Mua nhà 105 triệu, được đền bù giải tỏa 40 tỷ đồng sau 17 năm
Vụ tranh chấp tiền đền bù giải tỏa năm 2018 tại quận Thuận Nghĩa, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) từng là tâm điểm chú ý của đông đảo dư luận Trung Quốc. Chuyện bắt đầu từ năm 2001. Năm đó, vợ chồng Vương đưa con trai từ Tứ Xuyên đến Bắc Kinh để chữa bệnh. Vì quá trình điều trị kéo dài trong nhiều năm, nên ông Vương quyết định tìm mua một căn nhà nhỏ ở thủ đô.
Lúc này, ông Lý cũng đang cần tiền gấp để lo cho con trai học đại học. Người đàn ông này sở hữu một căn nhà cũ, có diện tích gần 500m2 ở ngoại ô thành phố. Thông qua các mối quan hệ xã giao, ông Lý biết ông Vương đang muốn mua nhà, liền rao bán căn nhà của mình với giá 30.000 NDT (khoảng 105 triệu đồng). Sau khi thương lượng và ký hợp đồng, căn nhà đã thuộc quyền sở hữu của ông Vương. Lý và con trai sau đó đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
Sau khi thương lượng, ông Vương đã mua căn nhà của ông Lý với giá 30.000 NDT. Ảnh minh họa.
Đến năm 2018, khu phố mà gia đình ông Vương đang ở nằm trong diện quy hoạch. Các hộ dân sống trong khu vực này đều nhận được một khoản tiền đền bù lớn. Trong đó, gia đình ông Vương sẽ nhận được số tiền đền bù giải tỏa lên đến 11,3 triệu NDT (khoảng 40 tỷ đồng). Thông tin này khiến vợ chồng ông Vương vô cùng vui mừng và hài lòng.
Khi biết tin gia đình ông Vương sẽ được bồi thường số tiền lớn, ông Lý đột ngột quay về để đòi nhà. Ông Lý khẳng định căn nhà nằm trên đất nông thôn và không có giấy chứng nhận sở hữu đất nên hợp đồng mua bán nhà giữa 2 bên không có giá trị. Lý tuyên bố, nếu ông Vương không trả nhà thì sẽ kiện ra tòa.
Ông Vương nghe xong thì vô cùng phẫn nộ trước sự thay đổi đến chóng mặt của ông Lý. Vì trước đó, hai bên đã thỏa thuận sau khi mua bán căn nhà sẽ không tranh chấp với đối phương. Vậy mà sau khi biết tin ông Vương được đền bù giải tỏa hơn 11 triệu NDT, ông Lý lại kiên quyết đòi lại nhà.
Thương lượng không thành, hai bên bắt đầu kiện tụng để đòi quyền lợi về mình.
Hai bên rơi vào vòng xoáy kiện tụng và phán quyết bất ngờ của tòa án
Vụ tranh chấp giữa ông Vương và ông Lý nhanh chóng được phía tòa án đưa ra xét xử. Trước hết, theo Luật Quản lý đất đai (Trung Quốc) quy định, đất nông thôn không có chứng nhận quyền sở hữu thì không được chuyển nhượng hay mua bán.
Trong trường hợp này, căn nhà mà ông Vương mua của ông Lý vào năm 2001 nằm trên đất nông thôn. Vì vậy, ông Lý không có quyền chuyển nhượng hay bán căn nhà. Điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng mua bán giữa ông Lý và ông Vương là không có giá trị pháp lý.
Cả ông Lý và ông Vương liên tục kiện tụng suốt thời gian dài để đòi quyền lợi về mình. Ảnh minh họa.
Đến đây, phía ông Lý cho rằng bản thân đã có lợi thế hơn ông Vương. Tuy nhiên, các bằng chứng được đưa ra tại tòa cho thấy ông Lý biết căn nhà của mình không bán được nhưng vẫn bán cho ông Vương. Do đó, ông Lý cũng có lỗi sai. Chính vì vậy, cho dù ông Lý muốn lấy lại căn nhà thì vẫn phải bồi thường thiệt hại cho ông Vương.
Cuối cùng, tòa án phán quyết rằng hợp đồng mua bán nhà trước đó giữa ông Lý và ông Vương là vô hiệu. Lúc này, cả hai bên đều chưa hài lòng và đã kháng cáo nhiều lần.
Sau cùng, cả ông Lý và ông Vương đều đã đạt được thỏa thuận giải quyết, chia lợi nhuận theo tỷ lệ 3:7. Trong đó, ông Lý nhận được hơn 3 triệu NDT và 111,3m2 nhà tái định cư. Còn ông Vương nhận được hơn 7 triệu NDT tiền đền bù giải tòa và 259m2 nhà tái định cư.
Vụ việc trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội Trung Quốc thời điểm đó. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người khi thực hiện các giao dịch bất động sản. Mỗi cá nhân cần nắm rõ giá trị căn nhà, mảnh đất mà mình sắp mua hay đầu tư. Ngoài ra, bạn cần có hiểu biết về các thủ tục giấy tờ, những hợp đồng giao dịch nhà đất và các loại văn bản pháp lý trong mua bán bất động sản.
Theo Toutiao