Khảo sát được thực hiện trên 800 người dùng khác nhau, bắt đầu với những câu hỏi đơn giản như tần suất mở kho ứng dụng trên điện thoại là bao nhiêu.
Cụ thể hơn, 20% người dùng iOS truy cập App Store mỗi ngày và 32% truy cập mỗi tuần. Với Android, con số trên lần lượt là 9% mỗi ngày và 21% mỗi tuần. Sự chênh lệch này được giải thích là do tất cả iPhone đều bán ra với các thành phần cao cấp, khả năng hoạt động ứng dụng là như nhau còn với Android, những dòng máy rẻ tiền có thể không tận dụng được toàn bộ ứng dụng trên Play Store khiến người dùng ít truy cập kho ứng dụng hơn.
Tiếp theo là việc tìm kiếm ứng dụng, 17% người khảo sát sử dụng công cụ tìm kiếm có sẵn, và chỉ có 1/3 người tìm được ứng dụng cần tìm. Số còn lại tìm ứng dụng bằng các bộ máy tìm kiếm. Khá thú vị khi Google sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để đưa ra kết quả được cá nhân hóa cho mỗi người.
Khi đã tìm được ứng dụng ưa thích, người dùng sẽ quyết định xem có nên tải xuống hoặc bỏ tiền mua hay không. Với Android, 44% quyết định tải về dựa trên đánh giá (review), trong khi đó 38% người dùng iOS dựa trên tính năng mà ứng dụng cung cấp.
Riêng với ứng dụng trả phí, giá tiền là thứ quan trọng nhất. Hầu hết người dùng đều có đủ tiền trả và sẵn sàng chi thêm cho các tính năng nâng cao. Những yếu tố còn lại như đánh giá từ người dùng không còn quan trọng nữa.
Với dạng ứng dụng cho tải miễn phí nhưng bắt trả tiền để bỏ quảng cáo hoặc mở thêm tính năng. 56% người dùng iOS và 64% người dùng Android đều nhận thức điều này và không có cảm giác "bị lừa". Nếu lựa chọn giữa trả tiền thuê bao hàng tháng và "mua đứt" 1 lần, đa số chọn giải pháp thứ 2 (54% trên iOS và 47% trên Android). 38% người dùng Android sẵn sàng trả tiền để bỏ quảng cáo trong ứng dụng, còn với iOS thì chưa đầy 8%.
Nhưng sự khác biệt lớn nhất chính là số ứng dụng trả tiền mà họ có. Với iOS, gần một nửa (45%) cho biết thiết bị của họ có nhiều hơn 5 ứng dụng trả phí, còn trên Android chỉ là 19%.
Theo PhoneArena, con số trên không quá ngạc nhiên bởi iPhone là thiết bị đắt tiền. Khi bỏ ra hơn 20 triệu, việc chi vài trăm ngàn cho một ứng dụng đương nhiên không "xót" bằng mua ứng dụng với cùng giá tiền nhưng trên chiếc điện thoại vài triệu đồng.
Điều đó cũng góp phần khiến người dùng iOS ít khi chuyển sang Android do họ đã đầu tư nhiều vào ứng dụng trả phí trên hệ sinh thái của Apple.