Vốn là người khỏe mạnh, ông Trung (*), 68 tuổi, không quá quan tâm tới bệnh tật. Cũng vì lẽ đó, ông không đi kiểm tra sức khỏe trong nhiều năm.
Tới khi có triệu chứng tức ngực, ông Trung đi khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó, ông sững sờ khi nhận chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn não.
Kết quả xét nghiệm gen cho thấy ông dương tính với EGFR (đột biến gen của khối u ác tính). Ông Trung được điều trị trong 18 tháng. U phổi đã thu nhỏ, khối u di căn não cũng giảm kích thước.
Trường hợp của chị Tuyến (*), 47 tuổi, cũng tương tự ông Trung. Năm 2019, chị thấy đau nặng ngực, ho nên đi khám. Chị được chẩn đoán mắc ung thư phổi di căn xương và não. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị có đột biến gen EGFR.
Chị Tuyến đã được dùng thuốc đích, xạ trị khối u tại não. Kết quả điều trị ổn định. Tuy nhiên sau 2 năm, bệnh ung thư có dấu hiệu tiến triển trở lại. Trong năm 2022 đến 2023, chị Tuyến đã được điều trị miễn dịch, sức khỏe dần ổn định.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở Việt Nam. Ung thư phổi được chia làm 2 loại: ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư không tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bảo nhỏ chiếm 85% các trường hợp mắc.
Theo chuyên gia, hai nguyên nhân gây ung thư phổi thường gặp ở Việt Nam là:
- Khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động và thụ động);
- Tiếp xúc với các chất độc từ môi trường sống, môi trường làm việc gây ra biến đổi di truyền gen hình thành ung thư.
Ung thư phổi có tỷ lệ tỷ vong cao, 60% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao. Nguyên nhân bệnh nhân tới viện muộn thường do không đi thăm khám định kỳ nên không phát hiện bất thường sớm. Ung thư phổi diễn biến âm thầm do vậy người mắc bệnh cũng dễ bỏ qua triệu chứng.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cũng khá khó để nhận ra và thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Cần lưu ý một số triệu chứng thường gặp nên nghĩ tới ung thư phổi:
- Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn.
- Thường xuyên thấy đau ngực.
- Ho ra máu.
- Khó thở, ngạt mũi, khàn giọng.
- Viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại.
- Phù nề vùng mặt và cổ.
- Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân.
- Mệt mỏi.
Ung thư phổi phát hiện sớm tiên lượng điều trị sẽ tốt. Hiện nay, trong điều trị ung thư phổi đã có nhiều tiến bộ vượt bậc giúp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phương cho hay, hiện nay các bác sĩ có thêm công cụ điều trị đích và miễn dịch giúp đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, trong phẫu thuật, trước kia chỉ có mổ mở, nay đã có điều trị nội soi, rút ngắn được thời gian phục hồi. Trong điều trị xạ trị đã có định vị thân, điều biến liều giúp tập trung vào khối u, giảm tác dụng phụ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.