Người đàn ông ở Hà Tĩnh bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công ngón chân

Ngọc Tú, Theo Trí Thức Trẻ 08:12 13/09/2019
Chia sẻ

Bị loét ngón chân nhưng vẫn thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, ông Hà đã bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" tấn công.

Ngày 12/9, bác sỹ Hoàng Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, phía bệnh viện vừa phát hiện một trường hợp bị mắc bệnh Whitmore - còn gọi là nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người".

Cụ thể, trước đó bệnh nhân Đ.X.H. (61 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên, Hà tĩnh) có tiền sử bị bệnh đái tháo đường độ II. 1 tuần trước, ông Hà liên tục sốt cao, ngón 2 bàn chân phải có khối áp xe sưng, nóng và chảy dịch hôi.

Ngày 9/9, ông Hà được đưa vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Các bác sỹ lấy máu của bệnh nhân nuôi cấy và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (bệnh Whitmore) - vi khuẩn "ăn thịt người".

Người đàn ông ở Hà Tĩnh bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công ngón chân - Ảnh 1.

Ông H. được các bác sỹ thăm khám.

Quá trình điều trị, bệnh tình ông H. chuyển biến nặng, sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng nên được bệnh viện chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Bác sỹ Võ Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện cho biết: Do bệnh nhân H. bị biến chứng loét ngón 2 bàn chân phải mà vẫn làm việc đồng áng, tiếp xúc với bùn đất nên đã bị vi khuẩn Burkholderia pseudomallei xâm nhập qua vết loét mà không biết. Chỉ khi bệnh nhân bị sốt cao liên tục, người nhà mới đưa bệnh nhân đi viện.

Cũng theo bác sỹ Nam, bệnh Whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%.

Người đàn ông ở Hà Tĩnh bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công ngón chân - Ảnh 2.

Ngón chân của bệnh nhân bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công.

Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh Whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sỹ khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị lây nhiễm.

Do vậy người dân khi lao động, sinh hoạt tiếp xúc trực tiếp với bùn đất, đặc biệt môi trường sau mưa lũ cần phải có các biện pháp phòng hộ như đi ủng, tất ni lông… Đặc biệt những ai có các vết thương, mụn nhọt… cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày