Tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương, hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.
Điểm b, c khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b,c khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP đều hướng dẫn về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động.
Theo đó, đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 29 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 73% tiền lương tháng đóng BHXH.
Còn đối với lao động nam, từ năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nam nghỉ hưu năm 2024, nếu đóng đủ 29 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 63% tiền lương tháng đóng BHXH.
Lương hưu của người nghỉ trước và sau 1/7/2024 có gì thay đổi?
Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ 1/7/2024 trở đi, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dự kiến sẽ được hưởng mức tiền lương mới cao hơn so với thời điểm hiện tại.
Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ 1/7/2024 sẽ có 3 mức điều chỉnh lương hưu cho 3 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương bao gồm:
Nhóm 1: Những người nghỉ hưu sau 1/7/2024
Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.
Việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, những người nghỉ hưu trước 01/7/2024 ngoài được áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) thì sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ các chế độ như những người nghỉ hưu bình thường.
Nhóm 2: Những người nghỉ hưu trước 1/7/2024
Đây là nhóm đối tượng sẽ được lưu ý khi thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Nhóm 3: Những người nghỉ hưu trước năm 1995
Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng này.
Như vậy, có thể nói khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024 và trước năm 1995 sẽ được xem xét tăng mức lương hưu phù hợp để đảm bảo tính hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị đẩy xa hơn, thiệt thòi hơn khi cải cách tiền lương.