Hầu như sau mỗi lần nấu cơm, chúng ta sẽ nghĩ rửa sạch lõi nồi là đủ, hoặc cẩn thận hơn thì lau thêm xung quanh phần thân nồi. Thế nhưng sau hơn 10 năm sử dụng nồi cơm điện, một người dùng Trung Quốc đã chỉ ra kinh nghiệm giữ nồi cơm lâu bền, đồng thời giảm thiểu đáng kể lượng tiêu thụ điện, đó là kinh nghiệm lau chùi "đúng nơi đúng chỗ".
Mâm nhiệt và đáy nồi
Dưới đáy nồi cơm điện có một tấm gia nhiệt gọi là mâm nhiệt. Sau một thời gian sử dụng, mâm nhiệt và đáy nồi thường sẽ bị bám một lớp cặn bẩn và mảng cháy. Cặn bẩn có thể là do tinh bột từ gạo, dầu mỡ từ thức ăn rơi vãi hay thậm chí là bụi bẩn trong không khí. Lớp cặn này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của cơm mà còn khiến hiệu suất hoạt động của nồi cơm điện kém hơn.
Có thể hiểu là lớp bẩn làm giảm khả năng tiếp xúc trực tiếp giữa mâm nhiệt và đáy nồi khiến quá trình truyền nhiệt lâu hơn, dẫn đến cơm mất nhiều thời gian để nấu chín. Từ đó nồi cũng phải tiêu thụ nhiều điện năng hơn bình thường.
Mặt khác, mâm nhiệt hoạt động không hiệu quả thì các bộ phận khác của nồi cơm điện như bộ điều chỉnh nhiệt độ cũng phải tăng công suất để bù đắp. Điều này không chỉ tiêu tốn thêm điện mà còn làm giảm tuổi thọ của nồi cơm điện.
Để làm sạch bộ phận này, bạn có thể tham khảo 2 cách sau:
- Cách 1: Chuẩn bị một khăn lau, một chai cồn nhỏ và một ít baking soda. Bạn trộn đều cồn và baking soda rồi dùng khăn lau thấm vào hỗn hợp này để làm sạch mâm nhiệt.
Sau khi lau sạch, bạn dùng khăn khô để lau lại 1 lần nữa. Lưu ý nên vệ sinh thật kỹ phần giữa mâm nhiệt của nồi cơm điện vì cặn bẩn bám ở đây khá nhiều nhưng không dễ thấy.
- Cách 2: Dùng bàn chải đánh răng và kem đánh răng chà sạch mâm nhiệt.
Sau đó, bạn dùng khăn lau sạch. Nhớ ngắt nguồn điện để tránh bị điện giật nhé.
Nắp trên và lỗ thông hơi
Khi dùng nồi cơm điện để nấu cơm liên tục, hoặc sau vài lần nấu cháo, phần nước cơm/cháo sẽ tràn lên hết nắp trên. Nếu không được vệ sinh kịp thời, lâu ngày nồi cơm điện sẽ có mùi hôi thiu.
Đồng thời, vì lỗ thông hơi trên nắp nồi cơm điện có chức năng giải phóng áp suất và hơi nước dư thừa trong quá trình nấu nên một khi bị tắc, hơi nước sẽ bị tích tụ lại bên trong nồi. Điều này có thể làm tăng áp suất bên trong, khiến nồi phải điều chỉnh nhiệt độ liên tục để đảm bảo cơm chín đều. Việc điều chỉnh liên tục lại khiến nồi tiêu tốn nhiều điện hơn.
Khi hơi nước không thể thoát ra và ngưng tụ trên nắp nồi rồi lại nhỏ giọt xuống dưới, phần gạo bên dưới sẽ bị ướt, từ đó lại buộc nồi mất thêm thời gian hơn để nấu chín. Đây cũng là 1 trong những nguyên do gây tốn điện. Chưa kể các bộ phận khác cũng có thể bị "vạ lây", hư hỏng.
Cách làm sạch nắp nồi rất đơn giản. Bạn có thể tham khảo 3 phương pháp:
- Cách 1: Dùng khăn lau thấm giấm trắng để lau lỗ thông hơi, sau đó dùng tăm bông lau sạch vết cơm bám sâu bên trong các lỗ.
- Cách 2: Dùng khăn ướt nhúng vào baking soda hoặc kem đánh răng để lau chùi, lau vài lần lên những chỗ bị ố vàng để làm sạch.
Bên ngoài lòng nồi
Khi nhấc phần lõi nồi bên trong lên, bạn sẽ thấy có nhiều vệt nâu ở bên ngoài nồi. Đây thực chất là những vết bẩn được hình thành khi nấu cơm.
Những đốm nâu này có thể làm giảm khả năng dẫn nhiệt. Kết quả là nồi cơm khi nấu sẽ nóng không đều, ảnh hưởng đến chất lượng cơm cũng như khiến điện năng tiêu hao nhiều hơn.
Vậy nên mỗi khi rửa nồi bạn cũng đừng bỏ qua khu vực này. Nếu lõi nồi nhà bạn đã "lỡ" bám nhiều vết bẩn thì chỉ cần đổ một ít baking soda vào nước rửa bát hoặc pha muối ăn với nước ấm, sau đó dùng khăn thấm vào hỗn hợp rồi cọ rửa sạch bên ngoài là xong.
Nguồn: Aboluowang