Người dùng cần cảnh giác trước các chiến dịch lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp nghỉ lễ

M.T, Theo ICTNews 15:41 01/05/2021
Chia sẻ

Để đảm bảo an toàn cho tài sản, tránh bị lừa đảo trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, chuyên gia NCSC khuyến nghị người dùng một số biện pháp như: không bấm vào các link lạ, xác thực khi nghi ngờ tài khoản hoặc số điện thoại là giả mạo…

Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ( NCSC ) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, lợi dụng nhu cầu giao dịch, thanh toán trực tuyến gia tăng trong các dịp nghỉ lễ, các nhóm tội phạm mạng thường thực hiện tấn công người dùng tại Việt Nam bằng nhiều chiến dịch lừa đảo trực tuyến.

Người dùng cần cảnh giác trước các chiến dịch lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp nghỉ lễ - Ảnh 1.

Lợi dụng nhu cầu giao dịch, thanh toán trực tuyến gia tăng các dịp nghỉ lễ, các nhóm tội phạm mạng tấn công người dùng bằng nhiều chiến dịch lừa đảo trực tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)

Thời gian gần đây, đã tiếp tục xuất hiện nhiều tài khoản Facebook giả mạo ngân hàng T****** bank để lừa đảo người dùng. Các tài khoản giả mạo này ngang nhiên bình luận trực tiếp dưới các bài đăng trên Fanpage của ngân hàng T, giả mạo nhân viên hỗ trợ để lừa khách hàng liên hệ tới một số điện thoại “giả” (0965964460).

Khi kiểm tra số điện thoại trên qua Zalo, hiện ra một tài khoản có logo của ngân hàng T. Điều này khiến cho nhiều người nghĩ đó là dịch vụ của chính ngân hàng mình sử dụng nên đã gửi thông tin vào số điện thoại mà tài khoản giả mạo này cung cấp.

Để đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng, tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, các chuyên gia NCSC khuyến nghị người dùng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Người dùng cũng được khuyến nghị tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, kênh mạng xã hội mạo danh.

Trong trường hợp nghi ngờ về tài khoản hoặc số điện thoại giả mạo, người dùng có thể xác thực để tránh việc trở thành mục tiêu bị tấn công của các cuộc lừa đảo trực tuyến qua “Tổ chức Tín nhiệm” theo đường link https://tinnhiemmang.vn/to-chuc-tin-nhiem.

Đại diện NCSC cũng cho hay, trong thời đại số, việc sử dụng Internet trở nên phổ biến, với lượng thông tin và website khổng lồ, đa dạng là phương tiện đắc lực cho người dùng trong cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường mạng luôn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ.

Việc các thông tin của tổ chức, doanh nghiệp bị giả mạo để lừa đảo người dùng rất phổ biến. Người dùng khó có thể phân biệt được chính xác thông tin. Việc làm sao để lựa chọn đúng các sản phẩm, dịch vụ cũng như nhà cung cấp đảm bảo an toàn thông tin là một trong những thách thức lớn mà người dùng đã và đang gặp phải.

Cũng vì thế, hệ sinh thái tín nhiệm mạng đang được NCSC xây dựng nhằm mục đích góp phần bảo đảm an toàn và lành mạnh trên không gian mạng Việt Nam.

Người dùng cần cảnh giác trước các chiến dịch lừa đảo trực tuyến gia tăng dịp nghỉ lễ - Ảnh 2.
Hệ sinh thái tín nhiệm mạng được NCSC xây dựng với định hướng góp phần bảo đảm an toàn và lành mạnh trên không gian mạng Việt Nam.

Là tập hợp các dịch vụ cấp chứng chỉ tin cậy về an toàn thông tin cho các đối tượng trên không gian mạng, tín nhiệm mạng hỗ trợ người dùng tham gia không gian mạng an toàn và lành mạnh. Tín nhiệm mạng cũng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái uy tín, an toàn nhằm tạo niềm tin cho mọi người khi sử dụng dịch vụ trên môi trường mạng.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2021, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT từng phát cảnh báo về phương thức sử dụng thiết bị phát sóng di động giả mạo để phát tán tin nhắn rác lừa đảo nhắm vào người dùng của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Với phương thức mới này, các nhóm đối tượng xấu đã gửi tin nhắn giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng như TPBank, Sacombank, ACB, Zalopay… để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Nhận định đây là hành vi lừa đảo rất tinh vi và nguy hiểm, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng (app) trong tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào những website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.

Trường hợp nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị phản ánh với Cục An toàn thông tin qua đầu số tin nhắn 5656 hoặc qua website https://thongbaorac.ais.gov.vn/ để Cục kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

Liên quan đến vụ việc này, thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng phát cảnh báo, khuyến nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác với các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi của nhiều nhóm tội phạm mạng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày