Người dân Đông Nam Á dễ nhiễm vi nhựa nhất thế giới, vì một lý do!

An Khê, Theo vtv.vn 21:20 07/07/2025
Chia sẻ

Một nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy người dân tại nhiều quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ hấp thụ loại chất độc hại này ở mức cao chưa từng thấy.

Một nghiên cứu phát hiện ra trong gần 94% số cá lấy mẫu từ Vịnh Jakarta - có chứa đầy vi nhựa. (Ảnh minh họa: CNA)

Một nghiên cứu phát hiện ra trong gần 94% số cá lấy mẫu từ Vịnh Jakarta - có chứa đầy vi nhựa. (Ảnh minh họa: CNA)

Cá sữa, món ăn quen thuộc trên bàn ăn của hàng triệu gia đình Indonesia, giờ đây đang trở thành biểu tượng cho một hiểm họa vô hình: vi nhựa. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có đến 94% số cá được lấy mẫu tại vịnh Jakarta có chứa vi nhựa trong mang và ruột.

"Vi nhựa đi vào cơ thể cá, rồi được con người tiêu thụ. Nghĩa là nó tiếp tục tích tụ trong cơ thể người", ông Widodo Setiyo Pranowo, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia cảnh báo.

Một nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) năm ngoái phát hiện người Indonesia trung bình tiêu thụ khoảng 15g vi nhựa mỗi tháng, tương đương… ba chiếc thẻ tín dụng. Người Malaysia xếp thứ hai (12g), tiếp theo là người Philippines (11g). Cũng theo nghiên cứu này, 6 trong 10 quốc gia xả thải nhựa ra đại dương nhiều nhất đều nằm ở Đông Nam Á - minh chứng rõ ràng cho một khu vực đang bị "bao vây" bởi rác nhựa, tạo nguy cơ tiềm ẩn khiến vi nhựa thâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều hình thức.

Theo chuyên gia hàng hải Deo Florence Onda (Đại học Philippines), vi nhựa không chỉ đến từ bao bì, mà còn từ chính những vật dụng nhựa bị trầy xước khi chế biến thực phẩm, khiến các mảnh nhỏ li ti trộn vào thức ăn và nước uống hàng ngày.

Người dân Đông Nam Á dễ nhiễm vi nhựa nhất thế giới, vì một lý do!- Ảnh 2.

Sử dụng kính hiển vi để kiểm tra mẫu trầm tích chứa vi nhựa. (Ảnh: Getty Images)

Từ bãi rác tới bữa cơm

Vi nhựa hình thành khi các sản phẩm nhựa lớn (chai nước, túi nilon, bao bì…) phân hủy dưới tác động của ánh nắng và nước biển, vỡ vụn thành những mảnh nhỏ dưới 5mm. Những mảnh này được cá nhầm là thức ăn và đưa thẳng vào cơ thể.

"Người dân thường chiên cả con cá nhỏ rồi ăn nguyên con. Nghĩa là ăn cả vi nhựa trong mang và nội tạng của chúng", giảng viên đại học Indonesia Mufti Petala Patria cho biết.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), có tới 80% rác nhựa ngoài đại dương đến từ đất liền, chủ yếu là các túi nhỏ dùng một lần (sachet). Greenpeace từng thống kê, năm 2020 toàn cầu tiêu thụ 855 tỷ túi sachet, một nửa trong số đó nằm ở Đông Nam Á.

Tại Philippines, người dân dùng khoảng 164 triệu túi nhựa mỗi ngày, chiếm tới 52% lượng rác nhựa quốc gia.

Ở Jakarta, những con kênh nhỏ thường bị biến thành bãi rác công cộng. "Hàng xóm vứt rác xuống sông, tôi cũng làm theo vì gần nhà"- ông Edi, sống tại khu Manggarai, chia sẻ.

Năm 2022, tổ chức môi trường Ecoton phát hiện vi nhựa trong hầu hết các con sông lớn nhỏ tại Indonesia. Trong khi đó, Philippines chưa có quy định bắt buộc nhà máy xử lý nước phải lọc vi nhựa.

Tại nhiều vùng đô thị, người dân không có thùng rác công cộng hay trung tâm tái chế. "Không có nơi để phân loại rác, người dân buộc phải vứt bừa", đại diện Greenpeace Philippines cho biết.

Ngay cả các bãi chôn lấp hợp pháp như Bantar Gebang (Indonesia), nơi chứa tới 45 triệu tấn rác - tương đương 200 sân bóng đá - cũng đang quá tải, tạo nguy cơ rò rỉ vi nhựa ra môi trường đất, nước và không khí.

Người dân Đông Nam Á dễ nhiễm vi nhựa nhất thế giới, vì một lý do!- Ảnh 3.

Các hạt nanoplastic trong mảng bám động mạch cảnh của một bệnh nhân. (Ảnh: Đại học New Mexico)

Những tác động của vi nhựa lên sức khỏe đang ngày càng được làm rõ: Nghiên cứu đăng trên Toxicology cho thấy các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập hàng rào máu não, gây suy giảm nhận thức. Người tiếp xúc nhiều có nguy cơ rối loạn thần kinh cao gấp 36 lần người bình thường. Một nghiên cứu năm 2024 phát hiện hơn một nửa số bệnh nhân tim mạch có dấu vết vi nhựa trong mảng xơ vữa động mạch. Những người này có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần. Đặc biệt, các hạt nhỏ đủ để xuyên qua nhau thai, đe dọa sức khỏe thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.

Hệ miễn dịch có thể loại bỏ một phần vi nhựa, nhưng khi lượng vượt quá khả năng xử lý, các hạt này tích tụ trong gan, thận, tim và não, âm thầm gây bệnh.

Vi nhựa đang trở thành một cuộc khủng hoảng y tế tiềm tàng tại Đông Nam Á và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh người dân ngày càng phụ thuộc vào thực phẩm chế biến sẵn, giao đồ ăn online và bao bì nhựa dùng một lần, việc chấm dứt ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề sống còn.

Có một thực tế là vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm, chúng còn xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cơ thế của con người.

Theo Tổ chức y tế thế giới, hạt vi nhựa thậm chí có thể gây viêm, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Một nghiên cứu tại Hà Lan đã phát hiện có tới 77% người tham giả khảo sát có hạt vi nhựa ở trong máu.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày