Covid-19 để lại hàng loạt vấn đề mới cho những người vốn quá quan tâm đến ngoại hình. Thời gian đeo khẩu trang kéo dài gây ra mụn trứng cá. Một số người lo lắng về tình trạng da không đều màu vì phải sử dụng máy tính xách tay trong thời gian dài. Phẫu thuật cắt mí trở nên phổ biến hơn, bởi mọi người cố gắng cải thiện phần duy nhất trên mặt lộ ra bên ngoài khẩu trang. Những cuộc gọi video và hội họp kéo dài hàng giờ trên Zoom cũng đã khiến nhiều người bắt đầu phân tích và chỉ trích vẻ ngoài của mình nhiều hơn…
Các bác sĩ thẩm mỹ và phẫu thuật thẩm mỹ ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Australia, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, cho biết số lượng đặt chỗ cho các phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật tăng vọt sau quãng thời gian giãn cách xã hội. Những thủ thuật này rất tốn kém. Với trung bình gần 8.000 USD cho một ca phẫu thuật chỉnh hình, người Mỹ đã tiêu tốn hơn 16,6 tỷ USD cho phẫu thuật vào năm 2021, theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ (ASPS).
Có thể nói, đại dịch không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của ngành này, thay vào đó, ngành công nghiệp thẩm mỹ lại đang tận hưởng sự bùng nổ của ứng dụng Zoom. Học viện Phẫu thuật tái tạo và tạo hình khuôn mặt Hoa Kỳ tính toán rằng sau đại dịch, tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ trên toàn quốc gia tăng 10%. Tại Pháp, mặc dù có giới hạn đối với các thủ thuật tự chọn trong thời kỳ đại dịch, các ca phẫu thuật thẩm mỹ vẫn tăng gần 20%, theo ước tính của Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Pháp.
Trong thời gian dài phong tỏa, tại Anh, số lượng yêu cầu tư vấn trực truyến tăng đến 70% do bệnh nhân tiếp tục tìm hiểu về các phương pháp điều trị cho đến khi họ có thể gặp mặt bác sĩ phẫu thuật. Tiêm là phương pháp được yêu cầu nhiều nhất, sau đó là các thủ thuật xâm lấn hơn như nâng ngực và hút mỡ. Nhu cầu về "trẻ hóa vùng cổ" và "tạo đường nét cho đường viền hàm" cũng tăng lên khi mọi người dành nhiều thời gian trong ngày để nhìn hình ảnh của mình trên máy tính.
"Zoom Boom" - một thuật ngữ dùng để chỉ sự bùng nổ của phẫu thuật thẩm mỹ sau quá trình họp trực tuyến - giờ đây không chỉ dành cho phụ nữ |
Trong khảo sát mới nhất của Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo vùng mặt thế giới (AAFPRS), những tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tăng cao đột biến. Ước tính có khoảng 1,4 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện trong năm nay, tăng 40% so với năm 2021. Khoảng 83% bác sĩ phẫu thuật cũng nhận thấy lượng yêu cầu đặt chỗ tăng từ 70% trở lên. Nâng mũi, căng da mặt, cắt mí là những thủ thuật phổ biến nhất. Bên cạnh đó, nhu cầu về các phương pháp điều trị không phẫu thuật cũng tăng lên.
Mối quan ngại của giới chuyên gia
Nếu như trước đây, những cuộc tiểu phẫu từng là phương pháp “níu kéo” sắc đẹp dành cho phụ nữ trung niên, thì ngày nay, hơn 14 triệu cuộc phẫu thuật không xâm lấn đã được tiến hành vào năm ngoái. Research and Markets, một công ty phân tích, tính toán rằng doanh thu toàn cầu của các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ không xâm lấn, hiện rơi vào khoảng 60 tỷ USD và có thể tăng hơn gấp ba lần vào năm 2030. Phần lớn sự tăng trưởng đó sẽ đến từ thuốc tiêm.
Thủ thuật tiêm Botox và chất làm đầy mô mềm nhìn chung vẫn phổ biến nhất. Ở Mỹ, cứ 100 người Mỹ trưởng thành thì có một ca thực hiện tiêm thẩm mỹ. Khoảng 700.000 phương pháp điều trị như vậy đã được thực hiện ở Đức năm ngoái, mặc dù quốc gia này không nổi tiếng với nỗi ám ảnh về ngoại hình.
Cơn sốt thuốc tiêm, đặc biệt là ở giới trẻ, khiến các nhà chức trách lo ngại. Botox là một loại thuốc được kê đơn ở hầu hết các nơi nhưng nhiều chất làm đầy da thì không. Ông Tijion Esho, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Anh cho biết: “Các phương pháp điều trị thường bị coi là đơn giản trên mạng xã hội và mọi người không hiểu hết về những gì có thể xảy ra”. Việc tiêm nhầm chỗ có thể dẫn đến áp xe hoặc trong một số trường hợp là hoại tử.
Hồi tháng 2, chính phủ Anh buộc phải thông báo yêu cầu giấy phép đối với những người thực hiện các phương pháp điều trị không xâm lấn. Nước Anh cũng đã cấm những người chưa đủ 18 tuổi thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ nói trên.
Một số nhà tâm lý học thì lo ngại rằng sự bùng nổ của các liệu pháp làm đẹp đang khuyến khích một chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, khiến các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phải làm việc chăm chỉ hơn để từ chối những người “nghiện” làm đẹp bệnh lý. Một vấn đề ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng rất phổ biến là ngày càng có nhiều người tìm kiếm một ngoại hình không thể đạt được. Từ đó sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một “siêu thị” dành cho phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó các bác sĩ phẫu thuật thiếu nguyên tắc sẽ chấp nhận những bệnh nhân có nguyện vọng không lành mạnh hoặc phi thực tế.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ Công ty tư vấn Frost và Sullivan, các thủ thuật làm đẹp siêu vi hiện là một phân khúc đang mở rộng của thị trường làm đẹp, trong khi tốc độ phát triển của phẫu thuật truyền thống đang chậm lại. Tuy nhiên, sự bùng nổ này đang gặp thách thức lớn trước rào cản từ phía các chính phủ trước lo ngại tình trạng các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép, không được kiểm soát ngày càng gia tăng.
Tại Việt Nam, lợi dụng sự bùng nổ của nhu cầu làm đẹp, các cơ sở thẩm mỹ "chui" có cơ hội mọc lên như nấm sau mưa với các quảng cáo hấp dẫn, đánh đúng tâm lý và thị hiếu của người dân. PGS.TS Đỗ Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM cho biết, thành phố hiện có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nghịch lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, tính mạng của những người có nhu cầu chính đáng: làm cho mình đẹp hơn.