Ngành học bị coi là “vô dụng” ở phương Tây vì triển vọng nghề nghiệp kém

Đông Hà, Theo Phụ nữ Việt Nam 16:49 02/04/2023

Nhiều trường đại học tại Mỹ và Anh ngày nay triển khai các khóa học về ca sĩ nổi tiếng, ví dụ như trường Đại học Texas State mở khóa học về ca sĩ Harry Styles hay Taylor Swift.

Gần đây, chủ đề “bằng đại học vô dụng nhất” nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ Việt Nam. Nhiều người lập luận chủ quan rằng có một số ngành học như quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản, ngôn ngữ Anh là mơ hồ, hay “học xong không biết ra trường làm gì”.

Giá trị của bằng đại học cũng là chủ đề gây tranh cãi tại các nước phương Tây, bởi có những môn học, ngành học rất kỳ quặc, hoặc hiếm người theo đuổi, nhu cầu xã hội không cao, nhưng bằng một cách kỳ lạ, vẫn được mở ra để phục vụ một nhóm nhỏ sinh viên.

Nhiều trường Đại học tại Mỹ và Anh ngày nay triển khai các khóa học về ca sĩ nổi tiếng, ví dụ như trường Đại học Texas State mở khóa học về ca sĩ Harry Styles hay Taylor Swift. Một số ngành học thì chỉ tập trung dạy về làm công nghệ làm bánh và các loại bánh.

Các bằng cấp liên quan đến ngành học vô thưởng vô phạt, có rất ít giá trị về kinh tế hay khó đáp ứng nhu cầu xã hội thường được gọi là “Bằng Chuột Mickey” (Mickey Mouse degree). Sinh viên tốt nghiệp ngành này thường không kiếm được nhiều tiền.

Ngành học bị coi là “vô dụng” ở phương Tây vì triển vọng nghề nghiệp kém - Ảnh 1.

Các ngành này thường được gọi là “Bằng Chuột Mickey” (Mickey Mouse degree). Sinh viên tốt nghiệp ngành này thường không kiếm được nhiều tiền.

Một bằng đại học trung bình khiến sinh viên tốt nghiệp phải gánh khoản nợ 45.000 bảng Anh (1.3 tỉ VND), họ bắt đầu phải trả nợ khi kiếm được hơn 27.295 bảng Anh (790 triệu VND) sau khi ra trường.

10 ngành học có giá trị kiếm tiền thấp nhất

Tạm chưa nói đến các khóa học kỳ quặc vội, bởi các khóa này chỉ được cung cấp bởi một số trường đại học cụ thể, hãy nói đến một ngành học cực kỳ phổ biến khác, như Văn học Anh, Biên dịch hay Quản trị du lịch. Đây là 3 cái tên thuộc danh sách những bằng cấp có giá trị kiếm tiền thấp nhất vào năm 2003, theo tờ Telegraph.

Trang web tìm việc Adzuna đã phân tích lộ trình nghề nghiệp của các sinh viên thuộc ngành học khác nhau. Họ cũng phân tích thành quả lao động sau 5 năm dựa trên điều kiện thị trường hiện tại.

Ngành học bị coi là “vô dụng” ở phương Tây vì triển vọng nghề nghiệp kém - Ảnh 2.

Dưới đây là danh sách 10 bằng cấp có giá trị kiếm tiền thấp nhất sau 5 năm, xếp hạng từ thấp nhất đến cao nhất:

1. Nhiếp ảnh

2. Biên dịch

3. Tội phạm học

4. Mỹ thuật

5. Hành chính công

6. Âm nhạc

7. Điện ảnh

8. Văn học Anh

9. Thời trang

10. Quản trị du lịch

Dù có nhiều báo cáo cho thấy tình hình mức lương chung đang tăng lên nhưng dường như mức lương của các ngành này vẫn không khá hơn.

Nghiên cứu của Adzuna tiết lộ rằng bằng nhiếp ảnh mang lại giá trị kiếm tiền kém nhất. Trên thực tế, trong 10 ngành này thì có đến 9 ngành kiếm được ít tiền hơn so với năm 2022, ví dụ lương ngành Biên dịch trong 2023 đã giảm so với 2022. Chỉ có duy nhất sinh viên ngành Mỹ thuật mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với một năm trước, mức lương trung bình cho sinh viên tốt nghiệp ngành này tăng khoảng 16 bảng (463.000 VND) mỗi năm.

Biến động xã hội càng trầm trọng hóa tình hình

Không kiếm được nhiều tiền không hẳn là bởi vì các ngành học trên không có nhiều giá trị hay không đáp ứng được nhu cầu xã hội, mà lý do còn đến từ biến động thị trường. Andrew Hunter, đồng sáng lập trang web Adzuna, cho biết những con số chứng minh giá trị của bằng cấp “đang bị bào mòn bởi lạm phát”.

Hơn nữa, anh nhận thấy có một xu hướng diễn ra, đó là các nhà tuyển dụng đang chuyển ngân sách sang tăng lương để giữ chân nhân viên cấp cao thay vì đầu tư cho nhân sự trẻ tuổi và mới gia nhập thị trường lao động. Do đó, những người lao động đang bắt đầu sự nghiệp sẽ hứng chịu toàn bộ áp lực của lạm phát, còn mức tăng lương thì vẫn hạn chế

Tất nhiên, vẫn có những cá nhân nổi bật và đi ngược lại xu hướng. Ben Galyas từng học ngành Mỹ thuật tại Đại học Nghệ thuật Chelsea, Anh. Hiện anh kiếm được hơn 100.000 bảng mỗi năm cộng với tiền thưởng.

Tuy vậy, chàng trai 28 tuổi đã không kiếm sống bằng cách trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, thay vào đó, anh nhận công việc bán hàng, giúp kết nối các doanh nghiệp truyền thông và công nghệ.

Ngành học bị coi là “vô dụng” ở phương Tây vì triển vọng nghề nghiệp kém - Ảnh 3.

Ben Galyas hiện đang làm việc trái ngành

Galyas cũng không hoàn toàn từ bỏ việc theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp, và vẫn có một studio riêng, nơi anh thực hiện các hoạt động sáng tác nghệ thuật vài lần một tuần.

Sau khi tốt nghiệp, anh nhận thấy những sinh viên tốt nghiệp nghệ thuật có ít lựa chọn trong các doanh nghiệp, ngoại trừ việc bán hàng. Đa phần các công việc đúng ngành lại đòi hỏi kinh nghiệm làm việc. Chính bản thân Galyas cũng nhận định sinh viên cần có một nguồn động lực thật lớn để sống sót và xoay xở tốt với một tấm bằng Mỹ thuật

Trong số 83 bằng cấp được đưa vào khảo sát của trang Adzuna, có 13 bằng cấp không vượt quá ngưỡng trả nợ của sinh viên, tức là có khả năng sinh viên phải làm trái ngành thì mới trang trải cho cuộc sống được.

Liz Emreson, một tư vấn viên thuộc Tổ chức Liên thế hệ, cho biết mức lương ì ạch biến việc học trở thành gánh nặng. Nhìn vào các anh chị sinh viên mới tốt nghiệp ra trường và không tìm được việc làm, các bạn học sinh sẽ cần phải cân nhắc thật nghiêm túc với ngành học mình lựa chọn trong tương lai.

Những con số này đang vẽ nên một bức tranh đáng buồn cho những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp, khi họ vừa vỡ mộng vì không theo đuổi được ước mơ, lại vừa phải gồng gánh một khoản nợ ngập đầu.

Ngành học bị coi là “vô dụng” ở phương Tây vì triển vọng nghề nghiệp kém - Ảnh 4.

Những con số này vẽ nên một bức tranh đáng buồn cho những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp

Nguồn: Telegraph