Nghiên cứu về môi trường có quy mô cực lớn đang khiến giới đam mê du lịch phải đau lòng

J.D, Theo Helino 19:45 08/05/2018

Những người đam mê du lịch không biết rằng họ đang gián tiếp khiến Trái đất phải chịu khổ theo cái cách không ai ngờ tới.

Bạn biết không, ngay cả việc xách ba lô lên và đi thôi cũng góp một phần không nhỏ vào lượng khí nhà kính thải ra mỗi năm.

Nghiên cứu về môi trường có quy mô cực lớn đang khiến giới đam mê du lịch phải đau lòng - Ảnh 1.

Hiển nhiên rồi! Ngoại trừ đi bộ hoặc đi xe đạp, muốn đi du lịch cho thoải mái thì phải đi máy bay, hoặc tàu hỏa, hoặc "bèo" cũng là ô tô. Các phương tiện này dùng nhiên liệu hóa thạch, nên dù ít dù nhiều đều tạo ra khí thải vào môi trường.

Biết là vậy, nhưng có lẽ chẳng ai ngờ được rằng lượng khí thải đến từ du lịch lại lớn quá mức tưởng tượng. Theo một nghiên cứu mới đây từ 3 trường ĐH lớn là Sydney, Queensland (Úc) và Cheng Kung (Trung Quốc), con số thực tế lớn hơn gấp 4 lần so với những gì khoa học ước lượng từ trước đến nay.

Cụ thể, các chuyên gia đã cùng nhau đánh giá toàn bộ các yếu tố liên quan đến du lịch trên phạm vi toàn cầu - bao gồm phương tiện di chuyển, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm... và nhiều loại hàng hóa khác. 

Tổng cộng, ngành du lịch chịu trách nhiệm tới 8% lượng khí thải toàn cầu - con số lớn hơn tưởng tượng rất nhiều. 

Những con số đáng lo ngại

Du lịch là ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô, và nó đang ngày càng phát triển mạnh hơn nhờ vào quá trình toàn cầu hóa. 

Để có được số liệu từ ngành công nghiệp này, các chuyên gia đã tìm hiểu về chuỗi cung ứng hàng hóa du lịch. Bằng cách kết hợp với dữ liệu về giao thương quốc tế, họ lập ra được "dòng chảy carbon" giữa 160 quốc gia trên thế giới, trong giai đoạn 2009 - 2013.

Nghiên cứu về môi trường có quy mô cực lớn đang khiến giới đam mê du lịch phải đau lòng - Ảnh 2.

Kết quả cho thấy trong giai đoạn này, lượng khí thải liên quan đến du lịch đã tăng 15%, từ 3,9Gt (Gigaton: 1Gt = 1 tỉ tấn) lên 4,5Gt. Con số đến từ quá trình di chuyển, ăn uống và mua sắm.

Theo dự đoán, với tốc độ phát triển như hiện tại, lượng khí thải sẽ đạt tới 6,5Gt vào năm 2025. 

Trách nhiệm là của ai?

Hay đơn giản hơn, phải chăng du khách và các khu du lịch phải chịu trách nhiệm cho hệ quả này?

Theo tiến sĩ Arunima Malik từ ĐH Sydney, nếu lỗi là của du khách, chúng ta sẽ phải tìm ra những quốc gia có người dân "máu" đi du lịch nhất, rồi tìm ra cách để giảm lượng khí thải qua mỗi lần du lịch.

Còn nếu nghiên cứu tiếp cận theo hướng trách nhiệm của khu du lịch, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Các khu du lịch sẽ được hưởng lợi nhờ công nghệ phát triển, và các chính sách giảm lượng khí thải của chính quyền. Ngoài ra, giới khoa học có thể đánh giá được tốc độ giảm khí thải dựa vào đó. 

Nghiên cứu về môi trường có quy mô cực lớn đang khiến giới đam mê du lịch phải đau lòng - Ảnh 3.

Nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ là quốc gia phải chịu trách nhiệm lớn nhất - dù là theo hướng tiếp cận nào. Đây là quốc gia có nhiều người đi du lịch nhất, và cũng thu hút được nhiều khách du lịch nhất. Theo sau là Trung Quốc, Đức và Ấn Độ. 

Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào nền tảng tính toán. 

Nếu tính theo diện khí thải bình quân đầu người, thì các hòn đảo nhỏ lại phải chịu trách nhiệm nhiều nhất. Như Maldives, 95% lượng khí thải liên quan đến du lịch là vì du khách nước ngoài. 

Không dễ để cải thiện tình hình tại các đảo du lịch

Đặc biệt, là tình hình hình ở các hòn đảo ấy có vẻ cũng không mấy khả quan. Các hòn đảo nhỏ như Maldives phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thu nhập từ du lịch. 

Nhưng đổi lại, du khách quá đông dễ khiến thiên nhiên hoang sơ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn nữa, theo tiến sĩ Ya-Yen Sun từ ĐH Queensland, do quy mô kinh tế quá nhỏ và vị trí quá biệt lập, các hòn đảo này thường khó lòng tiếp cận được công nghệ mới, giúp thân thiện hơn với môi trường. 

Trách nhiệm của từng cá nhân

Theo Malik, đây là nghiên cứu đầu tiên về quy mô khí thải liên quan đến du lịch trong lịch sử, và nó sẽ đặt nền móng cho các cuộc hội thảo sau này. Chính phủ các nước cần phải đưa ra các chính sách, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững hơn.

Nghiên cứu về môi trường có quy mô cực lớn đang khiến giới đam mê du lịch phải đau lòng - Ảnh 4.

Còn với từng cá nhân, chúng ta có thể làm được gì? 

Đơn giản thôi! Hãy nhớ rằng mỗi chuyến bay kéo dài 2 tiếng, chúng ta đã thải ra môi trường tới gần 1 tấn khí CO2. Trong khi đó cùng một quãng đường, tàu điện thải ra lượng khí ít hơn tới 91%, còn ô tô cũng giảm được tới 85%. Nếu như không vội, bạn biết sẽ phải làm gì rồi đúng không? 

Tham khảo: Science Alert, Nature
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày