Trận lũ quét kinh hoàng ập đến bản Sa Ná vào sáng 3/8, đã làm 5 ngôi nhà bị sập, 20 nhà bị cuốn trôi và làm 12 người dân mất tích. Đến hiện tại, còn 9 người vẫn đang "ở đâu đó" ngoài kia, nơi dòng suối Son đang chảy xiết như vẫn muốn cuốn trôi mọi thứ 2 ven bờ.
Con đường dẫn vào bản Sa Ná.
Từ sáng sớm ngày 6/8, lực lượng chức năng đã có mặt tại các điểm qua sông và tiếp tục vận chuyển nhu yếu phẩm vào bản. Từng gói gạo, gói bột ngọt, túi muối,… vẫn liên tục được người dân, các đội thiện nguyện và lực lượng chức năng vận chuyển qua những con đường mà không phải ai cũng dám đi qua.
"Đi khéo nhé, trượt chân 1 cái là không thấy đâu đâu", một người dân bản địa nhìn về phía chỏm đá cheo leo, nơi có mấy anh dân quân đang gồng mình gánh những nhu yếu phẩm vào làng hét lớn.
Từ sáng sớm ngày 6/8, các nhu yếu phẩm đã được vận chuyển vào bản Sa Ná.
Ngồi thẫn thờ nhìn về đống đổ nát mà trước đó là cả một bản làng chung sống hạnh phúc bên nhau, bà Ngân Thị Năm (45 tuổi) vẫn chưa biết rồi mình sẽ ở đâu, cuộc sống sẽ ra sao khi nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi hết.
Sáng hôm đó, bà Năm đứng ở bên bờ phía đối diện của ngôi làng nhìn thấy rõ dòng nước lớn ập đến bản làng nhỏ, nơi có con dâu và cháu gái bà đang ở đó: "Chạy đi, chạy đi,.. Tôi gào lên lớn lắm, cố gào thật lớn cho mọi người biết nhưng không ai nghe thấy đành đứng nhìn cả làng bị cuốn trôi đi như thế.
Mình thì còn người còn may mắn hơn bản làng, mất cả người cả của. Nó không phải nước đâu, nó như con ác quỷ, các chú lên mà xem".
Nói xong bà Năm lặng đi rồi bật khóc nức nở cùng cả bản làng.
Bà Năm ngồi thẫn thờ cùng dân bản.
Bà Năm không kìm nổi nước mắt khi nhớ đến cảnh dân làng bị cuốn trôi trước mắt.
Hôm đó, con dâu bà Năm đã dùng tất cả sức lực của người mẹ trẻ để bế người con thoát khỏi miệng "tử thần".
Cũng là một người may mắn khi kịp thoát khỏi miệng lũ quét, bà Phạm Thị Nguyễn (40 tuổi) ngồi thất thần cùng dân làng nhìn bản làng tan hoang trước mặt.
Bà Nguyễn đau đớn khi người thân, của cải, bản làng đã tan hoang.
"Hôm đó tôi đang ngồi trong nhà, nghe tiếng rầm rầm lớn từ phía đầu nguồn rồi nghe thấy mọi người hô ầm lên ‘chạy đi,.. chạy đi’, tôi ra thì thấy nước trắng xóa ập đến.
Nó ập đến 2 lần, lần đầu nước cũng lên đến nhà tưởng là hết rồi. Khoảng 10 phút sau thì ôi trời ơi!.. Tôi vội bế đứa cháu chạy lên núi thì cứ trượt xuống vì núi dốc quá.
Một số người dân trở lại bản làng từ sáng sớm.
Cố sống chết leo lên nghĩ đến đứa cháu, lên đến lưng chừng núi mới nhìn xuống thì nước cuồn cuộn ập đến không còn gì nữa cả, chỉ trong một cái chớp mắt thôi. Lúc đó mới bảo với đứa cháu là chắc mình sống rồi", bà Nguyễn nghẹn ngào nhớ lại.
Hiện người dân bản Sa Ná đang dần trở về làng, người thân từ các nơi cũng đổ về thăm người thân gia đình tại bản Na Mèo gặp nạn.
Chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu để đảm bảo cuộc sống người dân trong thời gian khó khăn trước mắt.
"Lực lượng chức năng hiện cũng đang tích cực hỗ trợ người dân tìm kiếm những người mất tích. Đảm bảo cuộc sống người dân không để ai bị đói, lạnh", vị Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn thông tin.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại bản Sa Ná vào sáng ngày 6/8:
Tàu ca nô được huy động đến bản Sa Ná để vượt suối vào bản.
Từ sáng sớm, nhiều đơn vị đã có mặt tại các điểm suối nước lớn để hỗ trợ người dân vào bản.
Thanh niên thiện nguyện hỗ trợ mang đồ hỗ trợ vào bản.
Con đường vào bản Sa Ná.
Vượt qua khoảng hơn 3km ven suối trên những vách đá cheo leo hiểm trở là cách duy nhất để tiếp cận bản Sa Ná.
Phải di chuyển thật cẩn thận và liều mình thì mới có thể vượt qua những đoạn đường vách đá. Phía dưới vách đá là dòng suối sâu chảy xiết.
Trong bản không có điện, không sóng điện thoại. Chỉ có một con đường duy nhất vào bản là những vách đá cheo leo trên núi. Bản hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài.
Khung cảnh bản Na Sá sau cơn lũ quét.
Cả bản còn sót lại vài 3 ngôi nhà.
Bùn đất, mùi hôi tanh, đồ đạc hư hỏng bên trong những ngôi nhà may mắn không bị lũ cuốn.
Người dân nhận đồ hỗ trợ và cả hương nhang trong bản.