Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Hành vi tàn nhẫn của đối tượng có thể đối mặt với hình phạt tử hình

Minh Ngọc, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 09:17 06/04/2025
Chia sẻ

Hành vi sát hại con mình đẻ ra để được hưởng bảo hiểm nhân thọ, đây là hành vi vô cùng tàn nhẫn, mất nhân tính, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống của con người nên người này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.

Tối ngày 05/4/2025, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (SN 1981; khu phố 3, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)về hành vi giết người. 

Theo điều tra ban đầu, khoảng 22 giờ 05 phút ngày 02/01/2023, tại nhà Tô Thị Ty Na, cháu Nguyễn Văn H. (sinh năm 2017) là con ruột Na chết ở nhà vệ sinh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan Công an đã xác định đối tượng Na đã có hành vi giết cháu H., mục đích nhằm trục lợi bảo hiểm.

Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Hành vi tàn nhẫn của đối tượng có thể đối mặt với hình phạt tử hình- Ảnh 1.

Tô Thị Ty Na đã khai nhận hành vi (Ảnh CA Quảng Nam)

Theo dõi vụ việc, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, cho biết, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy, đối tượng đã có hành vi sát hại con đẻ của mình để trục lợi bảo hiểm, cho thấy đây là hành vi vô cùng tàn nhẫn, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, hành vi sẽ bị xử lý về nhiều tội danh trong đó có tội giết người và tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Luật sư Cường phân tích, với kết quả xác minh như trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam với đối tượng này về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự. Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như; phạm tội với động cơ đê hèn, phạm tội với người dưới 16 tuổi, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục ... nên hình phạt và đối tượng này phải đối mặt với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài tội giết người thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điều 213 bộ luật hình sự, hình phạt có thể tới 07 năm tù về tội danh này.

Vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật

Theo luật sư Cường, những hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra trong đời sống xã hội không ít, tuy nhiên hành vi sát hại con mình đẻ ra để được hưởng bảo hiểm nhân thọ, thì đây là hành vi vô cùng tàn nhẫn, mất nhân tính, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống của con người, nên người này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, phương thức thủ đoạn phạm tội, hoàn cảnh của đối tượng gây án và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Với những đối tượng có hành vi phạm tội tàn nhẫn, mất nhân tính như vậy thì sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, có thể sẽ không thoát khỏi mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Sự việc này là rất bất ngờ với nhiều người, nhiều người không nghĩ rằng một người mẹ rất ruột đẻ ra con mình nhưng lại vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng sát hại con mình để trục lợi bảo hiểm, đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng và vi phạm đạo đức xã hội.

"Sự việc cũng cho thấy đã có sự xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức của một số người, kể cả những người đã trưởng thành, làm cha, làm mẹ cũng có thể thực hiện những hành vi tàn nhẫn mà những người bình thường không thể tưởng tượng được.

Bởi vậy, việc làm rõ yếu tố nhân thân của đối tượng gây án, làm rõ động cơ mục đích phạm tội làm căn cứ xử lý đối với đối tượng gây án và cũng là căn cứ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn tình trạng xâm phạm đến thân thể của trẻ em, trục lợi bảo hiểm xảy ra như vụ việc này", ông Cường nhấn mạnh.

Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm: Hành vi tàn nhẫn của đối tượng có thể đối mặt với hình phạt tử hình- Ảnh 2.

Nơi xảy ra sự việc

Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và đ khoản 2 Điều này hoặc chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày