Ông Vương 46 tuổi đến từ Hàm Dương (Trung Quốc), hơn mười năm trước thường xuyên cảm thấy chân trái đau không thể giải thích được, nhưng sau một thời gian cơn đau lại biến mất. Cách đây 8 năm, cơn đau chân của ông có vẻ nặng hơn khiến ông đi khập khiễng, đến nhiều bệnh viện địa phương nhưng không tìm ra nguyên nhân cốt lõi. Sau khi uống thuốc giảm đau và kháng viêm, triệu chứng đã thuyên giảm nên ông không tiếp tục điều trị nữa.
Ba tháng trước, chân trái của ông Vương lại bắt đầu đau trở lại. "Cơn đau đến mức mỗi sáng tôi không thể ra khỏi giường, kéo dài gần nửa giờ mới thuyên giảm. Mỗi ngày tôi sẽ đau kịch phát bốn, năm lần như vậy", ông Vương cho biết cơn đau thường xuyên và dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của ông nên ông lại bắt đầu đi khám bệnh.
Ông Vương đến Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Honghui (Trung Quốc) để điều trị, bác sĩ bắt đầu kiểm tra từ chân trở lên, khi ấn vào vùng bụng, các triệu chứng ở chân của ông Vương đột nhiên trở nên trầm trọng hơn, khiến ông hét lên đau đớn. Ông Vương được chuyển đến Khoa Tiêu hóa của bệnh viện, chụp CT bụng cho thấy có dị vật hình kim tiêm trong khoang bụng, sau đó ông được chuyển tiếp đến Khoa Phẫu thuật tiêu hóa.
Dựa trên hình ảnh CT và công nghệ tái tạo ba chiều, cũng như hình dạng và hướng xâm nhập của dị vật, bác sĩ Sun Li, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, tin rằng dị vật trong khoang bụng của ông Vương có thể đã xâm nhập từ ruột ra ngoài ruột gây tắc mạch máu động mạch chậu.
"Triệu chứng đau đớn của bệnh nhân rất rõ ràng, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những nguy hiểm khó lường khác", bác sĩ Sun Li nói. Nhưng bác sĩ không dám xác định trong khoang bụng ông Vương là loại dị vật gì trước khi lấy ra. Nếu dị vật lưu lại trong cơ thể quá lâu thì không thể hình dung được điều gì đang diễn ra bên trong. Người ta cũng không biết liệu chảy máu nhiều và nguy cơ cắt cụt có xảy ra trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ hay không... Theo cách nói của bác sĩ Sun Li, mỗi vấn đề đều biến cuộc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn.
Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 15 phút, bác sĩ ngạc nhiên thốt lên: "Là một cây tăm". Chỉ sau khi lấy dị vật ra, ông Vương mới phát hiện ra "thủ phạm" khiến ông khó chịu hơn 10 năm thực chất là một cây tăm dài 6cm. Chiếc tăm chọc thủng động mạch chậu, gây triệu chứng ở chân trái của ông. Tuy nhiên, rất may mắn là trong quá trình phẫu thuật người ta phát hiện chiếc tăm không hề xâm nhập vào các mạch máu và cơ quan quan trọng khác nên ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều.
Sau phẫu thuật 1 tuần, ông Vương đã được xuất viện, chân trái không còn đau nữa. Nhưng làm thế nào mà chiếc tăm lại lọt vào cơ thể ông Vương? Chính ông Vương cũng bối rối về vấn đề này.
"Không ít bệnh nhân có vấn đề về đường tiêu hóa do vô tình nuốt phải dị vật", bác sĩ Sun Li nói. Người ta suy ra rằng có thể ông Vương đã vô tình nuốt chiếc tăm trong lúc say rượu mà không hề hay biết. Vì tăm nhọn và mảnh nên chúng có thể dễ dàng xuyên qua thành dạ dày, thành ruột và thậm chí cả các mạch máu lớn với nhu động đường tiêu hóa sau khi nuốt. Bác sĩ nhắc nhở nếu lỡ nuốt phải tăm hoặc vật lạ khác, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tránh hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn và ảnh: Sohu, The Healthy