài lòng: "Mẹ đừng có đem điểm số của con ra khoe với mọi người nữa được không".
Thấy vậy, người chị họ phản bác lại: "Con thi tốt, điểm cao vậy thì để mẹ kể cho mọi người nghe. Chuyện này có gì mà xấu hổ chứ".
Lần này cậu bé hét lên: "Đó là điểm của con chứ không phải của mẹ. Lần nào mẹ cũng chỉ biết nói về điểm này nọ, mẹ không thấy mọi người chán ghét lắm sao".
Nói xong, đứa cháu của anh Trần lao ra khỏi cửa.
Chị họ anh Trần không hiểu tại sao khi nhắc tới thành tích của con cái ở nơi có nhiều người lại khiến con phản kháng và bất mãn như vậy.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu chị họ anh Trần khoe khoang điểm số của con mình. Ở góc độ tâm lý học, nếu một người thích khoe khoang thành tích, điểm số của con cái, chứng tỏ họ cần thỏa mãn lòng kiêu hãnh của bản thân.
Tuy nhiên, bất kể động lực tâm lý nào, việc thường xuyên nhắc đến điểm số của trẻ ở nơi công cộng sẽ gây ra tác hại lớn.
Một mặt, trẻ dễ xấu hổ khi cha mẹ khoe khoang ở nơi công cộng, để duy trì cảm giác vượt trội này, chúng cần phải cố giữ vững phong độ nên sẽ bị áp lực. Mặt khác, một số trẻ có thể dần dần hình thành tính tự mãn, kiêu ngạo trước những lời khen của người khác.
Nghiên cứu tâm lý cũng đã chứng minh rằng, việc chú ý quá nhiều đến thành tích của trẻ và thường xuyên nhắc đến những thành tích của trẻ thường không có lợi cho sự phát triển thể chất và tinh thần của chúng, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái.
Có một người mẹ họ có cậu con trai học lớp 5. Một ngày nọ, cô xem lại những bức ảnh cũ, thấy đứa con "tè dầm" khi còn nhỏ. Ban đầu, người nhà chỉ biết về những bức ảnh riêng tư này. Không ngờ, trong buổi họp phụ huynh, người mẹ này trò chuyện cùng các phụ huynh khác và thoải mái chia sẻ hình ảnh con trai tè dầm khi còn nhỏ.
Sau đó, hình ảnh xấu hổ này không hiểu sao lan rộng ra khắp lớp, cậu bé đi học bị bạn chọc tới mức không muốn đến trường nữa.
Nhưng điều bức xúc là dù con có ý định bỏ học nhưng người mẹ vẫn cảm thấy mình chẳng làm gì sai cả, chỉ thấy vui thôi chứ không nghiêm trọng đến mức đó.
Trên thực tế, suy nghĩ của người mẹ này rất phổ biến trong nhiều gia đình. Họ nghĩ con cái còn nhỏ nên chưa biết gì, thản nhiên đem những chuyện xấu hổ của con ra kể cho người khác nghe. Thế nhưng, trẻ em cũng như người lớn cũng có cảm giác xấu hổ và lòng tự trọng.
Vì vậy, về vấn đề này, cha mẹ phải thay đổi suy nghĩ, đối xử với con như người lớn, tôn trọng và thấu hiểu, không công khai, không chia sẻ những điều đáng xấu hổ của con mình.
Có một người mẹ ở Trung Quốc lên mạng hỏi ý kiến của cư dân mạng rằng, cô chỉ kể với họ hàng về kế hoạch học lên thạc sĩ của con gái mình. Cô không hiểu tại sao khi người thân hỏi về dự định tương lai của con cô, con cô lại tỏ thái độ rất bức xúc và tức giận đến vậy.
Thực ra, lý do rất đơn giản, chỉ cần đặt mình vào vị trí của người con gái, chúng ta có thể hiểu được cô đang phải chịu đựng những gì. Việc ôn thi lên thạc sĩ phải chịu nhiều áp lực, cô không ngờ người mẹ lại đem chuyện đó ra kể cho họ hàng nghe.
Kết quả là trong vòng 2 ngày, gần như tất cả người thân ở nhà đều biết chuyện. Họ hàng lần lượt điện thoại cho cô, có người hỏi thăm, có người góp ý. Trong thời gian đó, cô bận rộn với đủ thứ, còn phải giải quyết những thắc mắc, cuộc gọi từ người thân.
Nhiều khi một lời "nhận xét vô tình" của cha mẹ trước mặt người ngoài có thể mang đến áp lực rất lớn cho con cái.
Trên thực tế, khi cha mẹ kể cho người khác biết con mình đang làm gì, điều đó sẽ gây áp lực rất lớn cho con cái, bởi vì nhiều việc có thể không thành công nếu chỉ dựa trên sự chăm chỉ.
Điều cha mẹ nên làm là không đem những dự định của con mình ra kể cho người khác nghe, tốt nhất cứ để mọi thứ diễn ra trong âm thầm, khi nào đạt được thành công hãy thông báo cho mọi người biết.