"Ngày thứ Hai buồn": Hôm nay 21 tháng 1 là ngày u ám nhất của năm?

Đ.L, Theo Helino 18:00 21/01/2019
Chia sẻ

Điều đó có thể đúng bên Tây nhưng không phải với Việt Nam đâu, khi chúng ta vừa lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 cơ mà.

Hôm nay trên mạng xã hội Anh - Mỹ, rất nhiều người đã chia sẻ về những nỗi lo lắng, chán chường của mình. Lí do ư? Thì nhiều người vẫn bảo 21/1/2019 là ngày buồn rầu ảm đạm nhất của năm nay mà... 

Ngày thứ Hai buồn: Hôm nay 21 tháng 1 là ngày u ám nhất của năm? - Ảnh 1.

Nhưng điều đó có phải là sự thật?

Sự ra đời và phổ biến của "Blue Monday" - Ngày thứ Hai buồn

Liệu bạn đã bao giờ bạn tự hỏi, có một ngày trong năm mà rất nhiều người cùng cảm thấy nặng trĩu trong lòng hay không? Tiến sĩ khoa học Cliff Arnall đến từ xứ Wales, Vương quốc Anh đã nghĩ về chuyện đó hơn 10 năm trước. Ông xây dựng một công thức toán phức tạp, bao gồm các yếu tố như thời tiết, tiền nợ, tiền lương, cột mốc Giáng sinh và Năm mới, v.v.

Cuối cùng, Cliff xác định rằng ngày thứ Hai của tuần thứ ba trong tháng 1 sẽ là ngày u ám nhất; hay còn được biết đến với tên "Blue Monday" - Ngày thứ Hai buồn. Và trong năm 2019, nó rơi vào hôm nay 21/1.

Đến giờ, khẳng định của tiến sĩ Cliff vẫn chưa được công nhận trong giới khoa học nhưng công chúng ở Mỹ, Úc và nhất là ở Anh rất tin tưởng.

Ngày thứ Hai buồn: Hôm nay 21 tháng 1 là ngày u ám nhất của năm? - Ảnh 2.

Chết rồi, hôm nay là Blue Monday. Hèn gì...

Nhiều cuộc khảo sát thực hiện ở Anh Quốc đều cho kết quả trùng khớp: Dường như trung tuần tháng 1 luôn là khoảng thời gian đem lại cảm giác khó chịu cho người dân xứ sở sương mù.

Khảo sát của Co-op cho thấy 26% người Anh cảm thấy cô đơn nhất vào tháng 1. Trong đó lại có 87% cho biết nguyên nhân là do thời tiết. Ngoài ra, 61% nói rằng họ không muốn đến chỗ làm một tý nào.

Vào "ngày thứ Hai buồn", hầu như mọi người không mỉm cười trước 11h16' sáng, và sẽ than phiền hết 34 phút trong ngày, thay vì con số trung bình là 12 phút/người/ngày như bình thường.

Ngày thứ Hai buồn: Hôm nay 21 tháng 1 là ngày u ám nhất của năm? - Ảnh 3.

Vì sao lại thế? Đó hầu như là do tác động của môi trường xung quanh. Vào thời điểm này ở Anh, kì nghỉ lễ kéo dài từ Giáng sinh đã kết thúc, đồ trang trí lấp lánh đã tháo xuống, trong khi các món nợ lại chồng chất do vui say quá đà trong dịp lễ. Thời tiết vẫn lạnh lẽo u ám nhưng mọi người đã phải "cày cuốc", làm việc cật lực trở lại. Và đã 2 tuần trôi qua mà ngẫm lại, ai cũng thấy rằng kế hoạch cho năm mới hoành tráng của mình chẳng tiến triển tốt đẹp chút nào...

Dựa trên tâm lí này, nhiều công ty du lịch của Anh đã ra sức... quảng bá cho các tour nghỉ dưỡng về miền nhiệt đới đầy nắng ấm vào dịp đầu năm, coi như lên tinh thần trước khi quay lại nước Anh để đối phó với "ngày thứ Hai buồn". Một số nhà bán lẻ cũng ra sức kích cầu mua sắm nhằm giúp người dân lấy lại tâm trạng. Đó là một chiêu trò PR khiến mọi người càng tin vào "Blue Monday" nhiều hơn.

Các nhà tâm lí học nói gì?

Chính tiến sĩ Cliff Arnall - cha đẻ của "ngày thứ Hai buồn" - từng chia sẻ trên tờ Independent rằng ông không ngờ tác động của nó lại mạnh mẽ đến như thế. Ông không hề muốn lan truyền tư tưởng tiêu cực đến  mọi người. Theo vị tiến sĩ, thay vì ngồi đó nghĩ vẩn vơ rồi đổ thừa cho một ngày "tụt mood", bạn hãy tìm cách để giúp bản thân trở nên phấn chấn hơn. 

"Dù sao, tháng 1 vẫn là dịp tuyệt vời để bắt đầu những công việc mới, quen biết thêm bạn bè, lên kế hoạch đi chơi hay là khởi xướng một thói quen lành mạnh mà bạn chưa từng", ông Cliff nói.

Ngày thứ Hai buồn: Hôm nay 21 tháng 1 là ngày u ám nhất của năm? - Ảnh 4.

Vào ngày buồn nhất của bạn, vẫn cứ dũng cảm mà tìm lấy 1 tia hi vọng đi nhé.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Isabella Goldie từ Viện Sức khỏe Tâm lí London (Anh) nói rằng, việc cảm thấy buồn chán vào một ngày nào đó trong tuần, trong tháng là hoàn toàn bình thường. Ở Anh, nó thường rơi vào trung tuần tháng 1 do các yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta vừa nói ở trên. 

Nhưng yên tâm là chẳng có một ngày nào mà tất cả mọi người đều "auto" chuyển sang tâm trạng buồn cả. Việc chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi là do các nguyên nhân sâu xa  từ trước đó mang lại. Hãy cố gắng thư giãn một chút và bạn sẽ cảm thấy khá hơn. Còn nếu triệu chứng mệt mỏi vẫn kéo dài, đã đến lúc tìm đến bác sĩ tâm lí để có lời khuyên chính xác.

Một lưu ý nữa là hầu như hiện tượng "ngày Thứ hai buồn" chỉ phù hợp nhất với bối cảnh nước Anh mà thôi. Như ở Việt Nam chúng ta đây, hôm nay còn vui như trẩy hội khi khắp nơi là không khí ăn mừng cơ mà! Còn với nhiều thị trấn ở vùng Alaska, những ngày gần đây là thời điểm hồ hởi nói lời tạm biệt với mùa đông ảm đạm, khắp nơi chìm trong ánh sáng nhạt nhòa. Tất cả sẽ sớm kết thúc thôi, vào ngày 23/1 sắp tới, mặt trời sẽ ló dạng trở lại sau 2 tháng dài đi ngủ đông.

(Theo Daily Mail, USA Today, news.com.au)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày