Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ

SÔNG THƯƠNG, Theo Phụ nữ Việt Nam 22:26 03/12/2022
Chia sẻ

Chính thẩm phán là người tin rằng Giselle đủ trưởng thành để nuôi dạy hai đứa con, nhưng ông lại không tin cô đủ trưởng thành để quyết định xem mình đã sẵn sàng làm mẹ hay chưa.

Vào một buổi sáng oi ả của bang Texas năm 2020, Giselle luồn tay vào chiếc áo blazer mà cô mượn được của người khác, gỡ đi chiếc khuyên ở cánh mũi để không bị nhìn thấy khi bước vào Toà án quận Coryell. Đây là lần đầu tiên cô đến một nơi như thế này.

Giselle lúc đó mới chỉ 17 tuổi, và đã mang thai ở tuần thứ 11. Đó là lý do cô phải đến toà án để yêu cầu thẩm phán cho phép phá thai. Luật sư của Giselle đã giải thích trước đó rằng cô cần phải chứng minh mình đã đủ trưởng thành để đưa ra quyết định này, vì thế, cô gái trẻ mím chặt môi, nhắc nhở bản thân không được cười. Cô đơn giản là không muốn thẩm phán xem mình như một đứa trẻ.

Vì Giselle vẫn còn là trẻ vị thành niên, việc phá thai của cô theo luật pháp cần phải có sự tham gia của cha mẹ. Nếu những cô gái khác trong trường hợp tương tự sẽ lựa chọn việc xin phép cha mẹ trước khi đến toà án, thì Giselle không như vậy, cô lựa chọn phương án gửi thẳng đơn kiến nghị lên tòa.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 1.

Giselle trong một chuyến đi chơi với những người bạn, năm 2019.

Tiến thoái lưỡng nan

Cha của Giselle đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục với cô khi còn bé, dù vụ việc không có hồi kết vì ông ta liên tục phủ nhận điều đó, nhưng cuối cùng người đàn ông đó vẫn lựa chọn từ bỏ quyền làm cha của mình.

Mẹ của Giselle cũng chẳng khá hơn, cô chưa bao giờ đặt lòng tin vào mẹ mình, một người không đáng tin cậy và hay thay đổi. Trong suốt thời gian sống cùng mẹ, cô đã thấy bà thay quá nhiều bạn trai, cho đến một năm trước, khi cô quyết định rời đi và sống tự lập một mình.

Khi biết mình có thai, Giselle đã đến một phòng khám ở Austin, cách nơi cô sống 60 dặm (khoảng 96km) về phía Nam ở thành phố Copperas Cove. Nhân viên phòng khám đã giới thiệu cô đến Jane's Due Process, một tổ chức giúp trẻ vị thành niên giải quyết các vấn đề về pháp lý.

Cô gái trẻ phải mất hơn một tuần để hẹn gặp luật sư. Tại đây, vị luật sư đã hỏi và tư vấn cho cô các vấn đề về điểm số, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm trông trẻ và phương pháp ngừa thai mà cô sẽ áp dụng trong tương lai. Tuy nhiên, ngay trước ngày xét xử vụ án, thẩm phán được chỉ định để giải quyết trường hợp của cô đã tự rút lui. Trên thực tế, nhiều thẩm phán từ chối nhận những trường hợp mà họ phải chấp thuận cho việc phá thai.

Giselle đã dành 4 tuần để cố gắng có được một phiên điều trần. Và vào ngày 18 tháng 6 năm 2020, 4 tháng trước ngày sinh nhật 18 tuổi, cô gái này biết rằng tương lai của mình sẽ do vị thẩm phán trước mặt quyết định.

Khi được hỏi về lý do phá thai, Giselle đã trả lời rằng cô không nghĩ mình phù hợp để trở thành một bậc cha mẹ. Cô chỉ vừa tốt nghiệp cấp ba và đang làm thu ngân tại một chuỗi siêu thị, với mục tiêu trước mắt chỉ là đủ lo cho bản thân. Cô đã chia tay với bạn trai ngay sau khi biết mình có thai, không ai trong hai người tin rằng mình có đủ khả năng để nuôi dạy đứa trẻ, và phá thai có lẽ là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này, cho cả mẹ và em bé.

Giselle biết được những gì mà mình phải đối mặt sau khi phá thai, cô nói với thẩm phán rằng mình đã lập một danh sách những ưu và nhược điểm của việc này. Trong đó, nhược điểm lớn nhất là cảm giác tội lỗi khi phải giết chết những đứa con đang lớn lên trong người, nhưng bù lại, cô có thể tiếp tục cuộc sống tự do của mình.

Có lẽ tôi đã nghe nhầm, nhưng tôi nghĩ cháu đã nói là những đứa trẻ thay vì đứa trẻ?”, thẩm phán đã bắt được một từ đáng chú ý từ câu nói của cô gái 17 tuổi.

Giselle nhăn mặt, khó chịu vì mình đã sử dụng số nhiều: “Là sinh đôi”, cô gái trẻ thốt lên. Trước câu trả lời đó, thẩm phán muốn biết rằng liệu phòng khám đã tư vấn cho cô chưa, rằng có bao nhiêu người phụ nữ sẽ hối hận hoặc không hối hận trong 5, 10 hay 20 năm tới. Nhưng chưa ai nói về điều đó với cô cả.

Về cơ bản, tôi đang thay mặt cha mẹ cháu để đưa ra quyết định này. Khi làm như vậy, tôi muốn đảm bảo rằng tôi sẽ đối xử như thể cháu là con gái tôi”. Giselle cố gắng kiểm soát cơ mặt của mình, cô không muốn bộc lộ sự thất vọng vì người đàn ông với mái tóc hoa râm trước mắt đang tưởng tượng mình là cha cô, người mà cô đã sợ hãi từ khi còn nhỏ.

Trong thâm tâm, Giselle luôn nghĩ rằng nếu ông ấy quan tâm đến sức khoẻ của mình, thì ông ấy sẽ đồng ý với việc phá thai.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 2.

Giselle đang cầm bức ảnh chụp cô với chiếc bụng lớn, cố gắng giả vờ rằng mình đang vui vẻ.

Nhưng vị thẩm phán nói với cô rằng ông không muốn đưa ra phán quyết ngay lập tức. Ông đã giới thiệu cho cô hai tổ chức chuyên tư vấn cho phụ nữ mang thai, và muốn cô thử đến đó một lần. Theo luật Texas, tên của thẩm phán trong các phiên điều trần thường được giấu đi, nhưng ông đã đưa cho Giselle số điện thoại di động của mình và bảo cô gọi cho ông khi đến nơi, cùng với câu nói: “Tôi là thẩm phán ở Waco, tên là David Hodges”.

Ở độ tuổi 73, Hodges đã nghỉ hưu, dù ông vẫn tham gia vào các vụ án. Ông cho rằng mình không muốn áp đặt quan điểm cá nhân về việc phá thai vào trường hợp của Giselle. Thay vào đó, ông muốn cô thử đi siêu âm, bởi vì “theo thống kê, nếu người mẹ được đề xuất đi siêu âm thai nhi, họ sẽ thay đổi quyết định và không muốn phá thai nữa”.

Nhưng Giselle không biết gì về điều đó, cô chỉ biết rằng các trung tâm này thường phản đối việc phá thai. Khi cô bước ra khỏi phòng xử án, luật sư đã cố gắng trấn an: “Có lẽ ý của ông ấy là nếu cháu làm điều này, ông ấy sẽ đồng ý để cháu phá thai”.

Sáng hôm sau, Giselle bắt chuyến xe, vượt qua hơn 50 dặm (khoảng 80km) để đến một trung tâm hỗ trợ khủng hoảng thai kỳ, nơi mà những người phụ nữ sẽ được xem kết quả siêu âm của mình trên màn hình lớn và nghe tiếng tim đập của đứa trẻ. Đồng thời, cô gái trẻ còn được đọc những rủi ro khi phá thai, như khả năng vô sinh hoặc tử vong. Nhưng điều đó đã làm cô cảm thấy sợ hãi và tức giận, ngay lập tức, cô gọi cho luật sư để nộp bản kiến nghị được phá thai.

Chiều hôm đó, luật sư của Giselle gọi lại cho cô để báo rằng thẩm phán đã từ chối đơn thỉnh cầu, cho rằng cô chưa đủ trưởng thành để đưa ra quyết định này. Cô bắt đầu hối hận, hối hận tại sao lại cố tỏ ra rằng mình siêng năng, chăm chỉ trong công việc; tỏ ra rằng mình có thể tiết kiệm tiền và trang trải cho cuộc sống. Bây giờ cô chỉ muốn thời gian quay trở lại, cuộc sống của cô là một mớ hỗn độn, một vòng lặp của những sai lầm, những kế hoạch bị trì hoãn và biến động. Tất cả những gì cô muốn là nói với thẩm phán một sự thật: Cô chưa đủ trưởng thành để làm mẹ.

Sau phán quyết của tòa án, Giselle không biết số phận của mình sẽ đi về đâu. Cô đã từng nói với bạn bè rằng mình không muốn trở thành một người như mẹ, người đã mang thai cô ngoài ý muốn ở độ tuổi 19 và không thể cho cô một cuộc sống như những người bạn đồng trang lứa.

Dù biết mẹ mình lớn lên trong một gia đình đầy bạo lực và bà đã làm những gì mình có thể để giữ cho cô được an toàn, nhưng trong ký ức của Giselle, mẹ cô có thể là một cơn ác mộng. Jennifer Clark, hàng xóm cũ của nhà Giselle đã từng nói rằng nghe thấy tiếng mẹ cô la hét và gọi cô bằng những từ ngữ tồi tệ nhất.

Có lẽ điều đó đã dẫn đến sự mất cân bằng của bản thân Giselle. Đôi khi cô khiến mọi người yêu quý vì đề nghị nấu ăn hoặc dọn dẹp giúp họ bằng chất giọng ngọt ngào, nhưng sẽ có những lúc cô tắt máy, không thèm nói chuyện với bất cứ ai. Thỉnh thoảng, cô bỗng nhiên tức giận, đập phá và ném đồ đạc.

Trước khi mang thai, Giselle cũng đã trông đợi rất nhiều vào tương lai. Sau khi rời khỏi nhà mẹ đẻ, cô đăng ký học lại và tập trung vào việc học hành, ngay cả hiệu trưởng của trường học cũng nói rằng cô chăm chỉ hơn bất cứ học sinh nào. Dù chưa biết tương lai mình sẽ làm nghề gì, nhưng cô muốn tổ chức một bữa tiệc ăn mừng lễ tốt nghiệp, rời khỏi thành phố Copperas Cove quen thuộc, kiếm một căn hộ riêng và trang trải cuộc sống của mình.

Nhưng giấc mộng đã tan vỡ. Sau phiên điều trần, Giselle không buồn ăn uống, tắm rửa hay trả lời tin nhắn của mọi người. Cô không muốn ai biết về việc mang thai của mình. Người bạn vong niên của cô, Shana, 36 tuổi đã kết hôn và có ba người con đang để cô gái tội nghiệp trú tạm trong phòng khách nhà mình. Có những ngày, Shana phải kéo Giselle ra khỏi giường để cô có thể tiếp xúc với chút ánh sáng mặt trời.

Bạn trai của cô, Cecil không giúp đỡ được gì nhiều trong việc này, anh thậm chí còn không thể dọn dẹp phòng ngủ của mình một cách gọn gàng. Vì thế, Giselle tê liệt với hai quyết định: Hoặc là kháng cáo với kết quả không chắc chắn, hoặc là thuận theo ý của mọi người, sinh ra và nuôi dưỡng hai đứa trẻ.

Bị bắt làm mẹ và nghịch lý nực cười của người mang quyền quyết định

Vài tuần trôi qua, Giselle chấp nhận hoàn cảnh của mình, rằng cô và bạn trai sẽ quay lại với nhau để cùng nuôi dạy con cái. Biết rằng cô sợ anh sẽ bỏ rơi bọn trẻ, Cecil đã hứa rằng mình không bao giờ làm thế: “Điều đó trái với lương tâm của tôi, và ngoài ra, mẹ tôi sẽ giết tôi nếu dám làm vậy”.

Những trang nhật ký của cô gái trẻ dần được viết đầy bằng những danh sách mua sắm, các khoản chi phí như chăn, đồ trùm đầu trên ghế ô tô, túi đựng sữa, túi chườm đá,... Thân hình của cô cũng bắt đầu thay đổi: Cánh tay sưng lên, cổ co thắt, mắt cá chân bị đau vì phải chịu đựng trọng lượng lớn.

Vào tháng 8, khi đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ, một trong các bác sĩ đã chẩn đoán rằng thai nhi của cô bị dính khớp, một tình trạng bẩm sinh hiếm gặp khiến các ngón tay và chân dính lại với nhau. Giselle không quá ngạc nhiên, vì chính bố của đứa trẻ cũng bị như vậy, nhưng cô vẫn yêu cơ thể của anh.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 3.

Quyển nhật ký viết đầy những chi phí nuôi dưỡng trẻ.

Những ngày tiếp theo, Giselle được nhận làm việc ở một nơi trông trẻ, và đó dường như là một cơ hội lý tưởng dành cho cô. Giselle học được cách pha sữa, cách cho trẻ uống, cách giải quyết nguy cơ nghẹt thở ở trẻ em.

Nhưng khoản thù lao 8 USD/giờ (khoảng 195.000 đồng) chẳng đưa cô đến đâu, và dần dần cô không thể làm việc trên đôi chân nặng nề của mình. Khi đó, một trong những người bạn đã giới thiệu cho cô một công việc: Bán những video về cơ thể của mình.

Vào ban đêm, khi gia đình Shana đi ngủ, cô đã tự quay phim, che mặt mình lại bằng một chiếc mặt nạ đỏ. Cecil dù không thích công việc đó chút nào, nhưng chẳng thể làm gì được, vì Giselle có lý do để làm điều đó. Đó là số tiền mà cô kiếm được để lo cho con của mình, vì vậy Giselle sẽ không để lỡ mất cơ hội này.

Cô cố gắng để không nghĩ đến sự ghê tởm của chính mình và nhanh chóng kiếm được tới 400 USD/tuần (khoảng 9,7 triệu đồng). Dù vậy trong thâm tâm, cô chưa bao giờ muốn làm điều đó, và luôn tự nhủ rằng: “Đây là một nhân vật hoàn toàn khác, không phải là tôi”.

Đến ngày 9 tháng 12 năm 2020, hai bé gái đáng yêu đã ra đời. Khi nhìn 2 đứa trẻ được đặt trong ngực mình, cô đã nghĩ: “Lẽ ra mình nên cảm thấy một điều gì đó ngay lúc này”, nhưng chẳng có gì cả, tất cả những gì mà cô cảm nhận được là sự trống rỗng.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 4.

Thẩm phán Hodges đã chia sẻ suy nghĩ của mình rằng một phần nguyên nhân khiến ông không đồng ý cho Giselle phá thai là vì tuyên bố không phù hợp để trở thành một người mẹ của cô: “Suy nghĩ của tôi là, đối với tôi, cháu có vẻ trưởng thành so với các thanh niên 17 tuổi khác, có thể tự trả tiền thuê nhà, đưa ra những quyết định. Vì thế có lẽ cháu sẽ trở thành một phụ huynh tốt”.

Nhưng quan điểm này thật nghịch lý làm sao. Chính ông là người tin rằng Giselle đủ trưởng thành để nuôi dạy hai đứa con, nhưng ông lại phán quyết rằng cô chưa đủ trưởng thành để quyết định xem mình đã sẵn sàng làm mẹ hay chưa. Mặc dù theo luật, đánh giá sự trưởng thành của thanh thiếu niên chỉ nên được áp dụng cho việc lựa chọn phá thai, chứ không phải là cho việc làm mẹ.

Trong vài tuần đầu sau khi sinh con, Giselle không cảm nhận được mối liên kết với chúng. Nhìn thấy vẻ mặt rạng rỡ khi trêu chọc 2 đứa trẻ của Shana, cô ước rằng mình cũng có thể được như thế.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp chung của Giselle và Cecil trong căn phòng của hai con gái

Trong nhiều tháng, Giselle và Cecil đã cố tìm một căn nhà cho riêng mình, nhưng lịch sử tín dụng trống rỗng đã ngăn cản họ rất nhiều. Vào đầu năm 2021, hai người cuối cùng cũng tìm được một căn hộ hai phòng ngủ với giá 583 USD/tháng (khoảng 14,2 triệu đồng).

Cecil lúc này đang làm nhân viên ca đêm, và ngủ vào ban ngày. Hầu như tất cả công việc nuôi dạy con cái đều thuộc về Giselle. Đôi khi, tiếng cười khúc khích của lũ trẻ cũng khiến cô vui vẻ, và cô yêu làm sao cái khoảnh khắc bọn trẻ phá lên cười khi nghe cô hát theo phong cách opera.

Tuy nhiên, Giselle chẳng thể thoát khỏi những tưởng tượng điên cuồng về việc bóp nghẹt bọn trẻ bằng một cái gối, hoặc ném chúng khắp phòng. Đó cũng là lúc bác sĩ chính của cô chẩn đoán rằng Giselle đã bị trầm cảm sau sinh, và thuốc cũng không thể giúp ích được gì. Nỗi đau này cô chẳng thể nói với ai, chỉ có thể cố hết sức để kiểm soát cơn giận của mình.

Mặc dù đã nộp đơn xin hỗ trợ cho các gia đình nghèo khó, nhưng yêu cầu của Giselle bị từ chối vì thu nhập của hai người vượt quá 231 USD/tháng (khoảng 5,6 triệu đồng). Rachel và Michael Borego, bố mẹ của một người bạn đã ngỏ ý giúp trông lũ trẻ vào cuối tuần để Giselle có thể tìm kiếm công việc.

Cecil bắt đầu phàn nàn về sự mệt mỏi của mình, về sự cằn nhằn của Giselle, về giấc mơ mà anh đã đánh mất, và về việc anh không thể đáp ứng được những kỳ vọng trở thành người cha tốt. “Em yêu anh vì anh đã luôn ở đó, giữ lấy em và cho em những phút bình yên mà em chưa bao giờ nghĩ rằng nó tồn tại. Nhưng em không hề hạnh phúc”, đó là những lời mà Giselle đã viết cho Cecil trong lá thư.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 6.

Từ tháng 5 năm nay, Giselle sống trong xe cắm trại, với tài khoản ngân hàng còn vỏn vẹn 83 xu (20.000 đồng).

Mùa xuân năm đó, Giselle thấy mình bị mắc kẹt trong các video nói về lý thuyết mô phỏng, một thuyết âm mưu cho rằng chúng ta đang sống trong một loại Ma trận. Sự bất lực vây lấy cô gái trẻ đến mức cô không còn cảm thấy sự chân thực của thế giới xung quanh nữa, ngay cả mối ràng buộc với con cái cũng dần biến mất trong cô.

Đến tháng 9, hai người chia tay, nhưng vì không có đủ tài chính để tìm cho mình một căn nhà mới, cô chỉ đành ngủ trong phòng thay đồ, ngay bên cạnh phòng của hai đứa trẻ. Không lâu sau đó, cô đã chuyển đến ngôi nhà của gia đình Borego cùng với cặp sinh đôi.

Bỏ con mình hay nuôi chúng trong vô vọng?

Trong nhiều tháng trời, Giselle đã cố hết sức để đẩy lùi ý định tự tử, nhưng chúng bắt đầu quay trở lại một cách mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Giselle biết mình cần được giúp đỡ, nên cô đã ký vào giấy ủy quyền nuôi dưỡng cho Rachel. Vào ngày 11 tháng 11, một tháng sau ngày sinh nhật đầu tiên của hai con, Giselle đã tự đến bệnh viện tâm thần để kiểm tra sức khỏe.

Tại bệnh viện Canyon Creek, trong căn phòng vô trùng yên tĩnh, bác sĩ đã chẩn đoán cô mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cuối tháng đó, Giselle quay trở lại nhà Boregos, Rachel đã tự hỏi rằng liệu cô gái trẻ này có muốn tiếp tục nuôi dưỡng các con nữa hay không, nhưng với Giselle, quyết định này không hề đơn giản.

Để chuẩn bị cho Giáng sinh năm ngoái, cô đã làm cùng một lúc 4 công việc khác nhau: Nhận đơn đặt hàng tại McDonald’s, dọn dẹp nhà bếp tại Monty’s BBQ, giao hàng cho DoorDash và thậm chí là bán cả huyết tương để kiếm thêm tiền. Đêm về, lo lắng rằng các con có thể bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực của mình, cô đã trốn trong phòng ngủ riêng để bảo vệ bọn trẻ.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 7.

Giselle làm công việc giao hàng cho quán ăn

Vào tháng 2, vợ chồng Rachel và Michael đã nói rằng họ có thể chăm sóc hai đứa trẻ 6 tháng nếu Giselle muốn có thời gian để ổn định cuộc sống. Mặc dù lo sợ con của mình sẽ bị cướp đi, Giselle không thể phủ nhận rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm.

Cháu chưa sẵn sàng để từ bỏ hai con mình”, Giselle nói với Rachel bằng giọng điệu bình thường, nhưng bà có thể nhìn thấy đôi mắt cô đã ngấn lệ. Cô gái trẻ đã thu dọn hành lý và rời đi vào đêm đó.

Vào tháng 5, Giselle vẫn sống trong chiếc xe cắm trại tồi tàn không có phòng tắm và mái nhà thì bị dột. Cô không có chỗ cho hai con trong chiếc xe của mình, trong tài khoản ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn 83 xu. Giselle nhận ra cô không thể cho hai đứa con những gì mà vợ chồng Borego có thể: Một ngôi nhà lớn, phòng ngủ riêng, và tình cảm yêu thương bình thường. Nhưng cô vẫn không dám trao quyền giám hộ cho Rachel vì sợ rằng điều đó sẽ khiến cô mất đi con mình mãi mãi.

Thời gian 6 tháng đã kết thúc, nhưng Giselle chưa sẵn sàng để đưa ra quyết định. Cứ vài tuần, cô sẽ đến thăm bọn trẻ một lần, nhưng bọn chúng không còn chạy lại ôm lấy cô như ban đầu nữa. Khoảng cách giữa họ bắt đầu trở nên xa vời, và điều đó bắt đầu từ chính sự vắng mặt thường xuyên của cô. Giselle đã bỏ lỡ những bước chân đầu tiên, những tiếng nói đầu tiên của con mình.

Ngã ba nước mắt của người mẹ vị thành niên Mỹ - Ảnh 8.

Giselle tại công viên cùng vợ chồng Borego và hai đứa trẻ

Và giờ đây, cô gái trẻ đang dằn vặt giữa hai lựa chọn: Liệu cô nên từ bỏ quyền làm cha mẹ như chính cha mẹ cô đã làm, hay cố nuôi dạy con cái mà không có sự ổn định hay hơi ấm mà chúng xứng đáng được hưởng. Chẳng có lựa chọn nào tệ hơn được nữa.

Nguồn: Propublica

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày