Trong tiết trời se lạnh ngày Tết Thanh minh, hàng trăm người dân Hà Nội đổ về Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) để dọn dẹp, sửa sang mộ phần người thân và bày biện lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên.
Đồi thông Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên
Từng đoàn người lặng lẽ di chuyển giữa những dãy mộ, tay cầm nhang đèn, hoa quả, không khí trầm mặc đượm vẻ thành kính. Dịp Thanh minh hằng năm luôn là thời điểm đặc biệt để các gia đình tưởng niệm người đã khuất, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" qua những nghi thức truyền thống.
Theo quan sát của chúng tôi, không ít em nhỏ cũng được bố mẹ, ông bà đưa theo trong chuyến đi viếng mộ. Nhiều phụ huynh chia sẻ, việc cho trẻ đến nghĩa trang vào dịp này nhằm giúp các em hiểu về cội nguồn gia đình, trân trọng giá trị truyền thống và hình thành ý thức gìn giữ đạo hiếu từ sớm.
Rất đông người dân đến mộ phần người thân trong ngày Tết Thanh minh
Bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cùng con cháu vượt hơn 50km từ phường Ngọc Khánh (Hà Nội) tới địa điểm trên để thăm phần mộ người con trai thứ hai là anh S.
Trong chuyến đi lần này, gia đình bà Thuận chuẩn bị đầy đủ hương, hoa, tiền vàng, hoa quả, đồ chay, bánh kẹo và rượu để thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu sau một tai nạn khiến đôi chân không còn đi lại bình thường và phải ngồi xe lăn nhưng vào mỗi dịp lễ tảo mộ hoặc tiết thanh minh, bà Thuận vẫn gắng gượng cùng con cháu đến nơi yên nghỉ của con trai.
Bà Thuận được con cháu đẩy xe lăn đến mộ phần của anh S.
"Bình thường tôi chẳng đi được đâu, nhưng cứ đến ngày này, tôi lại thấy khỏe hẳn ra. Cảm giác như có một động lực nào đó, chỉ muốn đến bên con cho bằng được" bà xúc động chia sẻ.
Lo cho sức khoẻ của bà nên nhiều lần con cháu trong nhà khuyên bà hạn chế đi lại, nghỉ ngơi ở nhà cho khoẻ, nhưng bà Thuận vẫn cố gắng đến đây. "Đến được nơi, thắp được nén nhang, nói với con vài lời rồi về là tôi thấy lòng nhẹ đi nhiều" bà nói.
Người mẹ cảm thấy nhẹ lòng mỗi khi đến bên bịa mộ của con trai
Trong lúc bà Thuận chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Thị Vân (SN 1980; vợ của anh S.) lặng lẽ bên mộ chồng với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt không ngừng rơi. Những ký ức, nỗi nhớ, sự tiếc nuối bỗng dưng ùa về trong khoảnh khắc ấy.
Gạt nước mắt, chị Vân cho biết, vợ chồng chị sinh được ba người con. Trước đây, gia đình chị từng có cuộc sống hạnh phúc như bao gia đình khác. Nhưng biến cố ập đến, anh S. qua đời vào tháng 8/2023 vì cơn bạo bệnh, để lại chị cùng ba người con.
Những kỉ niệm cũ bỗng ùa về khiến chị Vân không kìm được nước mắt
"Lúc bệnh đã nặng, chồng tôi vẫn giữ tinh thần lạc quan. Anh dặn nếu lỡ sau này có chuyện gì xảy ra, tôi phải cố gắng sống tốt để lo cho các con. Vì lúc bấy giờ đứa út còn quá nhỏ, hai đứa lớn thì chưa đứa nào lập gia đình, anh thì bệnh nặng và có thể rời xa chúng tôi bất cứ lúc nào. Chồng tôi ước rằng giá như có đứa nào lập gia đình thì anh yên tâm hơn. Thế nhưng bệnh đã trở nặng, anh chỉ hy vọng mẹ con tôi bình an", chị nghẹn ngào nhớ lại.
Chị Vân bảo không chỉ ngày tiết thanh minh hay dịp cuối năm, những ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật của cả hai hoặc khi nào thấy nhớ, chị lại cùng các con đến Lạc Hồng Viên để thăm mộ anh S. Bởi chị nghĩ rằng, việc thường xuyên đến thăm phần mộ của chồng sẽ giúp chồng đỡ cảm thấy cô đơn và hơn hết, anh S. có thể thấy được rằng, dù người đã ra đi những nhưng người ở lại vẫn luôn nhớ về anh.
Người dân lau chùi, chuẩn bị cho lễ cúng
Cách đó không xa, bà Điệp (ở Hà Nội) cũng đang dọn dẹp, sắp lễ để cúng trong ngày tiết thanh minh. Bà cho biết: "Nay ngày tiết thanh minh, các con bận rộn công việc nên tôi đến đây một mình. Một là để dọn dẹp, thắp hương cho bố mẹ. Hai là tưởng nhớ những người đã khuất".
Trải lòng với chúng tôi, bà Điệp kể rằng, từ khi bố mẹ qua đời, bà vẫn luôn áy náy khi không thể nói "bố mẹ ơi, con yêu bố mẹ nhiều lắm". Bởi khi người thân mất đi, bà mới hiểu ra rằng, đôi khi chỉ một câu nói bình thường lại mang ý nghĩa rất lớn.
"Chỉ khi bố mẹ đã ra đi, tôi mới nhận ra rằng ngoài những hành động, một câu nói "con yêu bố mẹ nhiều lắm" chắc chắn sẽ khiến họ cảm thấy rất hạnh phúc.
Dù không kịp nói ra điều đó, nhưng tôi tin rằng những hành động và cử chỉ của mình khi bố mẹ còn sống đã thể hiện được nói lên tất cả", bà Điệp chia sẻ.
Người dân thắp nén hương thơm, cúi lạy trước mộ phần để tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất
Bà cho hay, vào mỗi dịp tiết thanh minh, tảo mộ vào cuối năm, hễ con cháu có thời gian rảnh, mọi người lại cùng nhau lên đây để thắp hương, tưởng nhớ những người đã khuất.
Theo quan niệm của người dân, Tết Thanh Minh là một dịp lễ truyền thống quan trọng trong văn hóa người Việt, thường diễn ra vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch, khi tiết trời vào xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Năm nay, Tết Thanh Minh ngày chính rơi vào ngày 4/4 dương lịch (tức ngày 7/3 âm lịch) và kéo dài đến ngày 19/4.
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, chia sẻ tiết thanh minh không chỉ diễn ra trong một ngày mà diễn ra trong 15 ngày. Đây là dịp các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau, qua đó nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, đi tảo mộ ngày tiết thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm.