Ngôn ngữ và giọng nói có mối liên quan mật thiết với nhau. Cùng một lời nói nhưng với giọng nói khác nhau thì biểu đạt ý nghĩa khác nhau - điều này thì hẳn ai cũng biết rõ rồi.
Giọng nói mỗi người được điều khiển bởi sự khống chế bản năng và sử dụng bộ máy phát âm của mình. Thế nhưng còn vô số sự thật thú vị về giọng nói mà không phải ai trong chúng ta cũng biết. Cùng check ngay nào!
Theo các chuyên gia, chỉ cần nghe giọng nói của 1 người thôi cũng có thể đoán được đặc điểm tính cách, địa vị và thậm chí là tuổi nữa.
Cụ thể là độ lớn và cường độ âm thanh trong lời nói của những người có địa vị cao thường tăng cao hơn bình thường, đồng thời âm sắc của giọng nói cũng trở nên đơn điệu hơn.
Bên cạnh đó, người có giọng nói ấm áp, bình tĩnh là người kìm nén cảm xúc rất tốt, thích tự lập... Trong khi người nói với giọng nhanh bật mí họ là người lạc quan. Giọng khàn đục cho thấy bạn là người có tính cách mạnh mẽ, cứng rắn, không thích dựa dẫm vào người khác nữa đó!
Tiến sĩ Gregory Postma - phó chủ tịch trung tâm nghiên cứu về rối loạn nuốt, giọng nói thuộc ĐH Augusta cho biết, không khí trên máy bay có độ ẩm thấp 8 - 12%, khô như sa mạc Arizona vậy.
Thế nên với độ ẩm thấp như vậy, nó sẽ tác động không nhỏ đến dây thanh âm khi phần miệng cứ mở ra đóng vào liên tục. Vì thế việc bạn nói chuyện với tần suất ít, ở mức tối thiểu có thể giúp bảo vệ giọng nói của bạn.
Nhiều người cho rằng, việc nói thì thầm có thể bảo vệ giọng nói của bạn, từ đó không khiến bạn bị viêm thanh quản hay đau họng. Nhưng thực tế điều này có thể làm hỏng giọng nói của bạn nhiều hơn.
Tiến sĩ Postma cho hay, "chúng tôi khuyên mọi người không nên nói thì thầm bởi lúc bạn nói nhỏ, thì thào - dây thanh âm của bạn phải siết chặt lại hơn". Thế nên cách tốt nhất là bạn nên nói bằng giọng bình thường, nhẹ nhàng - không quá to cũng không quá nhỏ nhé!
Thông thường, ta đã quá quen với giọng nói của mình. Nhưng cho đến 1 ngày đẹp trời, bạn bỗng nhận ra rằng, giọng nói của mình được thu âm lại nghe thật khác lạ - như thể đó là giọng nói của 1 người nào đó vậy.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của điều này là bởi khi ta nghe giọng của mình được ghi âm lại, sóng âm từ loa phát sẽ di chuyển trong không khí một quãng đường rồi mới lọt vào tai.
Âm thanh lúc này sẽ sáng và cao hơn với mức âm lượng bạn thường nghe và điều này đôi khi khiến bạn thấy kì quái và khó chịu.
Tuy nhiên, giọng nói này sẽ giống y như người khác nghe giọng của bạn khi nói chuyện.
Nguồn: RD