Mỗi buổi sáng, trước các khu nhà ở xã hội ở ngoại ô thành phố Tumakuru (Ấn Độ ), một bầy trẻ em đổ ra đường.
Chúng không đi học. Không mang ba lô hoặc sách vở, mỗi đứa trẻ mang một bao tải bẩn thỉu.
Những đứa trẻ từ 6 đến 14 tuổi được cha mẹ sai đi lục tung các bãi rác đầy mảnh kính vỡ và bê tông để tìm rác nhựa có thể tái chế. Chúng hầu hết không đeo găng tay hoặc khẩu trang. Nhiều bé không có giày, đi chân trần với bàn chân chảy máu.
"Cháu ghét làm mấy thứ này". Rahul, một cậu bé 11 tuổi ở trường được khen là sáng dạ, nói như vậy. Hồi tháng Ba, Ấn Độ đóng cửa trường học vì đại dịch COVID-19 và Rahul phải đi lao động kiếm tiền.
Rahul, 11 tuổi, đang nhặt rác (Nguồn: The New York Times)
Ở nhiều nước đang phát triển, trường học đóng cửa khiến trẻ em phải ra đường. Gia đình chúng đang rất cần tiền. Trẻ em là nguồn lao động rẻ mạt, dễ dàng. Trong khi các nước phát triển tranh luận về hiệu quả của việc học trực tuyến, hàng trăm triệu trẻ em ở các nước nghèo thiếu máy tính hoặc Internet và không được học gì.
Liên hợp quốc ước tính rằng ít nhất 24 triệu trẻ em sẽ bỏ học và hàng triệu trẻ em có thể bị cuốn vào vòng xoáy lao động kiếm sống. Những đứa trẻ 10 tuổi hiện đang khai thác cát ở Kenya. Những đứa trẻ cùng tuổi đó đang cắt cỏ trên các đồn điền ca cao ở Tây Phi. Ở Indonesia, các bé trai và bé gái, có những bé chỉ 8 tuổi, đang sơn màu bạc lên người làm tượng sống để xin tiền.
John, 10 tuổi, đi lấy cát bán lấy tiền giúp gia đình ở Kenya (Nguồn: The New York Times)
Tình trạng gia tăng lao động trẻ em có thể làm xói mòn những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong việc thu hút trẻ em đi học, xóa mù chữ và sức khỏe của trẻ em.
Ông Cornelius Williams, một quan chức cấp cao của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết: "Tất cả những gì đã đạt được, tất cả những công việc mà chúng tôi đã và đang làm sẽ bị đảo ngược, đặc biệt là ở những nơi như Ấn Độ".
Lao động trẻ em chỉ là một phần của một thảm họa đang rình rập toàn cầu. Nạn đói nghiêm trọng đang đe dọa trẻ em từ Afghanistan đến Nam Sudan. Theo Liên hợp quốc, hôn nhân cưỡng bức đối với trẻ em gái đang gia tăng khắp châu Phi và châu Á cũng như nạn buôn bán trẻ em. Dữ liệu từ Uganda cho thấy các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên tăng lên trong thời gian đóng cửa trường học do đại dịch. Các nhân viên cứu trợ ở Kenya cho biết nhiều gia đình đã cho con cháu tuổi vị thành niên đi bán dâm để nuôi gia đình.
Tại Jakarta, thủ đô Indonesia, Surlina, 14 tuổi, tự sơn màu bạc lên người cho giống một bức tượng và quanh quẩn ở một trạm xăng, bàn tay giơ ra xin tiền. Mẹ cô bé làm nghề giúp việc gia đình. Cha cô bé bán các tác phẩm điêu khắc nhỏ cho đến khi đại dịch khiến anh chẳng còn bán được cho ai. Vào cuối mỗi ngày, cô bé đưa tiền kiếm được cho mẹ. Mẹ cô bé chính là người đã đưa sơn cho cô bé và hai em 11 và 8 tuổi sơn lên người.
Surlina, 14 tuổi và Jani, 8 tuổi, sơn cơ thể màu bạc để xin tiền ở thủ đô Jakarta, Indonesia (Nguồn: The New York Times)
Surlina nói: "Cháu không có việc gì khác. Cháu sống như thế này. Nhà cháu nghèo. Cháu không làm gì khác được".
Đôi khi cô bé cố gắng tự học với một cuốn sách bài tập lớp sáu. Trường học đã đóng cửa từ tháng 3. Nhưng vừa đi xin tiền vừa học thì khó.
Ở Ấn Độ, chính phủ đã đóng cửa các trung tâm phát triển mầm non cho người nghèo. Trong những thập kỷ gần đây, Ấn Độ đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp cả nước với hơn một triệu "anganwadis", có nghĩa là "sân trú ẩn" trong tiếng Hindu, cung cấp cho hàng triệu trẻ nhỏ thức ăn, vaccine, quần áo và một chút kiến thức phổ thông cũng như các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nghèo. Nhưng hầu hết các "anganwadis" tới giờ vẫn đóng cửa.
Theo thông tin từ hơn 50 cuộc phỏng vấn với trẻ em, cha mẹ, giáo viên, nhà thầu lao động và các nhà hoạt động vì trẻ em, trẻ em trong độ tuổi đi học ở Ấn Độ hiện đang làm đủ mọi công việc từ cuốn thuốc lá, xếp gạch cho đến phục vụ trà bên ngoài nhà thổ. Hầu hết đều là những việc bất hợp pháp. Phần lớn là những công việc nguy hiểm.
Saurabh Kumar là học sinh lớp sáu. Gia đình sinh sống ở bang Jharkhand. Do hoàn cảnh sống khó khăn, bố cậu bé bảo cậu tới giúp việc tại một xưởng sửa xe. Cách đây vài tháng, trong lúc cố gắng tháo một số bu lông động cơ sắc nhọn, cậu bé đã bị rách bàn tay.
Cậu bé kể lại: "Cháu nhìn thấy cả xương".
Trên một công trường xây dựng gần Gaya, một thị trấn ở bang Bihar (Ấn Độ), Mumtaz, 12 tuổi và anh trai Shahnawaz, 10 tuổi, vật lộn với công việc nặng nhọc.
Mumtaz (trái), 12 tuổi, và em trai là Shahnawaz, 10 tuổi, làm việc ở công trường xây dựng (Nguồn: The New York Times)
Với vẻ mặt nhăn nhó, Shahnawaz đội một chậu sỏi đá lên đầu. Đôi chân gầy guộc của cậu bé gần như khuỵu xuống. Cậu nheo mắt lại, trông như sắp khóc. Xung quanh cậu là những người đàn ông gấp ba tuổi cậu, chỉ đứng nhìn.
Shahnawaz nói: "Cháu bị đau đầu. Đêm không ngủ được. Cả người cứ khó chịu".
Anh trai của Shahnawaz dường như đã nhìn thấy tương lai của mình: "Cháu sợ là ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, cháu sẽ vẫn phải làm tiếp việc này vì gia đình còn mắc nợ".
Nhiều chuyên gia về các vấn đề trẻ em cho biết một khi trẻ em bỏ học và bắt đầu kiếm được tiền thì rất khó để đưa các em trở lại trường học.
Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa vô thời hạn các trường tiểu học và trung học cơ sở, ảnh hưởng đến hơn 200 triệu trẻ em. Có một số giáo viên đang tình nguyện tới dậy trẻ em tại nhà, trong các nhóm nhỏ. Chính quyền trung ương cũng đã cho phép học sinh trung học đến trường hỏi bài giáo viên nhưng nhiều bang vẫn không cho phép chuyện này.
Các quan chức chính phủ cho biết dịch COVID-19 khiến họ rất khó có giải pháp. Số ca mắc mới đôi khi lên tới gần 100.000 ca mỗi ngày. Trẻ em lại khó duy trì giãn cách xã hội.
Ông Rajesh Naithani, cố vấn Bộ giáo dục Ấn Độ, khẳng định: "Trẻ em có thể trở thành vật trung gian truyền virus".
Nhiều phụ huynh được phỏng vấn cho biết họ phải chịu áp lực rất lớn, buộc phải cho những đứa con đang nghỉ ở nhà đi làm.
Anh Mohammad Mustakim Ansari, một thợ xây đang thiếu việc làm và là cha của Mumtaz và Shahnawaz, cho biết: "Chúng tôi cần số tiền các cháu kiếm được. Nếu không, tôi sẽ không thể lo được hai bữa cơm mỗi ngày".
Những người sử dụng lao động có thể cảm nhận được sự tuyệt vọng. Nền kinh tế Ấn Độ đã giảm sút nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào. Tiền lương đang giảm mạnh.
Ông Biplab Das, một nhà thầu lao động ở Bang Tây Bengal, nói rằng các bậc cha mẹ liên tục đến trước cửa nhà ông cùng với những đứa con đang tuổi đi học. Một buổi sáng giữa tháng 9, một người đàn ông xuất hiện cùng con trai và con gái, 12 và 8 tuổi.
Ông Das cho biết, những đứa trẻ đứng lặng lẽ ở ngưỡng cửa và nhìn cha chúng "như thể chúng đang sắp bị ném vào lửa".
Ông Das nói rằng ông không tìm việc làm cho trẻ em vì điều đó là bất hợp pháp. Nhưng trong trường hợp này, vì sợ gia đình họ có thể chết đói, ông đã hướng dẫn họ đến một trạm nghỉ của tài xế xe tải, nơi đang cần một nhân công phục vụ trà. Cậu bé 12 tuổi hiện làm việc ở đó.
Ở Ấn Độ, trẻ em dưới 14 tuổi không được phép làm việc trừ khi trong một doanh nghiệp gia đình như nông trại hoặc trong một số trường hợp hiếm hoi khác, chẳng hạn như đóng phim vai trẻ em. Trẻ em bị cấm làm ở những nơi nguy hiểm như công trường xây dựng và nhà máy sản xuất thuốc lá. Nhưng vì đại dịch, UNICEF cho biết nhà chức trách ít tiến hành thanh tra hơn.
Nhiều trẻ em bây giờ sợ thức dậy vào buổi sáng, giống như tuổi thơ của các em đã đột ngột kết thúc.
Vào một buổi sáng gần đây, Rahul, 11 tuổi, đứng trên một con đường vắng ở Tumakuru, một trung tâm công nghiệp ở miền nam Ấn Độ. Ánh mắt trống rỗng trong đôi mắt nâu sẫm của cậu như đang nói: Mình đang làm gì ở đây?
Cha của cậu bé tên là Kempraju, một người suốt đời làm nghề nhặt rác thuộc một trong những tầng lớp thấp nhất xã hội Ấn Độ.
Anh Kempraju hỏi: "Con sẵn sàng chưa?".
Rahul chậm rãi gật đầu.
"Giày của con đâu?".
Rahul nhìn xuống đôi chân trần của mình.
Cậu bé trả lời: "Con không có".
Anh Kempraju cho hay công việc này "chẳng ra gì" nhưng anh không muốn Rahul nhàn rỗi trong khi cũng cần thêm người giúp.
"Nó giỏi sàng lọc". Anh nói như vậy khi nhìn Rahul lôi một chai nhựa ra khỏi hố rác, đập phẳng ra và thả vào túi của mình. Cuối ngày hôm đó, Rahul thấy một đôi dép lê trong đống rác. Cậu bé đi vào chân. Đôi dép chỉ gần vừa.
Trong khi Rahul đang nhặt rác, một nhóm nam sinh trạc tuổi cậu đi ngang qua. Chúng đeo ba lô, áo sơ mi là phẳng phiu. Chúng đang đi học với giáo viên dạy riêng.
Rahul đặt bao tải đựng chai nhựa xuống vỉa hè và nhìn chằm chằm theo một lúc.
"Thật đáng xấu hổ". Thầy giáo của Rahul, ông N. Sundara Murthy, chia sẻ: "Những đứa trẻ trước không hề phải nhặt rác bây giờ đang phải làm công việc này".
Ông Murthy nói thêm: "Rahul là một học sinh giỏi. Khả năng tiếp thu của em rất tốt. Từ vựng của em rất tốt. Em có IQ cao. Em nói rằng em muốn trở thành bác sĩ và em có thể làm được điều đó, nếu em được tạo điều kiện".
Sau một buổi sáng nhặt rác, Rahul đến trường học của mình ở trung tâm sầm uất của thành phố Tumakuru. Khuôn viên trường hoang vắng, chỉ có gió thổi. Người duy nhất còn ở đây là người trông coi trường, một phụ nữ trung niên mặc sari đang quét sân.
Từ một chùm chìa khóa khổng lồ, chị rút một chiếc ra và mở khóa phòng học lớp sáu. Rahul bước vào. Đôi mắt cậu bé thích nghi với bóng tối.
Nước đọng trên sàn nhà. Một tấm bản đồ Ấn Độ, lớp sơn bị bong ra, vẫn bám trên tường. Người khác sẽ thấy ngôi trường này tồi tàn.
Nhưng với Rahul thì không. "Cháu thực sự nhớ nơi này".
Rahul ngồi trong lớp nhớ lại thời đi học (Nguồn: The New York Times)
Rồi cậu bé bước ra ngoài, lại khoác lên vai bao tải đựng chai nhựa, đôi dép rộng lê trên đất. Cậu bé trở lại với công việc trên phố xá ồn ào.