Hạnh phúc đáng có nhưng thật mong manh
"Ngôi Nhà Bươm Bướm" xoay quanh cuộc đời của Hồ Ngọc Hân (NSƯT Thành Lộc) – vedete chính của quán bar drag-queen tên Butterfly. Bà Hân có cuộc sống mơ ước bên cạnh chồng (Quang Minh) và con trai Hoàng (Liên Bỉnh Phát). Nhưng khi cậu con muốn kết hôn với bạn gái (Hoàng Yến Chibi) thì mọi chuyện bắt đầu cao trào vì gia đình "thông gia" tương lai vốn rất truyền thống. Sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ giữa hai gia đình đã đặt bà Hân vào tình thế khó xử, chấp nhận rời đi vì hạnh phúc của con trai.
"Ngôi Nhà Bươm Bướm" không phải là một tác phẩm lấy nước mắt người xem hay chọc cười vô vị về cuộc sống của những nhân vật LGBTQ+. Mà đó là những mảnh ghép tồn tại thực sự và hiển nhiên xung quanh chúng ta. Họ hiện diện và đang sống với lý tưởng, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, dù họ có là bất cứ giới tính nào đi chăng.
"Ngôi Nhà Bươm Bướm" là câu chuyện được kể theo ngôn ngữ điện ảnh với sự tiết chế vừa phải và dung hòa được mọi cảm xúc. Phim có những khung hình khiến người xem cảm nhận rõ ràng sự bất lực, pha lẫn dư vị gia đình của các nhân vật trong phim.
Lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam xuất hiện một bộ phim nói về một gia đình LGBTQ+. Ở đó, "Ngôi Nhà Bươm Bướm" kể về cuộc sống của họ như bao gia đình khác. Nhưng ẩn sau bức tranh tưởng chừng lý tưởng đó là những vụn vỡ, những định kiến vẫn còn đó, dù có là gia đình. Những bà Hân, ông Cường, Đom Đóm phải cố gắng giữ lấy hạnh phúc đáng có nhưng thật mong manh. Đó là cậu con trai Hoàng trưởng thành trong một gia đình đặc biệt đối mặt với những so sánh với định kiến mà xã hội áp đặt vào họ.
Khi biết con trai sẽ đưa gia đình bạn gái đến nhà bàn chuyện đám cưới, ông Cường (Quang Minh) và bà Hân đã rất vui mừng. Trong khi, Hoàng lại lo lắng vì sự khác biệt của gia đình mình. Vì vậy, Hoàng muốn ông Cường nên bớt lòe loẹt để ra dáng người đàn ông trong gia đình. Ngay lúc đó, ông Cường đã nói với con rằng: "Ba dùng phấn trang điểm. Phải, ba đang sống với một người đàn ông. Ba là một cha già gay. Nhưng ba hiểu rõ bản thân mình. Ba đã dành hết tuổi trẻ và thanh xuân của mình đấu tranh để được như ngày hôm nay".
Chính khoảnh khắc đó, Hoàng nhận ra, tại sao ngay trong chính gia đình mà chúng ta vẫn chưa chấp nhận người thân của mình. Đó cũng là câu chuyện của nhiều người LGBTQ+, họ không thể là chính mình trong chính gia đình. Nhưng cách nhân vật xử lý tình huống thực sự tinh tế khi không lên gân hay đẩy câu chuyện lệch hướng. Họ đâu bận tâm ngoài kia, xã hội gọi họ bằng những từ ngữ như thế nào. Điều họ cần nhất chính là sự nhìn nhận, chấp nhận của người thân.
Ai cũng mưu cầu hạnh phúc
Bên cạnh đó với sự tham gia của dàn diễn viên mà nổi bật là NSƯT Thành Lộc đảm nhận vai bà Hân càng khiến cho nhiều người tin vào nhân vật. Đó là khao khát được là một bà mẹ chăm sóc gia đình của mình, dù trong hình hài một người đàn ông. Bà Hân là hình ảnh cho rất nhiều những phụ nữ chuyển giới khác, cháy trong họ là nỗi khao khát được là chính mình, được cống hiến, được thừa nhận và được yêu nữa.
Và NSƯT Thành Lộc đã mang đến một bà Hân đầy xúc cảm, thấu hiểu và luôn nghĩ cho gia đình. Với một người mẹ, còn gì bằng khi nhìn con cái hạnh phúc. Đặc biệt là với một người mẹ khác biệt như bà Hân. Đó là niềm tự hào, hạnh phúc lớn lao.
Cảnh phim cao trào nhất chính là cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình. Một phân cảnh đầy tính ẩn dụ, một bên là vợ chồng bà Hân đại diện cho những đổi mới, hòa nhập của LGBT với cuộc sống xã hội hiện đại, một bên là sui gia tương lai, gợi nhắc những bất cập, định kiến và hiểu sai về LGBTQ+. Rõ ràng, nếu chưa đủ tinh tế thì đạo diễn lẫn diễn viên sẽ khiến cảnh phim này trở nên sáo rỗng, "đao to búa lớn".
Khi cách đặt vấn đề của hai vợ chồng bà Liên (Hồng Đào – Xuân Trường) về giới tính được bà Hân nhẹ nhàng tháo gỡ: "Cuộc đời này luôn cần có sự đa dạng, giới tính cũng vậy. Theo khoa học đã nghiên cứu, con cá đó, có những loài đến mùa động đực không kiếm được con cái thì nó cũng tự biến mình thành con cái luôn". Cuộc sống muôn màu muôn vẻ dù là bất cứ loài vật hay hiện tượng nào. Và con người cũng thế, cộng đồng LGBTQ+ không cần phải thể hiện hay bày tỏ cho mọi người thấy họ là ai hay đặt mình trong bất cứ giới tính nào. Vì ở đây, tất cả chúng ta đều con người, chỉ khác nhau ở cách chúng ta chọn sống như thế nào.
Mưu cầu hạnh phúc đâu có gì sai hoặc phải là ai mới được làm điều đó. Bà Hân xúc động đến nghẹn ngào khi con trai lần đầu tiên gọi bà là mẹ. Rồi ông Cường nhất quyết phải tìm và giữ vợ Hân trở về nhà chỉ đơn giản là "nơi nào có mình, nơi đó là nhà của tôi". Đom Đóm dù chua ngoa, đanh đá nhưng vẫn là một người luôn cố gắng thực hiện ước mơ được đứng trên sân khấu của mình. "Ngôi Nhà Bươm Bướm" chọn một "happy-ending" có vẻ an toàn, nhưng đó là một niềm hy vọng, thông điệp về một cuộc sống đa dạng hơn cho tất cả mọi người.
Bộ phim mang đến góc nhìn, cách tiếp cận khác cho những con người thuộc cộng đồng LGBTQ+. Những hình ảnh kỳ thị trong phim dù không nhiều nhưng đủ để gói gọn trong bối cảnh đơn giản và phù hợp để cách xử lý không quá lên gân. "Ngôi Nhà Bươm Bướm" nhịp nhàng với những tiếng cười chứa sự cảm thông, không có sự "cố chấp", trách móc cuộc đời sao bất công với LGBTQ+. Bộ phim như một lát cắt gần gũi khác của một bộ phận những con người "khác biệt". Họ cũng chẳng mong cầu gì hơn ngoài hạnh phúc và được yêu thương.
Phim chiếu trên các rạp trên toàn quốc từ từ 30/8/2019, được phát hành bởi LOTTE ENTERTAINMENT VIỆT NAM.