Nghiên cứu: Cứ 10 người lại có 1 người đã từng trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết trong giấc mơ

Thiên Long, Theo Trí Thức Trẻ 21:35 05/07/2019

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, trải nghiệm cận tử hay cảm giác cận kề cái chết có thể kết nối với một hiện tượng khác gọi là “lucid dreaming” hay “giấc mơ sáng suốt”.

Trải nghiệm cận tử (NDE) là hiện tượng thường xảy ra ở những người từng gặp phải các sự cố đe dọa đến tính mạng như tai nạn xe hơi, đau tim, chiến đấu với kẻ thù hoặc sinh con.

Nghiên cứu: Cứ 10 người lại có 1 người đã từng trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết trong giấc mơ - Ảnh 1.

Mặc dù hiện tượng này được cho là hiếm gặp nhưng theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch cho thấy, phần lớn mọi người đã từng trải qua cảm giác cận kề cái chết. Trên thực tế nghiên cứu cho thấy cứ 10 người thì có 1 người đã trải qua cảm giác này, tức khoảng 10% người trong tổng 1 ngàn người tham gia nghiên cứu đến từ 35 quốc gia.

Trước hết họ sẽ được xác nhận đã trải qua cảm giác NDE hay chưa. Nếu họ có, họ sẽ tiếp tục trải qua một công cụ đánh giá với tên gọi Thang đo trải nghiệm cận tử Greyson xoay quanh 16 triệu chứng cụ thể.

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thu thập các thông tin về trải nghiệm giấc mơ của họ và phát hiện những trải nghiệm phổ biến nhất gồm nhận thức về thời gian bất thường (87%), tốc độ suy nghĩ (65%),…và cảm giác tách biệt khỏi cơ thể sống (53%).

Tổng cộng có 289 người khẳng định đã trải qua cảm giác NDE và 106 người trong số đo còn đạt đến ngưỡng 7 trong thang đo Greyson, tức là xác nhận hiện tượng NDE gần như đã xảy ra. Khoảng 55% cho rằng, NDE thực sự đã đe dọa tính mạng của họ và 45% cho rằng mọi thứ rất bình thường.

Nạn nhân thường mô tả bản thân dường như đã chết và thấy một sự bình yên đến lạ thường giống như thể một người đã qua đời. Họ cảm giác toàn thân bất động và vô cùng bối rối. Chỉ có khoảng 27% người cho rằng, trải nghiệm này dễ chịu nhưng có tới 73% người khẳng định, điều đó thật đáng sợ vì họ dường như đang trải nghiệm cảm giác mình sắp chết.

Giống như hiện tượng giấc mơ sáng suốt, những người đã từng trải nghiệm NDE cho biết, họ đã có trải nghiệm gần như không liên quan đến cơ thể hay vật chất mà là những trải nghiệm ở một thế giới tâm linh.

Một số người từng trải qua NDE cho biết, họ nhìn thấy linh hồn của họ bị tách ra khỏi thể xác, tiếng ca hát của các thiên thần và nhận thức được rằng mình không còn là một thực thể sống. Nhiều người còn thấy một đường hầm và ánh sáng rực rỡ ở phía trước, thậm chí họ đã có cơ hội gặp lại những người thân yêu đã mất.

Nghiên cứu: Cứ 10 người lại có 1 người đã từng trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết trong giấc mơ - Ảnh 2.

Một số lượng lớn người từng trải nghiệm NDE cũng trải qua những giấc mơ sáng suốt như vậy. Và mối tương quan này đang là điều mà các nhà khoa học đau đầu tìm kiếm để trả lời cho những câu hỏi về trải nghiệm cận tử.

Tác giả nghiên cứu đồng thời là Tiến sĩ Daniel Kondziella, một nhà thần kinh học tại Đại học Copenhagen xác nhận hai hiện tượng này có thể đã liên kết với nhau bằng cách nào đó.

Trong tình huống não bộ cảm nhận được sự đe dọa tính mạng mặc dù cơ thể chưa chết, não sẽ phản ứng theo cách riêng của nó. Phản ứng này thường xuất hiện trước những tình huống bất ngờ và nguy hiểm và đó cũng là nguyên nhân tạo nên hiện tượng giấc mơ sáng suốt.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu mối liên hệ giữa NDE và giai đoạn giấc ngủ Rapid Eye Movement (REM). Đây là giai đoạn khi khi mắt di chuyển nhanh và con người chìm sâu vào giấc mộng, đặc biệt có cảm giác như bị tê liệt tạm thời vì não bộ gửi tín hiệu đến cột sống về việc ngăn chặn cánh tay và chân di chuyển.

Khi giấc ngủ REM xâm nhập vào trạng thái thức, một số người còn khẳng định họ gặp ảo giác và các triệu chứng như thể bị tê liệt, không thể cử động được dù rằng đã tỉnh dậy.

Mặc dù nghiên cứu trên chưa được đăng tải trên bất cứ tạp chí khoa học nào nhưng nó đã được chia sẻ tại Đại hội Viện hàn lâm thần kinh học Châu Âu mới đây. Đây là kết quả của nhóm nghiên cứu chung đến từ Bệnh viện ĐH. Copenhagen, bệnh viện Rigshospitalet, ĐH. Copenhagen, Trung tâm nghiên cứu đột quỵ Berlin và ĐH. Công nghệ Na Uy.

Tham khảo Interesting Engineering