Ngày đầu học trực tuyến: Thầy cô vật vã, học sinh nhao nhao "cô biến mất rồi"

Hà Linh - Nguyễn Dũng, Theo Tiền Phong 16:10 06/09/2021
Chia sẻ

Sau lễ khai giảng năm học mới, ngày 6/9 học sinh các địa phương bắt đầu học trực tuyến. Tuy nhiên do đường truyền quá tải, cô trò bị thoát mạng liên tục dẫn đến việc học không được như mong muốn.

Học sinh bị đánh bật khỏi lớp học cả chục lần

Sáng 6/9, nhiều phụ huynh tại Hà Nội than phiền, một giờ học con bị đánh bật khỏi phòng học liên tục khiến việc học bị ngắt quãng.

Theo lịch, 8 giờ 30 phút, học sinh lớp 3 một trường tiểu học tại quận Đống Đa vào Zoom để học bài đầu tiên của chương trình năm học mới. Dù đã cẩn thận đăng nhập trước đó 10 phút nhưng mạng treo, quá giờ quy định 5 phút Đặng Thị Phương Anh mới được vào lớp. Mạng kém, đóng cửa phòng là rớt hẳn buộc phải mang máy tính ra phòng khách hứng sóng. Vào được phòng học, tiếng giáo viên liên tục nhắc nhở học sinh tắt micro nhưng âm thanh chó sủa, phụ huynh mắng con liên tục dội vào lớp học: "Mẹ lấy cho con cốc nước; im lặng cho con học bài; ông khoá cửa chưa thế; có im mồm để học không…".

Trên nhóm của lớp, phụ huynh nhắn liên tục: Con bị rớt rồi, cô duyệt cho con vào với! "Lớp có hơn 40 học sinh, đã đủ sĩ số tại sao vẫn còn nhiều bạn chưa được vào?", cô giáo đặt câu hỏi. Quá ngao ngán, giáo viên buộc phải dùng quyền kiểm soát tắt âm thanh của tất cả học sinh để bắt đầu bài học.

Chưa kịp mở sách, cả lớp nháo nhào: "Cô biến mất rồi!". 3 phút trôi qua, cô trở lại và thông báo, mạng cô trục trặc. Giờ học Tiếng Việt bắt đầu, cô mời học sinh đọc bài và hướng dẫn cách đọc nhưng âm thanh bị đứt quãng, không thể nghe trọn vẹn được cả câu, đoạn cô nói. Chưa kể, tài khoản hết cô đến trò liên tục bị thoát ra. Trong vòng chưa đầy 2 giờ học, Phương Anh bị bật ra khỏi lớp tới 10 lần. Mỗi lần như thế, em lại phải ngồi chờ đợi mạng xoay vòng để đăng nhập lại. Trong một lần giáo viên bị rớt quay lại, nhiều học sinh nghịch ngợm vẽ lên màn hình bài giảng. Giáo viên lại dành thời gian "truy" và dạy lại quy tắc phòng học trực tuyến thêm 10 phút.

Giờ học Âm nhạc cũng không kém phần hài hước. Cả lớp mở micro hát theo giáo viên, âm thanh hỗn độn từ loa máy tính vọng lại một mớ bùng nhùng, nhức óc. Chán nản, mệt mỏi, Phương Anh đổ gục xuống bàn mặc cho bố mẹ áp sát ở phía sau.

Chị Nguyễn Ngọc An, có con học lớp 3, Trường tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy cũng cho biết, trong một giờ học, cả cô và trò bị thoát ra liên tục, khiến giờ học bị đứt quãng, con không tập trung. Cả buổi sáng, cô trò đánh vật không xong được một bài Toán, Tiếng Việt.

Một phụ huynh khác có con năm nay vào lớp 1 ở quận Hai Bà Trưng cũng nói, trong vòng 2 tiết học con bị rớt khỏi lớp đến 8 lần. "Mẹ làm việc trực tuyến nhưng phải ngồi để hỗ trợ con liên tục. Được một lúc thì con nản, khóc đòi rời bàn học. Bị mẹ nhắc nhở, đe nẹt, con chịu ngồi im nhưng mặc kệ cô nói gì cũng không nghe nữa", phụ huynh này nói.

TP.HCM nghẽn mạng, quá tải

Ngày 6/9, khoảng 700.000 học sinh bậc THCS, THPT tại TP.HCM đã bắt đầu ngày học đầu tiên năm học 2021-2022.

Theo ghi nhận của PV, trong buổi sáng cùng ngày, nhiều trường đã gặp phải sự cố nghẽn mạng, quá tải khi sử dụng hệ thống K12 online.

Minh Thiên, học sinh lớp 9 trường THCS An Phú Đông, quận 12 cho biết, mỗi khi bắt đầu tiết học mới, học sinh thường mất vài phút thì mới đăng nhập được vào hệ thống. "Trong lúc học, lâu lâu hệ thống cũng gặp sự cố nghẽn mạng, nhiều lúc thầy cô giảng nghe không rõ…", Thiên nói.

Trong khi đó, Anh Khoa, học sinh lớp 10, trường THPT Trưng Vương (quận 1), cho biết tiết đầu tiên của buổi sáng gần như không hoạt động được gì do hệ thống K12 online bị "đơ". "Sau gần 1 tiếng đồng hồ loay hoay không vào được lớp, thầy cô đành tạo lớp khác qua Zoom để học tạm", Anh Khoa kể.

Lường trước những vấn đề gặp phải khi học trực tuyến, chị Nhung có con học lớp 6 Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận 12 chuẩn bị 1 máy laptop, 2 chiếc điện thoại (1 chiếc của con, 1 chiếc của mẹ - PV), sim 4G. "Lúc con học tôi luôn ngồi 1 bên hoặc theo dõi rất sát sao để hỗ trợ con khi cần. Cái khó khi học trực tuyến lúc này là con vẫn chưa có SGK, ngồi lâu bên máy tính nên thấy rõ vẻ mệt mỏi của con…", chị Nhung nói.

Ngày đầu học trực tuyến: Thầy cô vật vã, học sinh nhao nhao cô biến mất rồi - Ảnh 1.

Lịch học trực tuyến của một học sinh

Liên quan đến sự cố này, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho biết, không chỉ 1 lớp mà nhiều lớp học của trường cũng ghi nhận sự cố tương tự với hệ thống K12 online. "Sau một hồi loay hoay không mở được lớp trên K12, tôi đành mở lớp qua MS Team cho học sinh học tạm. Các lớp trên K12 sau đó mở được nhưng học nửa chừng thì hệ thống yếu, học sinh cứ bị "văng" ra ngoài khiến việc học trở nên rất khó khăn", thầy Bảo nói.

Không chỉ các hệ thống phần mềm bên ngoài mà ngay cả phần mềm do Sở GD&ĐT TP.HCM phát triển cũng gặp trục trặc. "Cách đây ít bữa, Sở cử chuyên viên công nghệ thông tin tập huấn cho giáo viên nhưng trong ngày đầu dạy chính thức thì liên tục gặp trục trặc, nghẽn đường truyền khiến giáo viên rất bối rối. Sau một hồi loay hoay, tôi chuyển sang Google Meet mở lớp cho học sinh học", một giáo viên THPT ở quận Phú Nhuận cho biết.

Phụ huynh lo không hiệu quả

Chị Nguyễn Thuỳ Trang, có 4 con cùng lúc học trực tuyến, trong đó có 2 con học tiểu học tại Hà Nội chia sẻ, dù biết trong bối cảnh hiện nay không còn phương án nào khác tuy nhiên cả cô trò, phụ huynh đều quá vất vả mà không hiệu quả.

Theo chị Trang, đến thời điểm này SGK vẫn chưa được nhận. Nhà có tới 3 máy tính nhưng sáng nay con học bị thoát liên tục, bố mẹ xoay như đèn cù để đăng nhập, đổi máy… cho con. "Bố mẹ bỏ công việc để hỗ trợ, dõi theo con hết sức nhưng thấy âm thanh tậm tịt, giờ học ngắt quãng, bài học câu được câu mất như vậy con cũng chán nản, mình cũng rất lo lắng", chị Trang nói.

Có con năm nay lên lớp 2, Trường Marie Curie, một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ, sau một kỳ nghỉ hè con quên rất nhiều chữ. Trước khi vào năm học mới, mẹ phải dành nhiều thời gian để dạy lại từ tập viết, phát âm.

Dù xác định tinh thần học trực tuyến kéo dài khó hiệu quả nhưng chị không ngờ con bị rơi rớt nhiều kiến thức đến thế. Hai mẹ con đã đánh vật gần 1 tháng, trong đó mỗi ngày đọc 1 bài, luyện 1 trang tập viết và viết lại những từ khó con mới tiến bộ dần lên. "Năm nay lại xác định học trực tuyến dài dài rồi chất lượng không biết sẽ như thế nào nữa", phụ huynh này nói.

Nhiều giáo viên cho biết, đa số các trường hiện nay dạy học qua phần mềm Zoom vì được miễn phí. Tuy nhiên, với số lượng học sinh học cùng lúc quá đông, phần mềm bị quá tải, trong vòng mấy ngày trước và sau lễ khai giảng cô trò liên tục bị văng ra. "Buổi làm quen học sinh, phổ biến nội quy ngày khai giảng cô trò cũng loay hoay gần 1 giờ đồng hồ không xong phần điểm danh vì bị thoát ra liên tục nên đành hẹn học sinh vào khung giờ khác", một giáo viên nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể xác định được ngày nào học sinh được quay lại trường học nên buộc phải học dạy học ở tất cả các khối lớp. Xác định dạy học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn từ điều kiện triển khai, cần sự hỗ trợ của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, các trường đã yêu cầu giáo viên linh hoạt, dạy nội dung cốt lõi, trong giờ học chèn các giờ giải lao, động viên, kiên nhẫn với học sinh. Đặc biệt, phải quan tâm học sinh yếu, kém và không dạy quá nhiều nội dung dẫn đến việc căng thẳng cho các em.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày