Hiện nay nhiều ý kiến vẫn cho rằng người hướng nội đồng nghĩa với việc ngại giao tiếp, nhút nhát. Tuy nhiên có lẽ quan điểm này chưa đúng, thực tế người hướng nội chỉ là một khuynh hướng sống cá nhân hướng về tâm hồn nhiều hơn và có ít xu hướng hòa nhập với đám đông. Không nói nhiều không có nghĩa là khó giao tiếp, chỉ là người hướng nội thích quan sát và lắng nghe hơn. Những người này thường có cách sống chú trọng về bản thân và không bị tác động quá nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Có đồng nghiệp là người hướng nội thật ra không khó nói chuyện như nhiều người vẫn nghĩ, chỉ là chưa đến thời điểm và hợp chủ đề để họ bắt chuyện cùng bạn.
Một kiểu người có khuynh hướng thích lắng nghe và quan sát đôi khi sẽ bị hiểu lầm là không biết cách nói chuyện. Một người ít nói chuyện trước đám đông, không có nghĩa là họ nói không hay, ngược lại có người còn ăn nói khá trôi chảy, lập luận vững vàng.
Anh Hoàng Long
"Một người đồng nghiệp hướng nội từng khiến mình bất ngờ vì khả năng phản biện chặt chẽ của bạn ấy trong cuộc họp. Hóa ra bạn quan sát và lắng nghe vô cùng kĩ lưỡng, nên nắm bắt được cốt lõi của vấn đề rất nhanh. Những buổi nói chuyện đông thành viên bạn ấy ít khi mở lời vì cảm thấy không cần thiết phải tham gia vào cuộc trò chuyện có chủ đề mà mình không quan tâm, hoặc không liên quan đến mình. Một lần mình vô tình nhắc đúng chủ đề yêu thích, người bạn đồng nghiệp thường ngày im lặng của mình nói rất nhiều, thậm chí còn biết rất rõ về chủ đề đó" - Anh Hoàng Long.
Chị Thanh Trâm chia sẻ: "Đã từng có thời gian mình bị đồng nghiệp trong công ty ít giao tiếp cùng vì thấy mình hay im lặng, chỉ ngồi làm việc một mình, là họ muốn để cho mình không gian riêng, ngại làm phiền. Thật ra thì khi mới vào công ty mình chưa biết phải bắt chuyện gì đầu tiên vì chưa hiểu về ai cả, cũng chẳng biết mọi người quan tâm vấn đề gì nên chủ yếu thời gian đầu mình sẽ quan sát và lắng nghe mọi người nhiều hơn. Mình lắng nghe nên luôn hiểu được mỗi người có tính cách như thế nào, thích gì và ghét gì".
Thích quan sát cũng là một thế mạnh của người hướng nội mà khá ít người nhận ra. Thói quen quan sát giúp họ tìm hiểu một vấn đề chi tiết và đưa ra cách giải quyết tốt nhất. Đặc biệt là trong công việc cần sự nhạy bén trong các tình huống và đưa ra hướng xử lý kịp thời.
"Nếu đồng nghiệp ngỏ lời cần giúp đỡ, mình sẽ giúp hết mình. Và nếu họ chủ động bắt chuyện, mình không bao giờ trả lời qua loa. Mình không thích tụ họp đám đông, thoải mái khi ở một mình, nhưng không đồng nghĩa mình 'bài trừ' tập thể" - Anh Hữu Thuận.
“Có trường hợp các nhà tuyển dụng hơi ái ngại khi tuyển người hướng nội. Mình đã từng nhận được câu hỏi khi phỏng vấn là liệu tính cách ngại giao tiếp của mình có hòa đồng được với đồng nghiệp công ty họ và phối hợp làm việc tốt hay không. Thế nhưng có tính cách hướng nội và chuyện không hòa đồng là một phạm trù hoàn toàn khác nhau. Mình ngại những buổi tụ tập sau giờ làm vì bản thân rất dễ mất năng lượng và mệt mỏi khi về nhà, còn trong công ty mình vẫn cởi mở trong những cuộc nói chuyện, bàn bạc với đồng nghiệp, thậm chí mình còn được nhận xét là người khá tâm lý, vì nhớ hết các điều nhỏ nhặt của từng người" - Anh Minh Thành chia sẻ.
Ảnh minh họa - Nguồn: pexels
Đây là hai phạm trù khác nhau - tính cách và kỹ năng. Kỹ năng giao tiếp cho thể được rèn luyện qua từng ngày, không thể cho rằng người hướng nội ít nói vì họ yếu giao tiếp.
"Giao tiếp theo mình nghĩ đấy là một kỹ năng mà tất cả mọi người đều có thể học tập và trau dồi. Điều này không liên quan đến việc bạn có phải là người hướng nội hay không. Ít nói, lạnh lùng, khó gần... đây không phải là những yếu tố mà người hướng nội nào cũng có. Bản thân mình làm trong ngành truyền thông, hằng ngày đều phải tiếp thu những cái mới và gặp gỡ đối tác khá nhiều, kĩ năng giao tiếp mình cũng tốt, nhưng điều này không khiến cho mình trở thành người hướng ngoại. Thực tế sau giờ làm, mình vẫn dành thời gian riêng cho bản thân để phục hồi năng lượng và chỉ giao tiếp khi cần" - Chị Phương Ngân chia sẻ.
"Là một người khá thẳng thắn trong việc đưa ra góp ý trong công ty nên ai cũng nghĩ mình là một người hướng ngoại. Tuy nhiên, nếu ai thực sự thân mới biết được rằng mình là một người hướng nội 100%. Kỹ năng giao tiếp luôn được mình trau dồi từ khi đại học cho đến khi đi làm vì mình cho rằng đây là điều quan trọng để giúp thăng tiến sự nghiệp. Thực tế, mình không phải là người thích nói chuyện với người khác nhiều, mình vẫn đi xem phim mình thích, đi ăn những món mình yêu một mình mà không cần sự đồng lòng của ai" - Chị Bảo Trân.
Chị Bảo Trân
Tuy dân văn phòng hướng nội không gặp khó khăn trong giao tiếp, khó hòa nhập... trong công việc như mọi người vẫn nghĩ nhưng họ lại có một số trở ngại khác về tinh thần.
"Việc phải giao tiếp quá nhiều người, liên tục trong nhiều ngày nhiều giờ khiến mình dễ bị hao tổn năng lượng và cần 'healing' ngay. Vì vậy khi về đến nhà, mình sẽ dành thời gian ở một mình để phục hồi năng lượng, ít ra ngoài để dành năng lượng cho ngày hôm sau. Nếu đối với người khác chuyện tiếp xúc, làm quen với nhiều người một ngày là chuyện bình thường thì mình lại cảm thấy đang bị gồng quá sức. Mình cố gắng cân bằng theo cách sau giờ hành chính ít khi nào để công việc chiếm đến thời gian nghỉ ngơi hiếm có" - Chị Bảo Trân chia sẻ.
Anh Văn Hoàng khá đồng cảm: "Trong công việc hằng ngày mình sẽ rất dễ lâm vào tình trạng hụt năng lượng, không ít thì nhiều. Vì công việc ngoài 8 giờ mỗi ngày, mình còn phải giải quyết sau giờ làm cùng đồng nghiệp bằng hình thức online. Một số lần lên công ty mình bị chơi vơi trong núi công việc và không biết phải xử lý như thế nào. Không phải mình là người không sắp xếp được, chỉ là bị mất đi năng lượng và không thể tiếp tục làm việc".
Chị Phương Ngân
Vì tính cách đặc trưng thích làm việc một mình nên người hướng nội đôi lúc sẽ phải gò ép bản thân hoạt ngôn để làm việc dễ hơn. Và họ luôn hiểu rằng làm việc nhóm thực chất là một kỹ năng cần thiết trong thời đại hiện nay, bất kì ai cũng nên cải thiện và trau dồi.
“Mình thấy đa phần công ty nào cũng cần phải làm việc nhóm và kỹ năng làm việc nhóm của mình cũng không quá tệ. Tuy nhiên mình vẫn tồn tại một áp lực khi phải cố gắng hiểu nhiều người, giao tiếp và 'ở giữa' đám đông. Mình là một người sẽ làm tập trung tốt hơn khi làm việc yên tĩnh một mình nhưng tính chất công việc buộc phải trao đổi, tranh luận cùng đồng nghiệp. Thế nên tính cách này cũng gây cho mình một số trạng thái tiêu cực đối với công việc hiện tại” - Chị Phương Ngân chia sẻ.
Mặc dù người hướng nội rất thoải mái với chuyện tách biệt với mọi người, cũng như rất biết cách phân định giữa cuộc sống và công việc. Tuy nhiên vì đặc thù tính cách, họ đôi khi cần phải nỗ lực để hưởng ứng những hoạt động ngoài công việc.