Ngày "Fast & Furious" gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi!

Khắc Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 00:17 18/04/2017
Chia sẻ

Liệu "Fast & Furious" và một bộ phim siêu anh hùng thuộc nhà Marvel có bao nhiêu phần giống nhau?

Từ khi ra mắt năm 2001 đến nay, loạt phim Fast and Furious đã dần chuyển từ thể loại đua xe tốc độ sang… siêu anh hùng. Với sự ra mắt của The Fate of the Furious gần đây, bộ phim càng cho thấy sự giống nhau đến kì lạ với những tác phẩm cộp mác Marvel. Sau đây là những lý do Fast and Furious chính là một bộ phim siêu anh hùng.

1. Dàn nhân vật có… siêu năng lực

Ngày Fast & Furious gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi! - Ảnh 1.

2 anh "nện" nhau bằng cờ lê nhưng không ai bị tróc miếng da nào

Dĩ nhiên, phim siêu anh hùng thì dàn nhân vật chính phải có siêu năng lực rồi. Trong khi Marvel có Iron Man, Captain America, Thor,… thì The Fate of the Furious có các "siêu nhân" Dom Toretto, Luke Hobbs hay Roman Pierce… Từ các tay đua xe đường phố bình thường, nhà Toretto đều biến thành các điệp viên siêu cấp vũ trụ. Một số siêu năng lực điển hình của họ có thể kể đến như sống sót sau vô vàn vụ nổ hay tông xe, tay bị gãy vẫn có thể tự gồng làm nát cả bột băng bó hay Dom cầm cờ lê đánh thắng cả cựu đặc vụ của Hoàng gia Anh, Letty thì hạ hết 2 nữ võ sĩ hàng đầu thế giới…

Sang phần 8 này, mức độ "siêu nhân" của họ được tăng lên bằng việc chỉ với vài chiếc xe mà có thể hạ gục cả một trại quân ly khai với tên lửa, xe quân sự,… và cả tàu ngầm hạt nhân hay Luke ăn đạn cao su mà như muỗi chích… Thiết nghĩ, thế giới không cần quân đội hay đặc vụ làm gì, chỉ cần tuyển nhà Toretto đi làm việc là có thể "cân" mọi đối thủ.

2. Những pha hành động thách thức… Isaac Newton

Ngày Fast & Furious gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi! - Ảnh 2.

Pha bay xe này chứng tỏ rằng ngoài gia đình ra, Dom không coi trọng bất kì thứ gì, kể cả vật lý

Dường như trong vũ trụ của Fast and Furious không hề tồn tại Isaac Newton nên các định luật vật lý không hề áp dụng cho nhà Toretto. Kể từ những phần phim đầu tiên, những pha bay xe như thể trọng lực không hề tồn tại đã xuất hiện như cơm bữa. Càng ngày, mức độ ảo diệu của phim càng tăng tiến như việc người ta bắt đầu tin là Thần Bắc Âu có tồn tại và đẹp trai như Tom Hiddleston.

Đơn cử như việc dấu vân tay in trên… quần bơi của Gisele hay 2 chiếc xe kéo cái két sắt khổng lồ trên phố trong một ngày mà mọi loại lực đều ngủ quên. Hay chiếc máy bay chạy mãi mà không cất cánh lẫn pha bay người giữa 2 chiếc cầu cực kì ảo diệu trong phần 6. Sang The Fate of the Furious, Dom càng chứng tỏ vật lý là thứ xa xỉ với anh khi xe vẫn chạy bon bon dù kích hoạt EMP hay đứng giữa vụ nổ tàu ngầm mà không hề nám miếng da nào.

3. Phản diện nhạt nhòa

Ngày Fast & Furious gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi! - Ảnh 3.

Cipher đã khiến tất cả các phản diện khác của Marvel trở nên thú vị đến lạ

Từ trước tới nay, các phim siêu anh hùng của Marvel luôn gặp một căn bệnh cố hữu là tuyến phản diện cực kì nhạt nhòa. Owen và Deckard Shaw là 2 phản diện cực kì ấn tượng trong 2 phần phim trước. Thế nhưng Cipher của The Fate of the Furious lại y như được "luyện" chung lò với nhà Marvel.

Cả phim, cô luôn có những câu thoại vô cùng "sâu sắc" tới nỗi thấy cả Adele và thường xuyên đưa ra mớ lý thuyết dài dòng, không cần thiết bằng chất giọng không thể nào nguy hiểm hơn. Đơn cử 1 phân cảnh, Cipher chỉ cần đi thẳng vào vấn đề bằng cách nói rằng phòng có rất nhiều camera. Nhưng không, cô nàng mở đầu bằng tràng "bài học" về Thuyết gì gì đó mà người viết không thể nhớ rõ tên. Dù luôn ra lệnh, đe dọa và "đấu phím" vô cùng mạnh mẽ nhưng khi kẻ địch tới nhà thì Cipher lại "tẩu" vô cùng nhanh. Cô không hề có lấy một cảnh hành động nào ngoài đi tới đi lui trong phim. Ít ra thì Zemo vẫn hơn Cipher, nhỉ?

4. Những tình tiết hài hước vô thưởng vô phạt

Ngày Fast & Furious gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi! - Ảnh 4.

Nhìn căng vậy thôi chứ 2 anh toàn đấu võ mồm là chính

Nếu nhà DC chọn cho mình phong cách đen tối, nghiêm túc thì Marvel đi theo hướng hài hước. Đây cũng chính là điểm mà Vin Diesel đã áp dụng triệt để cho loạt phim của mình sau quãng thời gian du học cùng Guardians of the Galaxy. Có lẽ vì ức chế cả phim chỉ được nói "I am Groot" nên anh cố gắng cho các nhân vật trong The Fate of the Furious nói nhiều hết mức có thể.

Nếu trong Furious 7, chỉ có Roman Pierce là "cây hài" thì sang phần 8 này, ai ai cũng là "cây hài". Deckard Shaw và Luke Hobbs "chửi nhau" với tần suất dày đặc và liên tục không hề biết mệt mỏi. Roman, Tej và Mr. Nobody nhí cũng ráng nói để không thua thiệt bạn diễn về mặt lời thoại. Các tình huống hài hước diễn ra vô cùng tận mà không hề cần thiết hay có ảnh hưởng gì tới mạch phim. Phim hành động nhưng đọc thoại lại thú vị hơn xem đua xe và đánh nhau. Nghịch lý thay!

5. Dàn nhân vật đông dần qua ngày tháng

Ngày Fast & Furious gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel không còn xa nữa rồi! - Ảnh 5.

Giờ thì chắc ai xuất hiện trong phim cũng đều thành người nhà Toretto cả

Từ một nhóm nhỏ ban đầu, các thành viên của đại gia đình Toretto ngày càng đông qua các tập phim. Cứ mỗi phần mới ra mắt thì lại có thêm nhiều "siêu nhân" mới lộ diện mà cả thế giới trước đây không ai biết. 

Kể từ khi Luke Hobbs gia nhập nhóm tới giờ thì cả phản diện phần trước như Deckard Shaw cũng được phát "thẻ hội viên Toretto". Chắc chắn nhà Shaw trong tương lai sẽ làm "sui gia" với nhà Toretto rồi đó. Mr. Nobody và Mr. Nobody nhí cũng được gia nhập hội. Sắp tới, có tin đồn là Han sẽ được "hồi sinh" trong phần 9 giống Bucky Barnes. Rồi tới gì nữa đây? Gisele tiết lộ mình chưa chết và thực chất là Wonder Woman sao?

Nếu cứ tiếp tục như thế này, viễn cảnh Fast and Furious đua lên vũ trụ để đánh nhau với Thanos là không còn xa. Có khi đây chính là lực lượng bí ẩn mà Vin Diesel sử dụng trong Avengers: Infinity War chăng? 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày