Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 "ông lớn" đầu tư hàng tỷ USD

Văn Nguyễn, Theo Tổ quốc 17:38 17/02/2023
Chia sẻ

Lần đầu tiên sau nhiều năm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Nghệ An đứng vào top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước.

Nghệ An thu hút vốn FDI đạt gần 1 tỷ USD

Sáng 17/2, tại TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tiếp và làm việc với Tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử, đối tác của Goertek Vina đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư tại Nghệ An.

Tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử, đối tác của Goertek Vina là công ty lớn chuyên sản xuất màn hình cảm ứng, bản vi mạch, các loại linh kiện điện tử công nghệ cao. Qua tìm hiểu, tập đoàn có nhiều ấn tượng về tiềm năng phát triển công nghiệp, lao động dồi dào với tay nghề được đào tạo, đặc biệt là môi trường đầu tư thông thoáng, có nhiều ưu đãi của tỉnh Nghệ An đối với các nhà đầu tư.

Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 ông lớn đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác Tập đoàn sản xuất điện tử, đối tác của Goertek Vina

Vì vậy, Tập đoàn sẽ khảo sát, lập kế hoạch và từng bước có quyết định đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Nếu mọi việc thuận lợi, tập đoàn sẽ thuê 20ha đất và dự kiến trong năm 2023 sẽ triển khai.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An nằm ở vị trí chiến lược, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, Nghệ An đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Nghệ An hiện có 5 khu công nghiệp: VSIP I, II; WHA và Hoàng Mai I, II đã và đang được đầu tư bởi các Nhà đầu tư hạ tầng có thương hiệu, chất lượng, dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Với quy mô lớn, hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, thuận lợi về giao thông đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không, cùng với đó là các ưu đãi cao nhất của Chính phủ, các khu công nghiệp này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh.

Vào cuối năm 2024, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành; Cảng nước sâu quốc tế Cửa Lò được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023, đưa vào khai thác, vận hành vào cuối năm 2025; Cảng hàng không quốc tế Vinh được đầu tư nâng cấp, mở rộng để thiết lập thêm một số tuyến bay trong nước và quốc tế (tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Thái Lan, Singapore…) và đầu tư thêm ga hàng hóa.

Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 ông lớn đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Khánh thành nhà máy may Nakano tại tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (thuộc Khu kinh tế Đông Nam) với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng vào cuối năm 2022

Hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh được thu hút đầu tư phát triển đa dạng và ngày càng hoàn thiện, hệ thống giáo dục của tỉnh Nghệ An cũng là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực hành động đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Nghệ An đã được đánh giá cao và trở thành một trong những điểm đến có nhiều tiềm năng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những năm gầy đây tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện đầu tư dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, luôn xem việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh.

Nhờ vậy, thời gian qua tỉnh đã thu hút thành công 4 Tập đoàn lớn thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất điện tử, thiết bị công nghệ thực hiện đầu tư và tiếp tục mở rộng dự án, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD.

Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 ông lớn đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 3.

Năm 2022 Nghệ An là 1 trong 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước

Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Nghệ An thu hút vốn FDI đạt gần 1 tỷ USD; với kết quả đó, Nghệ An lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng các Tập đoàn đang hiện diện tại Nghệ An và nếu Tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử, đối tác của Goertek Vina đến đầu tư tại Nghệ An trong thời gian tới sẽ tạo ra hệ sinh thái, hỗ trợ nhau trong phát triển.

Tạo việc làm cho hàng vạn công nhân

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An thông tin thêm, năm 2022, mặc dù việc thực hiện kế hoạch gặp nhiều khó khăn, nhất là giá cả nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh... song kinh tế ở Nghệ An phục hồi và phát triển khá toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,08%/KH 8,5-9,5% (đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ).

Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 ông lớn đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 4.

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP Nghệ An

Tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán, tăng 9,1% so với năm 2021 (trong đó, thu nội địa đạt 20.474 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.331 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 32.542,8 tỷ đồng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,34% so với năm 2021. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: đá xây dựng, xi măng, sữa chế biến, bia các loại, linh kiện điện tử, điện sản xuất… Một số nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm và có sản phẩm thương mại ổn định (như xi măng Tân Thắng, may An Hưng, Luxshare ICT Nghệ An...).

Trong đó, dự án "Sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử" hay Luxshare ICT (Nghệ An) 2 được đặt tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, trên diện tích 36,18 ha, với tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD.

Đặc biệt, Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Luxshare ICT có công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm/năm, tương đương 3.440 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu khởi công vào cuối tháng 1/2023 và sẽ chính thức đi vào sản xuất vào tháng 3/2024. Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động. Luxshare vốn được biết đến là một trong ba ông lớn sản xuất gia công cho Apple, bên cạnh Foxconn và Goertek.

Ngoài Luxshare, một ông lớn gia công cho Apple khác là Goerteck cũng lần đầu tiên đầu tư Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.

Nghệ An trở thành Trung tâm công nghệ mới của Việt Nam: Tự hào khi 4 ông lớn đầu tư hàng tỷ USD - Ảnh 5.

Khu nhà xưởng tại Công ty TNHH Luxshare ICT (Nghệ An). Ảnh Mai Liễu.

Sau hơn một năm thực hiện, Tập đoàn Goertek đã quyết định đầu tư tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An. Hai giai đoạn của dự án do Goertek dự kiến sẽ tạo ra tổng cộng 35.000 công việc cho người lao động.

Chỉ riêng 4 "ông lớn" là Luxshare, Goertek, Everwin và Ju Teng đã tạo ra 65.000 - 68.000 việc làm cho người lao động.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An thông tin, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 45.764,5 tỷ đồng, tăng 3,74% so với năm 2021. Lũy kế đến nay, Nghệ An đã thu hút được 115 dự án FDI còn hiệu lực thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký trên 2,5 tỷ USD.

"Số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia nhập thị có xu hướng tăng trở lại so với năm 2021. Các hoạt động kinh tế và dịch vụ hành chính được khôi phục sau giãn cách, điều này cho thấy dấu hiệu tích cực trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế tỉnh Nghệ An", ông Trường cho biết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày