Bài viết của tác giả Lục Tiểu Trúc, đăng trên nền tảng Toutiao
Nhiều người luôn tin rằng đau khổ là một lẽ tất yếu trong cuộc sống. Họ lao vào công việc hối hả để thoả mãn tâm lý "Tôi đã làm việc chăm chỉ". Kết quả là dù trải qua nhiều gian nan nhưng không phải ai cũng thành công vượt trội. Trên thực tế, điều bạn cần làm là "chịu đựng" thử thách một cách có chọn lọc, nếu không sẽ sớm gục ngã trước khi đạt được thành tựu mong muốn.
Một giáo sư Tâm lý học ĐH Harvard từng nói trong một bài phát biểu thế này: "Muốn trở thành tầng lớp thượng lưu, bạn phải chịu đựng được nỗi đau của tầng lớp thượng lưu". Khi bạn chủ động chịu 3 nỗi "khổ đau" dưới đây, cuộc sống về sau sẽ ngày càng khởi sắc, sự nghiệp tiến xa và mọi điều tốt đẹp sớm muộn sẽ đến.
Nghĩ sâu, "khổ" não
Trong cuộc sống, chắc hẳn sẽ đến một ngày bạn nhận ra người bạn cùng thuê nhà năm nào đã mua được nhà, mua xe. Hay khi bạn còn đang tính toán mua thêm trái cây có vượt ngân sách tháng này không thì nhiều người cùng độ tuổi đã đạt tự do tài chính.
Liệu có phải do bạn không siêng năng bằng họ? Không hẳn. Đó là bởi ngoài làm việc chăm chỉ, những người ưu tú thường dành nhiều thời gian để suy nghĩ, đặt tâm trí trong từng việc nhỏ và nỗ lực một cách có tính toán hơn cả.
Ảnh minh họa
Khi công ty tôi chuẩn bị đấu thầu 1 dự án lớn, lãnh đạo yêu cầu nhân viên chuẩn bị thông tin để thuyết trình. Sau một tuần đi sớm về khuya, đồng nghiệp của tôi gửi một bản báo cáo dài 50 trang. Nhưng hầu hết các tài liệu này là thông cáo báo chí kém chất lượng, nguồn của các bài báo cũng không đáng tin cậy. Sếp lập tức yêu cầu người này làm lại. Đồng nghiệp tôi bất bình: "Tại sao mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả lại không như ý muốn?"
Tôi từng đọc được câu viết này trên mạng xã hội: "Nỗ lực máy móc chỉ là một bài tập theo thói quen của cơ bắp, và siêng năng mà không suy nghĩ thực sự là sự lười biếng lớn nhất". Chính tỷ phú Rockefeller từng nói: "Làm việc chăm chỉ một cách mù quáng có thể sẽ phải trả giá đắt mà vẫn chẳng thu được gì."
Vậy nên trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì, hãy dành thời gian suy nghĩ về mục đích và phương pháp thực hiện, từ đó lên kế hoạch. Nếu chúng ta không có bất kỳ kế hoạch nào cho cuộc sống và công việc, bạn sẽ chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn "càng bận càng nghèo - càng nghèo càng bận".
Kiên nhẫn, "chịu đựng" kỷ luật tự giác
Tầm quan trọng của kỷ luật tất cả chúng ta đều "nằm lòng", thậm chí còn không ngừng tìm kiếm cách để có lối sống kỷ luật. Thế nhưng ít ai làm có thể tuân thủ bởi khó khăn trong việc duy trì việc làm tốt mỗi ngày. Kết quả từ sự kỷ luật tự giác sẽ khó có thể thấy một sớm một chiều nhưng giống như lãi kép, bạn sẽ cảm nhận được "vị ngọt" xứng đáng theo thời gian.
Ảnh minh hoạ
Năm 1980, y tá Ngô Thế Hồng tình cờ nhìn thấy tin tuyển dụng của tập đoàn công nghệ IBM tại Trung Quốc. Cô vượt qua bài kiểm tra viết Tiếng Anh nhưng đến khi phỏng vấn trực tiếp, Ngô Thế Hồng lại chật vật. Trước giờ cô đều chỉ học "tiếng Anh câm", có thể viết nhưng không thể nói. Không bỏ cuộc, người phụ nữ này đăng ký lớp luyện nói, tích cực giao tiếp với người nước ngoài, đặt mục tiêu thuộc lòng hàng trăm từ mới một ngày.
Ngô Thế Hồng nhận ra công việc của mình cần khả năng đánh máy, cô ngay lập tức mua máy đánh chữ về và bắt đầu tập luyện không sót ngày nào. Thậm chí, cô Ngô còn cầm đũa không vững vì 2 tay tê dại sau hàng giờ luyện gõ. Dựa vào kỷ luật tự giác, không ngại bù đắp những thiếu sót về năng lực, Ngô Thế Hồng đã được IBM chính thức nhận vào làm.
Nhờ khởi đầu đầy nỗ lực này, Ngô Thế Hồng dần thăng tiến, từ một y tá bình thường trở thành giám đốc kênh phân phối của IBM Trung Quốc và tổng giám đốc Microsoft tại đất nước tỷ dân.
Đọc và học, trải qua nỗi cô đơn
Thành công của một người liên quan chặt chẽ đến việc người đó học và đọc bao nhiêu. Tôi từng xem một chương trình về những người lao động bỏ học đi làm trong các nhà máy. Chúng phải làm 11 tiếng, những công việc lặp đi lặp lại trong nhà máy ngột ngạt, ngủ trong phòng tập thể 8 người, đi tắm cũng phải xếp hàng.
Trả lời phỏng vấn phóng viên, một người mếu máo: "Trước đây, tôi từng nghĩ đi học đã vất vả, không ngờ đi làm mới là việc khó khăn hơn". Những người nghỉ học sớm không có học vấn, chỉ có sức lao động hao mòn theo thời gian khi chỉ làm từ nhà máy này sang nhà máy khác có công việc nặng nhọc hơn. Cuộc sống bấp bênh, thu nhập bấp bênh và lúc nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Ảnh minh hoạ
Tôi nhận ra nếu không học tập nghiêm túc, bạn sẽ mất đi nhiều quyền lựa chọn trong cuộc sống. Một cuộc khảo sát trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) đã hỏi cư dân mạng về những điều họ hối tiếc nhất. Xếp hạng đầu tiên là lựa chọn "Khi còn trẻ ham chơi, không chăm học nên hiện cuộc sống vô cùng nhàm tẻ".
Nhiều người khi còn ở độ tuổi đi học thường lựa chọn sự thoải mái nhất thời, cùng bạn bè vui chơi để không bị bỏ lại một mình. Người có khả năng tự học, sẵn sàng từ bỏ một vài cuộc vui để tập trung học tập, không ngừng nỗ lực mới luôn là người tiến xa nhất.