Từ trước tới nay, quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền của một tác giả luôn là vấn đề nan giải. Tại Trung Quốc, hệ thống bảo hộ pháp lý đôi lúc vẫn khiến những nhà sáng tạo nghệ thuật chân chính phải than trời khi chưa thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Chẳng thế mà hằng năm, công chúng thỉnh thoảng lại được nghe dăm ba tin tức liên quan đến chuyện kiện tụng bản quyền, đạo nhái trong giới phim ảnh, đặc biệt là ở dòng phim chuyển thể.
Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là những bộ phim vướng nghi án "đạo phẩm" vẫn có thể dễ dàng đạt được thành công, đặc biệt là về mặt truyền thông. Phải chăng chính người xem đang ngầm tiếp tay cho hành động sao chép, đạo nhái trắng trợn ấy của một bộ phận tác giả bằng cách ủng hộ, tung hô "đạo phẩm"?
1. Chân Hoàn Truyện
Chân Hoàn Truyện hay Hậu Cung Chân Hoàn Truyện là bộ phim truyền hình ăn khách được chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của Lưu Liễm Tử. Tác phẩm không chỉ gây sốt tại thị trường Đại lục mà còn càn quét tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan trong năm 2011 – 2012.
"Chân Hoàn Truyện" luôn được đánh giá là một tác phẩm kinh điển về đề tài cung đấu
Tuy nhiên, vào thời điểm tác phẩm này lên sóng, từng có một vài cư dân mạng "vạch mặt" Hậu Cung Chân Hoàn Truyện đã đạo văn. Nhưng vì sức ảnh hưởng của bộ phim quá lớn, vụ việc cũng dần đi vào quên lãng. Đến tháng 8/2017, một blogger lần nữa lên tiếng tố Lưu Liễm Tử đã sao chép những tiểu thuyết khác - trong đó có Lãnh Nguyệt Như Sương và Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn của Phỉ Ngã Tư Tồn - rồi đưa vào nội dung tác phẩm của mình. Khi ấy, "mẹ kế" Phỉ đã vô cùng tức giận, dành hẳn một bài đăng để mắng Lưu Liễm Tử.
Một trong những hình ảnh so sánh mà cư dân mạng thực hiện cho thấy, chỉ trong một đoạn văn ngắn mà hai tác phẩm lại có quá nhiều sự trùng hợp (Bên trái là "Hậu Cung Chân Hoàn Truyện" của Lưu Liễm Tử ra mắt vào năm 2007, còn bên phải là "Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn" của Phỉ Ngã Tư Tồn xuất bản năm 2006)
Không chỉ có vậy, Phỉ Ngã Tư Tồn còn tiết lộ một sự thật thú vị và cũng là bằng chứng tiên quyết vạch trần hành vi sao chép, đạo nhái của Lưu Liễm Tử. Cụ thể, trong Lãnh Nguyệt Như Sương, Phỉ Ngã Tư Tồn có trích dẫn một ý thơ nhưng do sơ ý nên viết sai. Trong Chân Hoàn Truyện cũng có sử dụng tứ thơ tương tự và mắc lỗi sai y hệt. Vậy có nghĩa là, Lưu Liễm Tử đã "copy" lại còn chẳng buồn kiểm tra lại! Ngoài ra, cư dân mạng còn cho rằng nguyên tác Chân Hoàn Truyện cũng đạo cả tác phẩm Ma Thổi Đèn và Song Thành.
Câu thơ Đường bị trích sai chẳng biết là vô tình hay cố ý?
Khi "bới lông tìm vết", khán giả càng tìm ra nhiều điểm tương đồng đến khó hiểu giữa "Chân Hoàn Truyện" và những tác phẩm khác
Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận được – Đó chính là bộ phim "Chân Hoàn Truyện" vẫn là một tác phẩm xuất sắc của truyền hình Hoa Ngữ. Chỉ tiếc là sau khi đã thành công vang đội khắp Châu Á, nó lại xuất hiện vết nhơ đạo nhái!
2. Mị Nguyệt Truyện
Tuy không xuất sắc như Chân Hoàn Truyện nhưng Mị Nguyệt Truyện của "nữ hoàng rating" Tôn Lệ vẫn được coi là một tác phẩm truyền hình chất lượng cao của làng giải trí Hoa Ngữ. Tuy nhiên, tương tự như Chân Hoàn Truyện, bom tạ cổ trang dài tập này cũng vướng phải vụ tranh chấp giữa hai biên kịch là Tưởng Thắng Nam và Vương Tiểu Bình.
"Mị Nguyệt Truyện" cũng không thoát khỏi vấn nạn đạo nhái
Vốn dĩ, tiểu thuyết Mị Nguyệt Truyện được Tưởng Thắng Nam viết và đăng tải trên mạng Tấn Giang kể từ năm 2009. Sau này, công ty Hoa Nhi muốn làm thành phim truyền hình nên đã liên hệ với Tưởng Thắng Nam để hợp tác dưới hình thức biên kịch, còn đưa thêm một số yêu cầu vô lý như hạn chế thời gian xuất bản của tiểu thuyết Mị Nguyệt Truyện. Mọi chuyện trở nên rối ren khi xuất hiện cái tên Vương Tiểu Bình.
Như vậy, rõ ràng là nhà sản xuất "Mị Nguyệt Truyện" đã không trả thù lao xứng đáng cho Tưởng Thắng Nam. Công chúng thì cảm thấy phẫn nộ vì tình trạng đạo nhái, ăn cắp bản quyền hay chèn ép người yếu thế xảy ra liên miên
Điều đáng nói ở đây là trong poster chính thức của Mị Nguyệt Truyện, hoàn toàn không hề có tên của tác giả Tưởng Thắng Nam mà chỉ đề tên Vương Tiểu Bình. Theo chia sẻ của Tưởng Thắng Nam, kịch bản của Mị Nguyệt Truyện do mình hoàn thiện. Vào thời điểm tác giả giao kịch bản cho nhà sản xuất, Tưởng Thắng Nam không hề nhận về phản hồi nào từ phía công ty là "chưa đạt, cần chỉnh sửa". Vương Tiểu Bình cũng tham gia vào khâu nội dung nhưng chỉ đưa ra một vài góp ý vô thưởng vô phạt.
Đến khi Mị Nguyệt Truyện bước vào giai đoạn tuyên truyền, phía đạo diễn Triệu Hiểu Long cùng công ty ký kết hợp đồng với Tưởng Thắng Nam bắt đầu lật lọng. Họ tìm cách đẩy tác giả ra rìa, thiếu tôn trọng tác giả đến mức phủi sạch sự liên hệ giữa phiên bản phim và tiểu thuyết. Thậm chí, họ còn ép Tưởng Thắng Nam thừa nhận, tổng biên kịch của Mị Nguyệt Truyện là Vương Tiểu Bình. Nói cách khác, đơn vị sản xuất đã cướp đoạt đứa con tinh thần của Tưởng Thắng Nam một cách trơ trẽn. Một số nguồn tin cho biết, Vương Tiểu Bình là vợ của đạo diễn Triệu Hiểu Long.
Nhà sản xuất thì một mực cho rằng mình làm đúng nguyên tắc ghi trong hợp đồng
Sự việc chưa dừng lại ở đó, nhà sản xuất Mị Nguyệt Truyện cũng đưa ra thông cáo phản pháo và tố cáo Tưởng Thắng Nam dối trá. Trong hợp đồng ghi rõ, Mị Nguyệt Truyện được cải biên từ tiểu thuyết của Tưởng Thắng Nam. Do Vương Tiểu Bình đã phải mất nhiều công sức chỉnh sửa theo yêu cầu của nhà sản xuất đến 6 lần, nên việc đề tên biên kịch như vậy là hoàn toàn hợp lí.
3. Hoa Thiên Cốt
Tiếp nối sự kiện một loạt các tác phẩm chuyển thể bị "bóc phốt" đạo nhái, một bộ phim cùng thể loại từng gây bão màn ảnh nhỏ Hoa Ngữ năm 2014 cũng rơi vào tầm ngắm của netizen – Hoa Thiên Cốt.
"Hoa Thiên Cốt" của tác giả Fresh Quả Quả vướng vào nghi án sao chép, ăn cắp ngôn từ, tình tiết từ hàng loạt những tác phẩm khác
Bộ phim đạt được tỷ suất rating ấn tượng, góp phần tạo nên tên tuổi của bộ đôi Triệu Lệ Dĩnh – Hoắc Kiến Hoa
Cư dân mạng đã chỉ ra rằng, cách thức sao chép của Fresh Quả Quả tương tự với Đường Thất Công Tử, đó là cắt mỗi truyện một chút rồi xào lại như một nổi lẩu thập cẩm. Theo phân tích, Hoa Thiên Cốt hay còn gọi là Tiên Hiệp Kỳ Duyên Chi Hoa Thiên Cốt đã "đạo" tổng cộng 4 truyện, lần lượt là Hoa Khai Bất Ký Niên, Tiêu Thanh Yết, Tiên Kiếm Thần Khúc và Sưu Thần Ký.
Bảng màu so sánh những tình tiết giống nhau đến 90% giữa nguyên tác "Hoa Thiên Cốt" và các tác phẩm chính chủ khác
Thời điểm thông tin đạo nhái nổ ra, các fan "cứng" của Hoa Thiên Cốt một mực lên tiếng phản bác và nhất quyết bảo vệ Fresh Quả Quả cùng bộ phim chuyển thể. Họ đưa ra hàng loạt lý do khó chấp nhận như "Chỉ tham khảo, chỉ là sự trùng hợp, chỉ là những câu thoại đời thường ai cũng nói"... Nhưng thực tế thì, sao chép một cụm từ cũng là sao chép, đạo nhái một tình tiết cũng là đạo nhái!
4. Cẩm Tú Vị Ương
Cẩm Tú Vị Ương – bộ phim từng làm mưa làm gió những tháng cuối năm 2016 của cặp đôi "phim giả tình thật" Đường Yên – La Tấn – cũng là một "đạo phẩm". Thực tế từ năm 2013, nguyên tác Cẩm Tú Vị Ương (tên gọi khác: Thứ Nữ Hữu Độc) của Tần Giản đã dính phải nghi án vay mượn từ nhiều bộ truyện khác. Thế nhưng, truyện vẫn được mua bản quyền và chuyển thể thành phim truyền hình.
Nguyên tác "Cẩm Tú Vị Ương" gây sốc khi đạo tới hơn 200 tiểu thuyết khác
Khi phim bắt đầu tạo nên cơn sốt tại Đại Lục, cư dân mạng mới thi nhau "đào mộ" lại lùm xùm năm nào. Một nhóm netizen thậm chí đã dành ra 3 năm để nghiên cứu về nguyên tác Cẩm Tú Vị Ương bằng phần mềm chuyên dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguyên tác của Cẩm Tú Vị Ương có 294 trang thì chỉ có vỏn vẹn 9 trang là sản phẩm sáng tạo của nhà văn Tần Giản. Còn lại thì hoặc là tham khảo, hoặc là copy y nguyên từ các tiểu thuyết lịch sử, ngôn tình, kiếm hiệp. Các tác phẩm bị vay mượn tiêu biểu gồm: Hồng Lâu Mộng, Trường Ca Thiên Hạ, Tây Sương Ký, Hoàng Đế Càn Long. Nhóm này còn cho biết thêm, Tần Giản lười đến mức chẳng buồn thay đổi tên nhân vật và địa điểm bối cảnh.
Tần Giản lười đến mức bê nguyên cả tên nhân vật ở tiểu thuyết khác vào truyện của mình?
Tuy nhiên, sự thật là nghi án đạo nhái dường như chỉ khiến bộ phim càng trở nên "hot" hơn. Nhiều người xem còn ca ngợi đây là tác phẩm đánh dấu màn lột xác của "bánh bèo" Đường Yên, từ cô gái yếu đuối thành nữ chính mạnh mẽ, quyết đoán trên màn ảnh nhỏ.
Cặp đôi Đường Yên – La Tấn trong "Cẩm Tú Vị Ương" vẫn được công chúng yêu mến
5. Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa
Lùm xùm đạo nhái "hot" nhất trong năm 2017 chắc chắn phải thuộc về tác giả Đường Thất Công Tử và bộ phim huyền huyễn đình đám Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa. Trước đó, tiểu thuyết cùng tên đã không ít lần dính vào nghi án đạo nhái. Tuy nhiên, chỉ đến khi tác phẩm truyền hình chuyển thể được phát sóng và gây sốt tại Đại lục thì mọi chuyện mới trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
Tỷ suất rating của "Tam Sinh Tam Thế" của bộ đôi Dương Mịch – Triệu Hựu Đình giành vị trí quán quân trong thời điểm lên sóng
Theo đó, tiểu thuyết ngôn tình Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa của Đường Thất Công Tử đã sao chép tác phẩm đam mỹ Duyên Nợ Đào Hoa của tác giả Đại Phong Quát Quá. Các fan chính chủ đã tổng hợp rất nhiều bằng chứng chỉ rõ hành vi đạo nhái thiếu đạo đức của Đường Thất Công Tử. Điều đáng nói là dù khán giả có chỉ trích dữ dội thì Đường Thất vẫn mạnh dạn lên tiếng đính chính, phim truyền hình thì vẫn "hot" mà bản điện ảnh cũng đã ra rạp.
Bảng màu so sánh những điểm trùng hợp giữa "Tam Sinh Tam Thế" và "Duyên Nợ Đào Hoa"
Mặc bao sự phản đối, "Tam Sinh Tam Thế" vẫn ghi nhận tỷ suất rating và lượt xem trực tuyến "khủng". Có khán giả còn bức xúc chỉ trích cả Triệu Hựu Đình và Dương Mịch, khi cho rằng họ không có tự trọng, biết phim đạo nhái mà vẫn nhận tham gia!
Hành động đạo văn đáng lên án trên đã đánh động những người yêu mến tiểu thuyết không chỉ ở Trung Quốc, mà còn tại Việt Nam. Trong thời điểm đó, từ khóa #ĐườngThất_đạovăn đã xuất hiện ở hơn 36,000 bài viết/bình luận trên Weibo. Không những vậy, những tác giả nổi tiếng như Cố Mạn, Phong Lộng, Thanh Khâu, Công Tử Hoan Hỉ, Thiên Thủy Tam Thiên – Thiên Thủy Tầm – Đồng Hội cũng đứng lên ủng hộ tác giả Đại Phong Quát Quá, đồng thời cùng bảo vệ sự trong sáng cho nền văn học nước họ.
Dương Dương và Lưu Diệc Phi cũng nhận không ít gạch đá vì góp mặt trong bản điện ảnh của "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa"
6. Sở Kiều Truyện
Tác phẩm Sở Kiều Truyện của Triệu Lệ Dĩnh từng khiến biết bao khán giả mê mẩn cũng đã bị cư dân mạng lên án mạnh mẽ. Theo một blogger trên Weibo, từ năm 2011, nguyên tác của bộ phim là Đặc Công Hoàng Phi Sở Kiều Truyện đã bị nhiều bạn đọc nghi ngờ đạo các truyện như Cửu Châu, Tử Xuyên.
Không những thế, tác giả Tiêu Tương Đông Nhi ban đầu không thừa nhận sai phạm này, nhưng sau đó cũng xác nhận và hứa hẹn sẽ sửa chữa. Vậy mà nhiều năm sau, khi tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyền hình, Tiêu Tương Đông Nhi vẫn chưa hề sửa lại hoàn chỉnh như lời hứa trước đó.
Chưa phát sóng, "Sở Kiều Truyện" đã bị cho là "đạo phẩm"
Vào ngày 5/6 - ngày phát sóng đầu tiên của Sở Kiều truyện - tác giả Giang Nam đã lên tiếng chỉ trích Tiêu Tương Đông Nhi đạo tác phẩm Cửu Châu Phiêu Miểu Lục của mình. Nhà văn này còn thông qua luật sự gửi văn bản đến nhà sản xuất Sở Kiều truyện để làm việc về vấn đề đạo nhái.
Ban đầu, "Sở Kiều Truyện" gặp phải khá nhiều khó khăn về vấn đề bản quyền. Nhưng sau một thời gian, sự kiện này cũng lắng xuống và phim của Triệu Lệ Dĩnh – Lâm Canh Tân thì vẫn thành công rực rỡ
7. Như Ý Truyện
Như Ý Truyện của Lưu Liễm Tử là tác phẩm mới đây bị cư dân mạng bóc trần về việc đạo nhái trắng trợn. Nhiều khán giả cảm thấy bàng hoàng và hoang mang khi một dự án quy tụ dàn sao danh tiếng như Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Đổng Khiết, Trương Quân Ninh, Lý Thuần, Lý Thấm mà vẫn có thể vướng nghi án là đạo phẩm.
Nữ hoàng màn ảnh Châu Tấn vốn rất kén chọn kịch bản, tại sao cô có thể chọn một bộ phim được chuyển thể từ "đạo phẩm"?
Cụ thể, tài khoản Weibo có tên Mộng Lý Hoạ Thiên Thu bất ngờ đăng tải loạt hình ảnh chứng minh tác giả Lưu Liễm Tử đã đạo văn trong Hậu Cung Như Ý Truyện. Qua đó, blogger này đã chỉ ra những điểm mà Lưu Liễm Tử "copy" hoàn toàn từ hai tiểu thuyết Ma Thổi Đèn: Quỷ Xuy Đăng của nhà văn Thiên Hạ Bá Xướng và Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn của tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn.
Dàn diễn viên của "Như Ý Truyện" đều là mỹ nhân, nhà sản xuất của phim còn thu được mức tiền bản quyền phát sóng cao kỷ lục
Dẫu vậy, khán giả vẫn tin tưởng chắc nịch vào thành công của Như Ý Truyện và mong ngóng phim từng ngày. Có lẽ danh tiếng và thực lực của Châu Tấn vẫn sẽ khiến bộ phim trở thành siêu phẩm mà thôi!
Kết
Rõ ràng, thực trạng đạo văn tại Đại lục đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự trong sáng của nền truyền hình Hoa Ngữ. Nếu không có động thái và biện pháp mạnh mẽ hơn thì e rằng trong tương lai gần, khán giả sẽ phải xem toàn "đạo phẩm" mà thôi!