Nghiên cứu mới: Nguy cơ ung thư tăng gấp 5 lần nếu ngày nào cũng uống loại nước người trẻ "rất mê" này

Kim Phụng, Theo thanhnienviet.vn 15:36 28/03/2025
Chia sẻ

Chế độ ăn uống kém lành mạnh có mối quan hệ mật thiết với nguy cơ ung thư ở mọi lứa tuổi.

Theo báo cáo của United Press International, nghiên cứu mới của Đại học Washington phát hiện ra rằng những phụ nữ uống ít nhất một loại nước ngọt có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng (OCC) cao hơn khoảng 5 lần so với những người tránh hay không có thói quen uống những loại đồ uống này.

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư khoang miệng và nước ngọt có đường

Trong một bài báo mới được công bố trên tạp chí JAMA Otolaryngology - Head & Neck Surgery, các nhà nghiên cứu của Đại học Washington đã xem xét dữ liệu chăm sóc sức khỏe dài hạn của hơn 162.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe và xác định được 124 trường hợp mắc OCC trong số họ.

Nghiên cứu mới: Nguy cơ ung thư tăng gấp 5 lần nếu ngày nào cũng uống loại nước người trẻ "rất mê" này- Ảnh 1.

Ảnh: Healthline

Dựa vào việc phân tích báo cáo lượng đường tiêu thụ hàng tháng của người tham gia, tiến hành bốn năm một lần, sau đó so sánh lượng đường tiêu thụ đó với việc họ có bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống ít nhất một loại đồ uống có ga/có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc OCC cao hơn 4,87 lần so với những người uống ít hơn một loại đồ uống như vậy mỗi tháng.

Đối với những người không hút thuốc hoặc uống rượu - hoặc uống ít - thì con số thậm chí còn đáng lo ngại hơn: Những người tiêu thụ một hoặc nhiều lon nước ngọt có đường mỗi ngày có khả năng mắc OCC cao hơn 5,46 lần so với những người uống ít hơn một lon mỗi tháng.

Thay vì ám chỉ rằng chính lượng đường trong nước ngọt khiến mọi người mắc OCC, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng "chế độ ăn nhiều đường hơn có thể góp phần gây ra tình trạng viêm mãn tính". Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường với bệnh nướu răng - và bệnh này lại có liên quan đến bệnh ung thư miệng.

Nghiên cứu mới: Nguy cơ ung thư tăng gấp 5 lần nếu ngày nào cũng uống loại nước người trẻ "rất mê" này- Ảnh 2.

Ảnh: Eat This Not That

Kết luận

Rõ ràng là cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để xác định mối liên hệ này được rõ ràng hơn, nhưng trong thời gian chờ đợi, việc cắt giảm lượng nước ngọt có đường tiêu thụ mỗi ngày và thay bằng các lựa chọn lành mạnh hơn như nước lọc, nước trái cây tươi,... sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn đối với sức khỏe tổng thể.

Theo WebMD, tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể gây ra các tác động tiêu cực tới cơ thể bao gồm:

- Não bộ: Tiêu thụ đường bổ sung giúp não tăng đột biến một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu, thỏa mãn gọi là dopamine. Điều đó giải thích tại sao bạn có nhiều khả năng thèm một thanh kẹo vào đầu giờ chiều. Theo thời gian, nó tạo ra một phản ứng "bắt buộc phải có" hay còn gọi là nghiện đường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Y UCLA (Mỹ) cho biết, cơ thể tiêu thụ một lượng đường fructose cao thực sự có ảnh hưởng và làm chậm quá trình hoạt động của não, cản trở bộ nhớ.

- Tâm trạng: Thỉnh thoảng ăn kẹo hoặc bánh quy ngọt có thể giúp bạn tăng năng lượng nhanh chóng bằng cách tăng nhanh lượng đường trong máu. Khi lượng đường giảm xuống do các tế bào hấp thụ đường, bạn có thể cảm thấy bồn chồn và lo lắng. Nhưng nếu thường xuyên cần dùng tới kẹo ngọt nếu không sẽ bị buồn ngủ hay kém tập trung thì sẽ rất "báo động". Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng đường tiêu thụ cao với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở người trưởng thành.

- Răng: Ăn nhiều đường bổ sung làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng, chẳng hạn như sâu răng.

Nghiên cứu mới: Nguy cơ ung thư tăng gấp 5 lần nếu ngày nào cũng uống loại nước người trẻ "rất mê" này- Ảnh 3.

Ảnh: Healthline

- Khớp: Ăn nhiều đồ ngọt đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp do tình trạng viêm mà chúng gây ra trong cơ thể. Thêm vào đó, các nghiên cứu cho thấy những người ăn hoặc uống nhiều đường có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn.

- Da: Lượng đường dư thừa bám vào protein trong máu của bạn và tạo ra các phân tử có hại được gọi là “AGEs” hoặc các sản phẩm cuối của quá trình glycation. Các phân tử này làm lão hóa làn da của bạn bằng cách phá hỏng các liên kết collagen và elastin trong da. Kết quả là gì? Nếp nhăn và da chảy xệ xuất hiện ngày một nhiều hơn theo thời gian.

- Gan: Fructose được xử lý trong gan và với số lượng lớn có thể gây hại cho gan. Khi fructose bị phân hủy trong gan, nó được chuyển hóa thành chất béo. Điều này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Trái tim: Khi bạn ăn hoặc uống quá nhiều đường bổ sung, lượng insulin dư thừa trong máu có thể ảnh hưởng đến các động mạch trên khắp cơ thể. Nó khiến thành động mạch bị viêm, dày hơn bình thường và trở nên cứng hơn, từ đó gây căng thẳng cho tim và làm tổn thương trái tim theo thời gian. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim, như suy tim, đau tim và đột quỵ.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người ăn nhiều đường bổ sung (ít nhất 25% lượng calo của họ đến từ đường bổ sung) có khả năng tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi so với những người có chế độ ăn uống ít đường hơn 10% tổng lượng calo từ đường bổ sung.

- Tuyến tụy: Khi bạn ăn, tuyến tụy của bạn sẽ bơm insulin. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều đường bổ sung và cơ thể sẽ ngừng phản ứng đúng cách với insulin, tuyến tụy của bạn sẽ bắt đầu bơm nhiều insulin hơn nữa. Cuối cùng, tuyến tụy làm việc quá sức sẽ bị tổn thương và lượng đường trong máu tăng lên, dẫn tới bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim.

- Cân nặng: Có lẽ đây không phải là tin tức mới đối với bạn, nhưng càng ăn nhiều đường bổ sung, bạn sẽ càng nhanh tăng cân. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên uống đồ uống có đường có xu hướng nặng cân hơn và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn so với những người không có thói quen này.

Nguồn: Aboluowang, WebMD

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày