Theo FDA, kem chống nắng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời. Khi sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF 30 trở lên, có khả năng chống thấm nước, loại kem này giúp bạn phòng chống lão hóa rất tốt.
Cụ thể, chọn đúng và dùng đúng kem chống nắng giúp chị em giảm các dấu hiệu lão hóa sớm trên da như nếp nhăn, đồi mồi, da chảy xệ. Nó cũng ngăn chặn vết nám hiện tại khỏi bị sẫm màu thêm, đồng thời ngăn sự xuất hiện của các mảng nám mới. Một lớp kem chống nắng hoàn hảo cũng giảm nguy cơ hình thành các đốm đen sau khi mụn trứng cá, bệnh vẩy nến hoặc tình trạng da khác khỏi tổn thương.
Các nghiên cứu khoa học đặc biệt ủng hộ lợi ích của việc thoa kem chống nắng khi bạn đi ra ngoài. Đó cũng là lý do tại sao FDA nói mọi người nên thoa kem chống nắng hàng ngày, bên cạnh các biện pháp chống nắng khác như che chắn vật lý... Nhưng không chỉ phòng chống lão hóa, FDA khuyến cáo mọi người nên dùng kem chống nắng liên tục còn với mục đích để phòng tránh 2 bệnh ít người để ý.
1. Phòng chống cháy nắng
Một làn da trần trụi không được bôi kem chống nắng, khi ra ngoài nắng thường xuyên chắc chắn sẽ chịu tác động của tia UV. Trong đó, tia UVB có trong ánh nắng mặt trời chói chang sẽ khiến làn da của bạn bị tổn thương. Biểu hiện cụ thể là những mảng da bị cháy nắng khi không có kem chống nắng bảo vệ.
Chưa kể, da có melanin - sắc tố mang lại màu sắc cho làn da, bảo vệ da trước các tia nắng mặt trời. Melanin hoạt động bằng cách làm tối làn da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Lượng melanin được sản sinh nhiều hay ít sẽ quyết định khả năng tự bảo vệ của da.
Đối với những người có ít melanin, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được bảo vệ kéo dài có thể khiến các tế bào da bị đỏ, sưng và đau, gọi chung là cháy nắng.
Theo US Pharmacist, kem chống nắng có khả năng hấp thụ, tán xạ hoặc phản xạ tia UV, giúp ngăn ngừa tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời. Cụ thể, kem chống nắng vật lý chứa các hợp chất vô cơ phản xạ hoặc phân tán tia UV. Trong khi kem chống nắng hóa học chứa các hợp chất hữu cơ hấp thụ các tia này, ngăn không cho chúng gây hại da.
Việc bôi kem chống nắng lúc này giúp bạn ngăn chặn cháy nắng tức thì, đồng thời ngăn chặn những vấn đề kéo dài sau đó như sạm nám…
2. Phòng chống ung thư da
Theo NCBI, các nhà khoa học ước tính việc tiếp xúc với bức xạ tia cực tím có liên quan đến 80-90% ca ung thư da. Do đó, việc sử dụng kem chống nắng để ngăn chặn tia cực tím được khuyến khích là một biện pháp quan trọng phòng chống ung thư da.
Trong thực tế, việc sử dụng kem chống nắng được chứng minh làm giảm tỷ lệ mắc ung thư da hắc tố lẫn ung thư da không hắc tố.
Theo ThS.BS da liễu Vũ Thị Thơm (giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam), việc đầu tiên trong chống nắng đúng cách chính là lựa chọn kem chống nắng phù hợp. Cụ thể, kem chống nắng cần đáp ứng những yêu cầu sau:
- Chọn kem chống nắng phù hợp với loại da của bạn để tránh kích ứng, bít tắc nổi mụn…
- Chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng phù hợp với điều kiện thời tiết và cường độ phơi nắng. Không nên chọn kem chống nắng có chỉ số chống nắng quá cao SPF > 60, chỉ trừ khi da quá nhạy cảm với ánh sáng hoặc ở giữa trưa trời nắng mà phải phơi nắng trực tiếp trong thời gian dài.
- Nên chọn kem chống nắng chống được cả tia UVA và UVB, trên sản phẩm có ghi Broad Spectrum hoặc Full Spectrum hoặc PA+.
- Chọn hãng mỹ phẩm uy tín, sản phẩm nhập khẩu chính hãng có tem chứng nhận.
Ngoài việc lựa chọn đúng loại kem chống nắng phù hợp, bạn cũng cần biết cách sử dụng đúng kem chống nắng mình đã lựa chọn. Không phải cứ dùng kem chống nắng càng nhiều càng tốt. BS Thơm cho biết, dùng kem chống nắng đúng cách cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Dùng lượng kem chống nắng vừa đủ. Nếu dùng thiếu, làn da không có tác dụng bảo vệ tối ưu, dùng quá nhiều sẽ gây lãng phí, đồng thời gây bít dính làn da, dễ nổi mụn. Trong thời gian chỉ ngồi trong nhà, không đi ra ngoài nắng, chị em nên bôi 2 đốt ngón tay kem chống nắng cho vùng mặt là vừa đủ.
- Thông thường, bạn dùng kem chống nắng trước 15-20 phút khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2-3 giờ phải bôi lại kem chống nắng. Tuy nhiên, hiện nay nếu bạn chỉ ngồi trong nhà, không tiếp xúc ánh nắng có tia UV thì có thể bôi mỗi ngày 2 lần kem chống nắng. Đối với kem chống nắng có chỉ số SPF 50, bôi lượng dày thì bạn có thể không cần phải bôi lại khi chỉ ngồi trong nhà.
- Dùng kem chống nắng sau khi bôi sản phẩm dưỡng da và trước khi trang điểm (nếu có).
- Phải tẩy trang sau dùng kem chống nắng vì sữa rửa mặt không thể làm sạch được kem chống nắng. Nói chung các bước skincare khi ở nhà với đi làm cần đảm bảo từng bước, vì một làn da khỏe đẹp, đặc biệt còn tránh bệnh về da trong thời gian dịch bệnh kéo dài.