Với phần lớn những bạn trẻ mới đi làm, 8-10 triệu là mức lương khởi điểm phổ biến. Đương nhiên vẫn sẽ có những trường hợp ngoại lệ, lương khởi điểm cao hơn dù kinh nghiệm chưa thể bằng thế hệ nhân sự Senior. Nhưng ngoại lệ thường là “số hiếm”, không phải số đông.
Mà đã đi làm, chắc chắn chẳng ai muốn bản thân dậm chân mãi ở mức lương khởi điểm 10 triệu quay đầu. Thế mới sinh ra thắc mắc: Ngoài kia người ta làm sao để kiếm được 50-60 triệu/tháng nhỉ?
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân, một bạn trẻ sinh năm 2000 đã tâm sự rằng cảm thấy cuộc sống bấp bênh, vì thu nhập chỉ ở mức 7-8 triệu/tháng. Sau đó, bạn đặt ra câu hỏi: “Các anh chị trong nhóm làm sao để có mức thu nhập 50-60 triệu/tháng vậy ạ?”.
Có lẽ đây là thắc mắc chung của không ít người (Ảnh chụp màn hình)
Trong phần bình luận của bài đăng, có người thẳng thắn chia sẻ rằng thu nhập chừng đó thì ít nhất cũng phải làm 2 công việc cùng lúc. Cũng có người thừa nhận nếu đã lên các cấp quản lý, thì lương 50-60 triệu/tháng là chuyện dễ hiểu.
Dù mỗi người một câu trả lời, nhưng tất cả đều có 1 điểm chung: Phải nổi bật, hoặc chí ít là cũng phải “vững nghề” trong chính lĩnh vực của mình!
Nghề nào cũng có người thu nhập 50-60 triệu/tháng, thậm chí còn cao hơn. Quan trọng không phải là làm nghề gì, mà là bản thân có đủ giỏi hay không! (Ảnh chụp màn hình)
Nhìn lại bối cảnh thị trường việc làm trong khoảng 3-4 năm gần đây, chúng ta phải thừa nhận một sự thật: Giữ được việc đã khó, kiếm thêm việc tay trái để tăng thu nhập còn khó hơn. Mức thu nhập trên 50 triệu/tháng cũng khó theo, vì đâu đâu cũng thấy cắt giảm nhân sự.
Nhưng song song với đó, vẫn có những người không những không bị sa thải mà còn được thăng chức, tăng lương; vẫn có những người đang duy trì được 2-3 nguồn thu nhập cùng lúc.
Điểm khác biệt giữa 2 nhóm người này, không cần nói cũng biết chính là năng lực. Thị trường việc làm “co hẹp” có thể là khó khăn với những người mà năng lực chỉ ở mức “làng nhàng”, nhưng lại là cơ hội với những người có năng lực nổi bật. Việc này, bạn cứ thử đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng, là sẽ hiểu ngay.
Một người phải cầm tay chỉ việc, chưa chịu suy nghĩ đã cất tiếng hỏi, tìm sự trợ giúp, với một người có khả năng thích ứng nhanh, chủ động tư duy và có kỹ năng xử lý công việc tốt, nếu là nhà tuyển dụng, bạn sẽ chọn người nào?
Đây là điều mà nhiều người thường mặc định, tin là đúng: Giỏi kỹ năng chuyên môn thôi là đủ rồi! Đương nhiên, nghiệp vụ tốt là điều đáng ghi nhận nhưng một nhân sự có năng lực, việc chỉ giỏi mỗi kỹ năng nghiệp vụ thôi là chưa đủ để thăng tiến nhanh, trong cả sự nghiệp lẫn vấn đề thu nhập, lương thưởng.
1 - Kỹ năng giao tiếp tốt
Một nhân sự giỏi kỹ năng nghiệp vụ nhưng lại không thể truyền đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng, không thể lắng nghe đồng nghiệp hay cấp trên một cách hiệu quả, thì cũng khó mà phát huy hết tài năng.
Trong môi trường làm việc hiện đại, các dự án thường đòi hỏi sự phối hợp liên phòng ban, làm việc nhóm, và trao đổi thông tin liên tục. Một nhân sự có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ dễ dàng xây dựng mối quan hệ bền chặt với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng.
Ảnh minh họa
Họ có thể giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp, trình bày ý tưởng một cách cuốn hút và tạo được sự đồng thuận. Họ là người có thể kết nối mọi người lại với nhau, biến những ý tưởng rời rạc thành hành động cụ thể, và đảm bảo mọi người cùng nhìn về một hướng.
Ngược lại, việc giao tiếp kém hiệu quả có thể dẫn đến hiểu lầm, lãng phí thời gian, và thậm chí là những xung đột không đáng có, làm giảm hiệu suất làm việc chung.
2 - Tinh thần cầu tiến, không ngại học hỏi
Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, một phần vì những biến động trong thị trường việc làm, một phần vì sự xuất hiện của AI. Những kiến thức và kỹ năng "hot" ngày xưa có thể đã lỗi thời ngay lúc này.
Chính vì vậy, một nhân sự có năng lực là người không ngừng học hỏi và chủ động nâng cấp bản thân. Họ không chờ đợi được đào tạo, không hài lòng với những gì mình đã biết, mà luôn khao khát tìm tòi, khám phá những kiến thức mới, những công nghệ mới, và những phương pháp làm việc hiệu quả hơn.
Song song với đó, họ có tinh thần cầu tiến, sẵn sàng đón nhận những thách thức mới và coi đó là cơ hội để phát triển.
Ảnh minh họa
Cùng là “1 đề bài khó” được cấp trên giao, người có tinh thần cầu tiến sẽ nghĩ đây là cơ hội để phát triển tư duy, phát triển kỹ năng và chứng minh năng lực bản thân; còn người “ngại việc” lại chỉ thấy rằng sếp giao việc không hợp lý, thầm bĩu môi, hằn học trong lòng.
3 - Tư duy nhạy bén
Một người có năng lực chắc chắn không thể là một người thiếu tính nhạy bén trong cách tư duy, nhìn nhận vấn đề. Họ không chỉ làm theo những gì được giao mà còn biết cách đặt câu hỏi, đưa ra những góc nhìn mới và tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất.
Tư duy nhạy bén thể hiện ở khả năng nhìn thấy mối liên hệ giữa các vấn đề tưởng chừng không liên quan, dự đoán được những rủi ro tiềm ẩn, và nắm bắt những cơ hội mới.
Trong thị trường việc làm đầy biến động, một nhân sự có tư duy nhạy bén chính là "la bàn" của đội nhóm, hay nói rộng ra là của cả doanh nghiệp. Vì nếu ai cũng đi theo những lối mòn, kết cục cuối cùng thường khó lòng mĩ mãn.